| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược an ninh lương thực của Singapore

Thứ Ba 24/03/2020 , 11:25 (GMT+7)

Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài gây áp lực đối với an ninh lương thực. Singapore, quốc gia phụ thuộc tới 90% vào nguồn thực phẩm nhập khẩu sẽ xoay trở ra sao?

Hiệu ứng domino

Trong những tuần gần đây, trước sự bùng phát của Covid-19, hình ảnh người dân khắp nơi tranh nhau vơ vét gạo và các loại thực phẩm ở siêu thị lập tức làm dấy lên vấn đề an ninh lương thực. Đặc biệt tại đảo quốc Sư tử, nơi 6 triệu dân hầu như không có đất nông nghiệp đã khiến chính quyền lo lắng.

Một trang trại rau theo mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore. Ảnh: CNA

Một trang trại rau theo mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore. Ảnh: CNA

Singapore lâu nay vẫn được coi là một thiên đường ẩm thực, với nguồn cung dồi dào đến mức chất thải thực phẩm được liệt vào vấn đề xã hội. Ông Veera Sekaran, chủ công ty trồng rau thông minh VertiVegies cho hay, sự xuất hiện của Covid-19 cùng với biến đổi khí hậu đã lập tức đặt ra vấn đề an ninh lương thực tại nước này.

Ngay từ tháng 4/2019, Singapore đã thành lập Cơ quan Thực phẩm quốc gia (SFA) có nhiệm vụ tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực. Thậm chí SFA đã đặt ra nhiều kịch bản khác nhau về sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm trong nhiều năm dựa theo những gì từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2007 và 2008 khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tình báo kinh tế, trong năm 2018, Singapore là nước đứng đầu về chỉ số an ninh lương thực toàn cầu trong số 113 quốc gia xét theo một số tiêu chí cơ bản. Tuy nhiên, khi tính đến những rủi ro liên quan đến khí hậu và tài nguyên thì đã bị tụt xuống vị trí thứ 12 trong năm 2019.

Tiến sĩ Cecilia Tortajada, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, thách thức chính không thể tránh khỏi của đô thị giàu có này chính là sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu với tỷ lệ rất cao, với hơn 90% nhu cầu.

Singapore đã triển khai sản xuất thực phẩm rất thành công ở Brunei rồi chuyển về nước. Ảnh: CNA

Singapore đã triển khai sản xuất thực phẩm rất thành công ở Brunei rồi chuyển về nước. Ảnh: CNA

“Đối với bất kỳ quốc gia nào, việc định hình một chiến lược an ninh lương thực khả thi thường phải dựa vào khả năng cân bằng tốt giữa tự lực và tự túc”, giáo sư Paul Teng, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh phi truyền thống thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam nói.

Theo đó, tự túc có nghĩa là một quốc gia có thể tự sản xuất thực phẩm, không chịu phụ thuộc vào nước khác, giống như Indonesia và Philippines trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Còn tự lực hơi khác một chút, có nghĩa là vẫn nhập khẩu thực phẩm nhưng phải căn cứ vào mức độ sản xuất trong nước nữa.

“Và như vậy thì Singapore xếp vào loại thứ hai vì không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai và nguồn nước dồi dào nên cần có các chính sách rõ ràng để bảo vệ nguồn cung cấp cũng như một số khả năng sản xuất trong nước. Hiện hầu hết các nhà kinh tế nông nghiệp và thực phẩm đều thiên về ủng hộ phương pháp tự lực này bởi an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình có liên quan đến GDP trên đầu người”, giáo sư Teng nói thêm.

Do nguồn tài nguyên khan hiếm trong khi lại có lợi thể phát triển tốt hơn những lĩnh vực khác có giá trị kinh tế cao hơn nông nghiệp nên Singapore lâu nay vẫn thường theo đuổi chính sách đa phương hóa nguồn nhập khẩu thực phẩm.

Không bỏ trứng vào một giỏ

Bộ trưởng Tài nguyên và Nguồn nước Masagos Zulkifli cho biết, cách tiếp cận của Singapore là phát triển “ba giỏ thức ăn” vừa đa dạng hóa nguồn thực phẩm nhập khẩu, vừa khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài và mở rộng các ngành sản xuất trong nước.

Lô trứng Thái Lan được chuyển đến Singapore ngay sau khi Malaysia đóng cửa biên giới. Ảnh: CNA

Lô trứng Thái Lan được chuyển đến Singapore ngay sau khi Malaysia đóng cửa biên giới. Ảnh: CNA

Hiện nước này đang là bạn hàng nhập khẩu thực phẩm của  hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự đa dạng hóa nguồn cung này đã kết quả của nhiều năm tìm kiếm và triển khai một cách thận trọng nhằm đảm bảo không bao giờ bị thiếu đói.

“Theo lẽ thường, trong mỗi một cuộc khủng hoảng thì mọi người nên thắt lưng buộc bụng một cách tự nhiên và cắt giảm những tiêu dùng không cần thiết để tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, điều khó dự đoán và lên kế hoạch nhất chính là các phản ứng tâm lý xã hội đối với tình trạng thiếu lương thực, bằng chứng là người dân các quốc gia đổ xô đi mua tích trữ đồ ăn, hàng hóa thiết yếu như vừa qua”, giáo sư Teng nói.

Minh chứng rõ nhất về khả năng không bị lệ thuộc là sự cố lúc 10 giờ tối hôm 16/3 vừa qua, sau khi Malaysia - nguồn cung của hơn 90% sản phẩm trứng gia cầm của nước này bất ngờ bị gián đoạn do phong tỏa biên giới để tránh lây lan coronavirus thì đến 19/3 nguồn hàng khác từ Thái Lan đã được kích hoạt để bù lấp theo đường hàng không.

Hoặc sự cố tương tự hồi năm 2018, khi Malaysia cho biết đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu trứng và một số loại hải sản vì nguồn cung đang thiếu trong nước thì ngay lập tức  Singapore đã chuyển hướng sang nhập trứng từ Ukraine và đến nay đảo quốc này đã bắt tay với nhiều nguồn khác gồm cả Úc, Đan Mạch, Nhật Bản, New Zealand, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ.

“Tuy nhiên đa dạng hóa không chỉ là việc đặt nhiều trứng vào nhiều giỏ mà điều sáng suốt cần làm là phải chọn các quốc gia thường xuyên có nguồn cung hàng hóa lớn so với nhu cầu tiêu thụ nội địa của họ đối với tất cả các loại thực phẩm liên quan. Do đó, khi xảy ra tình huống khủng hoảng lương thực toàn cầu thì những rủi ro như kiểu tranh giành xô đẩy tích trữ của người dân có thể giảm đi. Một hướng mới nên triển khai là khuyến khích các công ty nông nghiệp của Singapore gây dựng nguồn ở nước ngoài và đưa sản phẩm trở lại trong thời kỳ khủng hoảng”, giáo sư Teng nói.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.