| Hotline: 0983.970.780

Chỉ số hạnh phúc hướng đến từng số phận con người

Thứ Sáu 02/09/2022 , 08:23 (GMT+7)

Sau câu chuyện cơm ăn áo mặc, thì chỉ số hạnh phúc trở thành một điều đáng bận tâm. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa có những chia sẻ thú vị với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Trong xu hướng hội nhập, người Việt Nam bắt đầu chú ý đến chỉ số hạnh phúc. Một ví dụ khá thú vị là tỉnh Yên Bái đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đảng bộ. Là một chuyên gia về đô thị học, ông nghĩ gì về điều này?

Trước hết cần phân biệt tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng là khái niệm phản ánh sức khỏe một nền kinh tế trong một giai đoạn nào đó, còn phát triển là một khái niệm rộng lớn hơn bao hàm cả văn hóa-xã hội-môi trường.

Cho đến nay về cơ bản để đo lường trạng thái kinh tế của một quốc gia hay một tỉnh, thành sau thời gian (thường là 1 năm hoặc 5 năm), các chuyên gia sử dụng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và GRDP (tổng sản phẩm nội địa một vùng hay một khu vực).

Tuy nhiên, GDP và GRDP là sự đo lường thuần túy về kinh tế, nó không phản ánh được toàn bộ đời sống của con người, bởi ngoài tiền, lương thực thực phẩm, điều kiện vật chất (nhà, xe, điện thoại...) thì con người còn có nhu cầu về văn hóa-xã hội-tâm linh.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Hạnh phúc phải luôn gắn bó và tính đến lợi ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Hạnh phúc phải luôn gắn bó và tính đến lợi ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Vào đầu những năm 1990 một hệ đo lường khác được bổ sung thêm nhằm khắc phục hạn chế của cách thức đo lường trước. Đó là hệ đo lường bằng các chỉ số về con người HDI (Human Development Index), nhưng hệ đo này cũng chỉ mở rộng thêm được 2 chỉ số mới là tuổi thọ bình quân và trình độ học vấn.

Nhưng về sau người ta nhận thấy như vậy vẫn chưa đủ, bởi anh có nhiều tiền, sống lâu, học cao nhưng chưa chắc đã hạnh phúc cho nên năm 2000 một số quốc gia xây dựng nên bộ chỉ số hạnh phúc (GNH - Gross National Happiness - tổng hạnh phúc quốc gia) để đo lường “chất lượng sống”.

Tuy nhiên, cần nói rõ là cho đến nay tất cả các quốc gia, khu vực khi xây dựng chính sách kinh tế của Chính phủ người ta vẫn phải dựa trên hai hệ thống đo lường GDP và GRDP, bởi nó là các chỉ số cơ bản đánh giá một nền kinh tế mà có thể lượng hóa ra được, còn HDI và GNH thường được các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là NGO dùng để đánh giá sự phát triển một nơi nào đó. Các quốc gia, tỉnh, thành có thể sử dụng GNH để xây dựng chính sách văn hóa-xã hội cùng với GDP và GRDP.

Tỉnh Yên Bái đưa GNH vào nghị quyết Đảng bộ được coi là đơn vị hành chính đầu tiên sử dụng bộ chỉ số này, nếu Yên Bái đề cập đến nó không phải theo xu thời hay phong trào mà thực chất thì chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa cho nhân dân tỉnh, bởi Yên Bái không phải là tỉnh giàu mà người dân thấy hạnh phúc thì quá tuyệt vời.     

Hiện nay, các nghiên cứu định lượng về hạnh phúc theo hướng tiếp cận xã hội học đang được coi trọng hơn. Ông có so sánh gì về chỉ số hạnh phúc giữa cư dân đô thị và cư dân nông thôn không? 

Cần phải nói ngay là cách tiếp cận phát triển bằng GNH đang được coi trọng, nhưng do quan niệm và cảm nhận về hạnh phúc của mỗi quốc gia, vùng miền khác nhau cho nên có nhiều phiên bản khác nhau với các chỉ số khác nhau, do vậy mà khá rắc rối và còn nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, có một số chỉ số trong thang đo GNH được nhiều quốc gia công nhận như chất lượng sức khỏe (khác với tuổi thọ), gia tăng quyền chọn lựa cá nhân, tương tác với thiên nhiên, và sự cảm nhận về sự hài lòng trong quan hệ xã hội với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.  

Cho đến nay các chuyên gia không có bộ chỉ số đo lường hạnh phúc dành riêng cho đô thị và nông thôn bởi về cơ bản các chỉ số về hạnh phúc của con người là giống nhau mà khác nhau là thứ tự trong danh mục bảng đánh giá, chẳng hạn ở đô thị thì các chỉ số tương tác xã hội, tương tác với thiên nhiên đặt cao hơn do chỗ người dân thành phố cô đơn hơn, bê tông nhiều hơn cây cỏ, muông thú, ngược lại thì người dân nông thôn cần hệ thống an ninh, cần thu nhập cao hơn người dân đô thị.

Nhiều người cho rằng, hạnh phúc ở nền văn hóa phương Tây là những thành tích cá nhân và sự tự trọng, còn hạnh phúc ở nền văn hóa phương Đông là những yếu tố về sự hài hòa xã hội và thực hiện nghĩa vụ. Theo quan điểm của ông, chỉ số hạnh phúc có phụ thuộc vào nền tảng văn hóa không? Vì sao?  

Chắc chắn là như thế rồi, bởi hạnh phúc là sự cảm nhận của cá nhân và kết quả của sự tương tác của cá nhân đó với các chủ thể khác (cá nhân, nhóm, cộng đồng) và với môi trường thiên nhiên, do vậy mà nền tảng văn hóa được hình thành trong cá nhân hay cộng đồng đó ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc (quan niệm, cảm nhận, hưởng thụ).

Chẳng hạn từ xưa tới nay ở các nước phương Tây (chỉ châu Âu và Bắc Mỹ) khi xây dựng luật pháp, chính sách đều bắt đầu từ lợi ích và quyền của cá nhân, còn ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc xây dựng luật, đường lối, chính sách là dựa trên lợi ích cộng đồng, tập thể (mặc dù ngày nay có mở rộng đôi chút).

Cụ Bùi Thị Xong ở Hội An (Quảng Nam) được mệnh danh là “Cụ bà đẹp nhất thế giới” qua ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle.

Cụ Bùi Thị Xong ở Hội An (Quảng Nam) được mệnh danh là “Cụ bà đẹp nhất thế giới” qua ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle.

Người dân phương Tây họ hạnh phúc khi được tự do lựa chọn điều họ muốn trong hôn nhân, tình yêu, tình dục, học hành, việc làm, cư trú và chính trị. Họ hạnh phúc khi cái tôi được thỏa mãn (không phải cái tôi vị kỷ), tất nhiên là sự thỏa mãn đó không làm ảnh hưởng tới người khác, tác động tiêu cực đến xã hội và xã hội tôn trọng quyền cá nhân đó (chẳng hạn hôn nhân đồng giới). Ở các nước như Việt Nam thì hạnh phúc phải luôn gắn bó và tính đến lợi ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.  

Vương quốc Bhutan là một quốc gia đang phát triển, vị trí địa lý, tự nhiên không thuận lợi, 70% dân số làm nông nghiệp và sinh sống tại vùng nông thôn, nhưng người dân ở đây vẫn cho rằng mình là những người hạnh phúc nhất thế giới. Ông đánh giá điều ấy như thế nào?

Buhtan là một quốc gia kỳ lạ, dân số chỉ có 700.000 người (cho đến nay dường như họ tách biệt với thế giới bên ngoài. Có thể vì thế mà họ vẫn giữ được gần như 100% môi trường thiên nhiên, bảo toàn văn hóa truyền thống, bảo tồn nguyên vẹn nền kinh tế nông nghiệp và các quan hệ xã hội cổ truyền trong đó có tôn giáo. Để giữ cho môi trường tự nhiên trong sạch, Chính phủ Buhtan cấm kinh doanh xe hơi, xe máy, chỉ có một số ít xe bus công cộng đường dài; hàng năm đất nước này chỉ đón 35-40.000 khách du lịch, mà khách du lịch chỉ được đi đến những nơi chỉ định. Truyền hình bắt đầu có năm 2000 và chỉ có một số ít người dân của thủ đô có điều kiện sử dụng, mạng internet và smart phone chỉ có ở thủ đô và qui mô nhỏ, số lượng ít.

Tôi có suy nghĩ nhiều về trường hợp của Buhtan, liệu họ có thể phát triển đất nước cởi mở hơn, tăng trưởng kinh tế tốt hơn mà vẫn giữ được môi trường và mang lại hạnh phúc cho người dân như các nước Bắc Âu được không? Liệu khi đất nước mở cửa như Việt Nam thực hiện năm 1995 thì dân họ còn cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có hay không? Nên nhớ chất lượng sống và hạnh phúc không phải là hệ thống đóng khung mà nó thay đổi theo thời cuộc và bối cảnh. Hạnh phúc là sự cảm nhận của cá nhân trong cộng đồng.

Còn nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi rất khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng lại thấy rất hài lòng (bây giờ gọi là hạnh phúc) bởi ngày ấy chúng tôi không có khái niệm sướng và không biết so sánh với cái gì.

Tôi đã nghe ông Thủ tướng Tshering Tobgay phát biểu trong một cuộc hội thảo quốc tế. Ông ta từng học cử nhân và thạc sĩ hơn 10 năm ở Mỹ, trong lúc thuyết trình ông ta trưng ra cái điện thoại di động xịn. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người dân Buhtan có được cái điện thoại di động như ông ấy? 

Sau tỉnh Yên Bái, nhiều địa phương khác cũng có kế hoạch xác lập chỉ số hạnh phúc cho người dân. Ông đề cao những yếu tố nào sau đây: (1) sức khỏe tâm lý, (2) sử dụng thời gian, (3) sức sống cộng đồng, (4) giáo dục, (5) đa dạng văn hóa và khả năng phục hồi, (6) đa dạng sinh thái và khả năng phục hồi, (7) sức khoẻ, (8) mức sống, (9) quản trị tốt?

Một câu hỏi khó bởi nó liên quan đến cả tầm vi mô (cá nhân) và vĩ mô (quốc gia, thể chế). Nếu chỉ chọn một thì tôi chọn quản trị tốt. Một khi bộ máy lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tỉnh thành, huyện, xã phường biết quan trị tốt thì sẽ biết cách mang lại hạnh phúc cho người dân và biết cách tạo điều kiện (luật pháp, tài chính, chính sách) tốt nhất để người dân tìm kiếm, xây dựng hạnh phúc. Còn ngược lại thì con đường mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc rất chật vật. 

Có sự nghiệp và được trọng vọng, bây giờ nghỉ hưu, ông có nghĩ mình là một người hạnh phúc không? Ông tự đưa ra “chỉ số hạnh phúc” cho cá nhân mình gồm những gì?

Chả có công thức chung nào cho tất cả mọi người cả. Với tôi lúc này hạnh phúc đơn giản là được làm công việc mình thích, được sống với những người mình yêu quí, được ở nơi mình muốn gắn bó, có sức khỏe, không nợ nần, sống bình yên. Không biết như thế có nhiều quá không? Cũng như tất cả mọi người, hạnh phúc với tôi vừa có vừa không, có cái này mà không cái khác, có lúc này mà không lúc khác. Chấp nhận và hài lòng thôi.

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.