| Hotline: 0983.970.780

Chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng

Thứ Ba 31/07/2018 , 08:01 (GMT+7)

Tính đến nay, Bình Phước đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho người nhận giao khoán, chăm sóc rừng được 5 năm.

Nhờ vậy, không chỉ đời sống người dân được cải thiện đáng kể, mà tình trạng phá rừng, xâm chiếm trái phép gần như dứt hẳn.
 

Nhiều lợi ích

Tính đến năm 2017, Bình Phước đã giải ngân chi trả DVMTR cho các đơn vị với số tiền hơn 83 tỷ đồng. Ông Trần Quốc Hoàn, Phó GĐ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có những tác động tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó góp phần làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các đơn vị sử dụng DVMTR.

15-28-31_nh_1
VQG Bù Gia Mập không còn bị “quấy phá” nhờ người dân nhận giao khoán rừng

Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có diện tích rừng tự nhiên vùng lõi là hơn 25.600ha, vùng đệm hơn 18.000ha, trong đó phần vùng đệm thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước 10.036ha. Rừng được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao với 1.117 loài thực vật, 105 loài thú, 460 loài chim. Trong đó có 22 loài thực vật quý hiếm, 33 loài thú, 5 loài chim trong Sách đỏ thế giới; 17 loài thực vật, 37 loài thú, 10 loài chim quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam; 6 loài thực vật, 17 loài chim nguy cấp. Hiện diện tích giao khoán của vườn là gần 25.500ha với 15 đơn vị nhận khoán, gồm 4 đồn biên phòng, 1 tổ chức công đoàn và 10 đơn vị cộng đồng với 250 hộ dân.

Một hộ dân trung bình nhận khoán 40ha, từ năm 2013 - 2016 với mức chi trả DVMTR 295 ngàn đồng/ha/năm (gồm 70 ngàn đồng/ha/năm từ kinh phí hỗ trợ của vườn), mỗi năm mỗi hộ nhận được gần 12 triệu đồng. Nguồn thu nhập này không lớn, nhưng thật sự có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây.

Anh Điểu Ma Giang, dân tộc S’tiêng ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết, cộng đồng thôn 3 có 45 hộ nhận khoán 1.347ha. Trung bình mỗi hộ nhận khoán 30ha. Năm 2017, với số tiền chi trả DVMTR 265 ngàn đồng/ha/năm, mỗi năm một gia đình nhận được gần 8 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình anh có thêm thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, nhờ làm tốt chi trả DVMTR, thời gian qua số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã đã giảm mạnh cả về số vụ và mức độ vi phạm. Năm 2012 xảy ra 93 vụ vi phạm lâm luật thì năm 2017, chỉ còn 15 vụ vi phạm. Trong đó, 4 vụ khai thác rừng trái phép, 11 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng.
 

Chưa hết khó khăn, vướng mắc

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ rừng và giúp các hộ nghèo trên địa bàn có nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc ví như việc xây dựng đơn giá khoán bảo vệ rừng chưa sát với nguồn thu, phí chi trả DVMTR còn thấp, ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cộng đồng nhận khoán.

15-28-31_nh_2

Anh Điểu Ma Giang nói: “Cộng đồng thôn 3, xã Đắk Ơ nhận khoán ở các tiểu khu 4, 7, 8 của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Từ thôn 3 đến các điểm chốt hơn 30km nên luân phiên một ca 7 người, trực 24/24 giờ. Trung bình mỗi hộ 1 tháng phải trực 5 ngày. Trừ các khoản chi phí xăng xe, ăn uống... thì gần hết số tiền nhận khoán”.

Ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết thêm: “Nhận thấy những khó khăn, vất vả của người dân nhận khoán, Ban quản lý vườn đã chi hỗ trợ mỗi héc ta từ 40 - 70 ngàn đồng theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020. Chủ động đề xuất cấp trên tăng phí DVMTR lên 400 ngàn đồng/ha/năm. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nhận khoán khai thác các loại rau rừng để cải thiện cuộc sống”.

Bên cạnh phí chi trả DVMTR thấp thì số tiền kết dư hằng năm còn cao, việc giải ngân khoản kinh phí này chậm đã ảnh hưởng đến tâm lý người nhận khoán. Ông Trần Quốc Hoàn, Phó GĐ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho rằng, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, quỹ sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng phí chi trả DVMTR. Song song đó, quỹ sẽ tham mưu các ngành chức năng khẩn trương thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả hết số tiền kết dư trong những năm qua để người dân yên tâm gắn bó và giữ rừng.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Bình Phước, toàn tỉnh hiện có gần 174.580ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất có rừng gần 148.500ha. Trong đó rừng tự nhiên gần 56.400ha, rừng trồng hơn 92.000ha. Hiện có 15 đơn vị chủ rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR với tổng diện tích gần 57.000ha.

 

Xem thêm
Gạo AAN thêm một thành công tại thị trường Nhật Bản

Tập đoàn Tân Long cho biết, vừa xuất khẩu thành công gạo Japonica chất lượng cao, mang thương hiệu AAN vào thị trường Nhật Bản.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Anh hùng Lao động Thái Hương và khát vọng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam

HÀ NỘI Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH có bài phát biểu sâu sắc, chia sẻ về khát vọng và tầm nhìn về nông nghiệp Việt Nam.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất