| Hotline: 0983.970.780

Cháy bỏng mục tiêu chinh phục thị trường EU

Thứ Sáu 30/08/2024 , 06:01 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải chia sẻ của nguyên Cục trưởng Nguyễn Tử Cương về quãng thời gian đáng nhớ và đầy gắn bó với NAFIQACEN thời gian đầu.

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng NAFIQAVED (sau đó là NAFIQAD). Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng NAFIQAVED (sau đó là NAFIQAD). Ảnh: Bảo Thắng.

Mối cơ duyên kỳ lạ

Năm 1990, thông qua lời giới thiệu của TS Tạ Quang Ngọc, khi ấy là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Thủy sản) và sự cho phép của TS Nguyễn Tấn Trịnh, Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đồng ý cho Việt Nam 2 suất học HACCP tại Songkhla, một thành phố phía nam Thái Lan.

Lúc ấy tôi đang là chuyên viên của vụ. Chuyên môn thì nằm lòng cả chục năm nhưng tiếng Anh thì hạn chế. Tôi mới đề xuất với ông Tạ Quang Ngọc, hãy dành chỉ tiêu của mình cho người khác, có thể tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Ngạc nhiên, là ông Ngọc trả lời “Cậu học qua tai Hùng (ông Lê Đình Hùng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Tổng Công ty SEAPRODEX)".

Mãi về sau, tôi mới biết rằng lúc đó mình và ông Hùng được lãnh đạo Bộ Thủy sản quy hoạch vào tổ chức quản lý an toàn thực phẩm của ngành. Tuy nhiên, đó là chuyện sau này. Còn khi ấy thì chẳng biết cách nào khác ngoài việc "bấm bụng" thuê thầy dạy tiếng Anh trước ngày lên tàu bay. Nói thật, năm đó tôi ngoài 40, chưa hẳn là nhiều tuổi nhưng chữ nghĩa vào đầu không thể so với các bạn trẻ hơn. Vậy mà mối lương duyên kỳ lạ với an toàn thực phẩm kéo tôi đi được tới 13 buổi phụ đạo. 

Sát giờ sang Thái Lan, tôi vẫn còn băn khoăn lắm. Nhưng nhờ thầy dạy tiếng Anh động viên, đại ý là với vốn tiếng Anh hiện có thì nếu bị lạc tại thì anh vẫn tự tìm về được, nên mạnh dạn sang nước bạn. Tại Songkhla, tôi và ông Lê Đình Hùng có nhiều thời gian thảo luận về lĩnh vực mới mẻ quản lý an toàn thực phẩm. Những chỗ buổi sáng nghe giảng bập bõm (vì không hiểu tiếng), tôi "truy bài" ngay, mục đích không gì khác ngoài đưa chất lượng, an toàn thủy sản Việt Nam phù hợp với quan điểm mới của thế giới.

Đó cũng là những ngày, tôi bắt đầu hiểu về HACCP và thấm thía một cách sâu sắc vấn đề: Đường đi của thủy sản ra nước ngoài bắt buộc phải có HACCP.

Ông Nguyễn Tử Cương nhận chứng chỉ học về an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Ông Nguyễn Tử Cương nhận chứng chỉ học về an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Cơ duyên sang Thái Lan còn mở ra cho tôi những cơ hội mới. Đầu năm 1993, Vụ Kỹ thuật (Bộ Thủy sản) và Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng (Ủy ban khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) phối hợp soạn thông tư liên tịch, với nội dung tách Trung tâm KCS ra khỏi Tổng Công ty SEAPRODEX về trực thuộc Bộ Thủy sản để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành thủy sản. Tuy nhiên, phía SEAPRODEX không đồng ý.

Nhưng bối cảnh thế giới lúc đó bắt buộc phải có tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm thủy sản. Trước đây, cơ quan này là Trung tâm KCS, khiến nhiều người cho là "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước tình hình ấy, tôi mạnh dạn đề xuất ông Tạ Quang Ngọc, lúc đó đã là Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật, xây dựng phương án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thủy sản.

Với kiến thức về HACCP trước đó, tôi trình bày phương án của mình trước hội đồng chuyên môn của Vụ Kỹ thuật. Sau khi phương án hoàn thiện, Bộ Thủy sản đã kiến nghị Chính phủ cho thành lập Trung tâm Kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thủy sản. Chức năng của tổ chức này rất lớn khi quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm thủy sản trong sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất nhập khẩu trên phạm vị cả nước.

Trung tâm mới, cùng nhiều vận hội mới, đòi hỏi phải có người đứng đầu tâm huyết. Bộ trưởng Nguyễn Tấn Trịnh và ông Tạ Quang Ngọc (lúc này đã lên Thứ trưởng) có ý bổ nhiệm nhưng tôi kiên quyết từ chối. Tôi nhiều lần nói “Em không làm được đâu” và hứa sẽ giới thiệu một người khác. Chiều ý tôi, Bộ trưởng giao làm Phó Giám đốc phụ trách và để tôi tự chọn số quyết định và ngày phát hành văn bản. Ngày 26/8/1994 thành lập NAFIQACEN xuất phát từ đó. 

Giữ lời hứa với lãnh đạo Bộ, trong khoảng 9 tháng từ lúc NAFIQACEN thành lập, tôi 3 lần để cử người để Bộ Thủy sản bố nhiệm làm giám đốc, nhưng cả 3 lần Bộ đều không trả lời, không giải thích lý do và cũng không bổ nhiệm Phó Giám đốc thứ 2, mặc tôi tự xoay sở. Mãi đến thời điểm 1 năm, tôi phải làm văn bản kiến nghị tự bổ nhiệm thì chỉ trong 5 ngày, Bộ phê chuẩn. Vị trí Phó giám đốc NAFIQACEN cũng do tôi toàn quyền chọn, đề xuất. 

Ông Nguyễn Tử Cương, hiện gần 80 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và thường xuyên làm việc tại nhà. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Tử Cương, hiện gần 80 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và thường xuyên làm việc tại nhà. Ảnh: Bảo Thắng.

Mối duyên với thị trường EU

NAFIQACEN được thành lập trong bối cảnh Việt Nam mong muốn nhanh chóng bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thủy sản. Để làm được, chúng tôi bắt buộc phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt nhất từ thị trường đòi hỏi khắt khe nhất - Liên minh Châu Âu (EU).

Tôi quan niệm muốn "làm bạn" được với họ thì không gì nhanh hơn là "học hỏi" trước. Năm 1995 (ngay sau khi thành lập trung tâm), nhờ biết được việc vợ của ông Erick Poutdele là người Việt Nam, chúng tôi đã mời được vị Trưởng ban An toàn thực phẩm của DG SANCO (nay là DG SANTE) đến trực tiếp thị phạm 10 ngày. 

Người ta bảo "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", nhờ việc truyền dạy của "thầy" Erick mà chúng tôi học hỏi được cách làm việc khoa học hơn. Chẳng hạn, mọi nhận xét đều phải xuất phát từ bằng chứng. Tôi xin lấy một ví dụ. Tại xí nghiệp thủy sản Đà Nẵng, chúng tôi thanh tra nội dung giặt và làm khô bảo hộ lao động cho công nhân. Ông Erick liên tục hỏi, rằng thuê giặt hay tự giặt, cho xem nơi giặt và dụng cụ giặt, giặt tay hay giặt máy, mô tả cách giặt...

Liên tục hối thúc quản lý đơn vị, rồi vị chuyên gia về an toàn thực phẩm nhận xét, doanh nghiệp có hơn 300 công nhân thì không thể giặt tay kịp trong ngày. Lúc ấy, quản lý xí nghiệp mới nói là "còn giặt máy nữa". Ông Erick lại đòi xem máy giặt. Tới lúc này, đơn vị lúng túng vì không tìm thấy chỗ cắm điện sau khi khiêng máy giặt ra, thậm chí trong máy còn ngổn ngang dây điện. Điều đó chứng tỏ, máy giặt không được sử dụng, cũng có nghĩa xí nghiệp không đảm bảo được vấn đề giặt bảo hộ lao động.

Những "bài học" nhập môn ấy theo tôi đến khi về hưu. Khi kiểm tra doanh nghiệp, tôi luôn dặn dò anh em là phải tìm ra bằng chứng thuyết phục, thậm chí chụp ảnh để lưu biên bản. Suốt quá trình làm việc, phải luôn giữ thái độ đúng mực, nhã nhặn với doanh nghiệp. 

Buổi chia tay bịn rịn với ông Carlos, nhạc trưởng của các lớp về HACCP. Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Buổi chia tay bịn rịn với ông Carlos, nhạc trưởng của các lớp về HACCP. Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Có lẽ chính bởi quan điểm, cách làm việc như vậy mà khi NAFIQACEN phấn đấu đưa sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào EU, thị trường có yêu cầu cao nhất thế giới, doanh nghiệp đã tự nguyện đăng ký và nhiệt tình hưởng ứng.

Đó là quãng thời gian chúng tôi mới thành lập, cái gì cũng bỡ ngỡ. Do quy định của EU có hiệu lực từ năm 1993, còn NAFIQACEN mãi tới năm 1994 mới thành lập, nên tiến độ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở phân tích như vậy, chúng tôi quyết định liên hệ toàn bộ 87 doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản sang các nước ASEAN, sau đó nói với họ rằng, ai muốn xuất sang EU thì Trung tâm sẽ tuyên truyền, phổ biến HACCP. Mọi công đoạn từ xây dựng nhà máy, sơ chế, chế biến nguyên liệu đều sẽ được cán bộ cầm tay chỉ việc.

Sau thời gian sàng lọc, còn 64 doanh nghiệp quyết tâm đến EU. Cuối năm 1994, EU công nhận toàn bộ số này và đưa vào nhóm 2, nghĩa là sẽ bị kiểm tra từng lô hàng xuất khẩu. Mục tiêu của chúng tôi là đưa doanh nghiệp trong nước sang nhóm 1, chịu tần suất kiểm tra 10% tại cửa khẩu, càng nhiều càng tốt. 

Thuở ban đầu, doanh nghiệp lựa chọn nhà máy tương đối sơ sài, theo kiểu tiện đâu làm đấy. Nhà kho, trường học cũng có thể trở thành nhà máy thủy sản. Nhưng theo HACCP thì khác, phải tuân thủ chặt chẽ 7 nguyên tắc và 12 bước.

Trong đó, có việc xây dựng sơ đồ quy trình công nghệ (đảm bảo dòng sản phẩm đi vào và ra theo 1 chiều, tức là 1 đường đi vào và không có chiều quay lại hoặc giao cắt để tránh lây nhiễm chéo). Ngoài ra, phải tiến hành phân tích các mối nguy theo toàn bộ quy trình và biện pháp phòng ngừa, cũng như xác định các điểm tới hạn.

Một loạt khó khăn, thách thức như vậy nhưng từng chút một, chúng tôi đã vượt qua. Đến tháng 11/1999, NAFIQACEN gửi danh sách 18 doanh nghiệp đề nghị EU chuyển sang nhóm 1 và được phía bạn phê duyệt toàn bộ. Niềm vui vỡ òa trong từng cán bộ, bởi chúng tôi hiểu rằng mình đã chọn hướng đi đúng: Quyết tâm chinh phục EU và không làm nhiều hơn những gì thị trường đòi hỏi.

Bảo Thắng (ghi)

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Tình quân dân ấm áp trong mùa mưa lũ

Trong lúc nguy nan nhất, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã lăn xả hết mình, không quản gian khổ, để trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân.