| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/07/2011 , 11:07 (GMT+7)

11:07 - 19/07/2011

Chị tôi

Chị tôi tuổi già, không nơi nương tựa cũng chẳng có chính quyền, đoàn thể nào quan tâm. Không có một chế độ, chính sách, ưu đãi hoặc hỗ trợ gì... Thật thiệt thòi cho chị.

Chị Dạ Hương thân mến!

Chị gái tôi là Nguyễn Thị The năm nay đã ngoài 60 tuổi, hiện sống ở xã Nam Thái, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 19 tuổi (năm 1969) chị tôi yêu anh bộ đội cùng làng. Hai bên gia đình đã làm lễ ăn hỏi trong dịp đơn vị cho anh 15 ngày nghỉ phép trước khi vào miền Nam chiến đấu (gọi là đi B).

Thời ấy ở quê tôi rất nhiều trường hợp như vậy và người quê thường nói là “nhận phần để đấy”. Từ đó chị tôi đã là vợ anh và là con dâu nhà anh rồi, mọi công to việc nhỏ ở nhà anh chị đều phải có mặt để cùng bàn bạc cùng lo, cùng làm .... Chỉ có mỗi một điều là không ăn, không ngủ ở nhà anh ấy. Nghĩa là phải thay anh gánh vác tất thảy mọi việc khi anh đi bộ đội vắng nhà, bởi anh là con cả và còn là con trai độc nhất của bố mẹ anh.

Từ đó chị tôi như là gái đã có chồng không được phép quan hệ yêu đương với ai nữa. Thời gian cứ trôi đi, chiến tranh cũng chưa kết thúc, chị tôi cứ mòn mỏi ngóng trông ngày anh trở về để còn có một tờ giấy đăng ký kết hôn và vài chục mâm cỗ nữa mời họ hàng cùng bạn bè ... thì chị mới được đường đường chính chính về ở hẳn nhà anh.

Cứ thế 3 năm rồi 5 năm trôi qua vẫn không thấy anh trở về. Điều ấy cũng dễ hiểu vì đất nước vẫn chưa hết chiến tranh nên chị vẫn yên tâm chờ đợi mong ngày nước nhà thống nhất. Và ngày đó rồi cũng đã đến.

Đầu năm 1975, mọi gia đình và bạn bè đều vui mừng náo nức đón mừng tin vui chiến thắng từ chiến trường miền Nam và chờ đón tin vui người thân trở về. Gia đình anh, gia đình tôi và chị tôi cùng hoà đồng vào khí thế mới và mong ngóng tin anh. Quả thực đã có rất nhiều đồng đội của anh trở về quê hương được gặp lại gia đình, bạn bè, người thân...

Ngày 30 tháng 4 đã qua đi 2 tháng, chị và gia đình vẫn không có tin tức gì của anh. Linh tính báo cho chị có điềm chẳng lành. Chị chỉ biết khóc thầm đau khổ vì thương anh và thương cho bản thân mình. Tháng 6 năm 1975, chính quyền xã, huyện, tỉnh đã làm lễ truy điệu cho anh. Từ đó đến nay chị vẫn ở vậy. Cuộc sống nông thôn làm thuần nông vất vả cực nhọc biết bao.

Thương chị tôi mạnh dạn viết thư tâm sự gửi chị Dạ Hương mong chị thấu hiểu tâm can tôi vì nay chị tôi tuổi già, không nơi nương tựa cũng chẳng có chính quyền, đoàn thể nào quan tâm. Không có một chế độ, chính sách, ưu đãi hoặc hỗ trợ gì ... Thật thiệt thòi cho chị và những người phụ nữ cùng cảnh ngộ như chị. Biết sống ra sao những năm tháng tuổi già ở phía trước?

Rất cảm ơn chị đã đọc lá thư này.

Em gái của chị ở Hoà Bình

Chị thân mến!

Lá thư như một câu chuyện của văn học buồn. Chao ơi, chiến tranh, chúng mình không biết có bao nhiêu thân phận trôi nổi bên trong mất mát của nó và cũng không biết bao giờ thì bi kịch kết thúc. Có lẽ không bao giờ cả, hả chị? Là vì người nằm xuống chưa hẳn đã thanh thản, người còn lại không vui và khi mọi người đều đã bước sang thế giới khác thì dư âm thương đau vẫn còn lại trên mặt đất này. Chị gái của chị bằng tuổi với chị gái tôi, tôi hiểu nỗi niềm của người suốt đời là một con số không.

Chị ạ, quê tôi có nhiều phụ nữ có chồng đi tập kết. Tôi kể ra một dạng của bi kịch chiến tranh để chị và chị gái của chị hiểu thêm về nó. Rồi chúng ta sẽ đi thẳng vào đề sau. Rất nhiều phụ nữ lâm vào tình thế “số không” khi chồng trở về với cái tin đã có vợ thêm, vợ lẽ ngoài Bắc. Không thể trách đàn ông được. Họ không “ở vậy” ngót mấy chục năm trời được.

Thế là, người thì ngậm đắng nuốt cay theo đội hình một ông hai bà, người thì nhất quyết đường ai nấy đi. Số người chọn giải pháp thứ hai nhiều hơn, trong đó có những người ngày xưa chỉ mới đính ước với chồng bằng một lễ ăn hỏi.

Vậy đó, chị ơi. Tôi bảo các chị ấy thuộc diện “góa sống”. Chị The của chị là loại góa thật, nhưng chưa có đám cưới, chưa có giấy đăng ký kết hôn thì chỉ là góa nửa, “góa một nửa” thôi. Các bà chị “góa sống” ở quê tôi không ai được chế độ gì cả, đương nhiên rồi. Họ góa một cách ấm ức và khắc khoải dù họ không trách chồng, không trách người vợ ngoài Bắc, cũng không trách ai và chờ ai.

Chị The của chị thiệt thòi ở chỗ đáng lẽ chị đã đi thêm bước nữa từ sau nguôi tang anh. Có lễ truy điệu nghĩa là có cái chết thật, hẳn lúc ấy chị The còn khá trẻ. Lấy chồng và sinh con, đó là mệnh lệnh của cuộc sống. Vong hồn liệt sĩ không trách chị ấy, sao chị ấy lại quá nặng lòng với một người chồng chưa chính thức như vậy?

Pháp lý là pháp lý. Chị The không có giấy kết hôn hoặc giấy tờ thay thế, như là chứng nhận của chính quyền và tổ chức của đơn vị anh ấy thì làm sao? Chuyện đáng lẽ phải được chạy vạy ngay sau khi lễ truy điệu anh. Nếu chị yêu cầu thì có thể, lúc ấy đơn vị của anh và xã, huyện đã chứng cho chị là vợ của anh. Giờ thời gian đã trôi đi, cơ hội của thời nhá nhem đã hết, giờ thì gì người ta cũng đòi giấy tờ và thủ tục đầy đủ cả. Đành vậy chị ơi.

Mong chị và chị The có những ngày tuổi già yên ổn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm