| Hotline: 0983.970.780

Sự trỗi dậy của nông nghiệp đô thị ở châu Á

Thứ Sáu 29/11/2019 , 07:01 (GMT+7)

Nông nghiệp đô thị có tiềm năng phát triển trong bối cảnh thế giới đang tìm cách cung cấp nhiều lương thực cho người dân thành phố hơn nhưng lại sử dụng ít đất hơn.

1084625432
Benjamin Swan, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Sustenir Agriculture, trụ sở Singapore, chuyên sản xuất quanh năm các loại hoa quả vốn trồng theo mùa. Ảnh: Sustenir Agriculture.

Nông nghiệp đô thị có thể là hệ thống canh tác rau nhiều tầng sử dụng công nghệ ánh sáng hiện đại, thủy sản được nuôi bằng hệ thống bể nuôi tuần hoàn hoặc nuôi côn trùng giàu protein trong môi trường có kiểm soát.

Những hình thức trên đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, số lượng ngày càng tăng. Nguyên nhân là lượng người chuyển đến sinh sống ở thành phố ngày càng nhiều trong khi thế giới đang tìm cách sản xuất thêm lương thực và sử dụng ít các tài nguyên như nước và đất.

Dân số châu Á sẽ tăng thêm 250 triệu người vào năm 2030. Ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm khu vực, đang phụ thuộc vào nhập khẩu, cần phải bắt kịp nhu cầu để đảm bảo an ninh lương thực.

Châu Á cần đầu tư thêm 800 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để giải quyết thách thức về lương thực, theo Báo cáo Thách thức Lương thực châu Á công bố hôm 20/11 của công ty kiểm toán PwC, ngân hàng Hà Lan Rabobank và quỹ đầu tư chính phủ Singapore Temasek.

Phần lớn số tiền, khoảng 550 tỷ USD, sẽ dành cho sản xuất lương thực chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn. Số còn lại dành cho tăng sản lượng. Điều này đồng nghĩa nhiều cơ hội đang chờ đợi nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự phức tạp và đa dạng trong ngành công nghiệp thực phẩm – nông nghiệp châu Á cũng là thách thức đáng kể. Hơn nữa, quy mô ngành nông nghiệp châu Á nhỏ hơn so với ở Mỹ và châu Âu, nhóm tác giả lưu ý.

“Các công nghệ mới cần được áp dụng để tăng năng suất, giảm ảnh hưởng đến môi trường, cải thiện độ an toàn, truy xuất nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng thực phẩm, giảm lãng phí, rút ngắn chuỗi cung ứng, cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng ngày trong môi trường đô thị”.

Hành trình nông nghiệp đô thị của Benjamin Swan bắt đầu từ 7 năm trước, tại một căn hầm nóng ẩm ở Singapore. Anh từ Australia chuyển tới Singapore năm 2007 khi tham gia đội xây dựng khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands.

“Đó là một trong những dự án tuyệt vời nhất tôi từng góp sức”, Swan nói với Eco-Business. “Nhưng tôi nhận ra mình không thể làm được điều gì thú vị hơn nữa trong lĩnh vực này. Tôi muốn thử thứ gì đó khác biệt”.

Đam mê trồng trọt trong nhà của Swan xuất hiện vào tháng 8/2012, khi từ công ty về nhà. Anh nhìn thấy bài viết về canh tác nhiều tầng của giáo sư vi sinh học Dickson Despommier, người Mỹ. Swan bị hấp dẫn nhưng cảm thấy có thể thiết kế lại để tiết kiệm diện tích. Ngay đêm đó, Swan nảy ra ý tưởng đầu tiên về trang trại trong nhà của riêng anh.

Swan chưa từng trồng cây bao giờ nhưng năm đó, cùng với kiến thức thu thập trên Internet, anh quyết định gặp các giáo sư và các đơn vị vận hành nhà kính từ Nhật Bản cho đến Hà Lan. Cùng với các cộng sự, anh tạo ra hệ thống trồng trọt, đăng ký bằng sáng chế và thành lập công ty khởi nghiệp Sustenir Agriculture, trụ sở Singapore. Hệ thống giúp sản xuất quanh năm các loại hoa quả vốn trồng theo mùa như dâu tây, cải xoăn.

Trong 18 tháng, Swan tranh thủ thời gian rảnh để làm thí nghiệm dưới tầng hầm, tìm ra điều kiện tối ưu để trồng cây trong nhà. Anh thử các loại ánh sáng, dinh dưỡng và mức độ CO2 cần bơm vào không gian để hỗ trợ cây quang hợp.

“Trong tầng hầm đó, độ ẩm là 100%, nhiệt độ 40oC. Tôi trồng cải xoăn. Tôi làm lạnh nguồn nước để đánh lừa cây đang trong môi trường lạnh. Đó là lúc tôi nhận ra mình có thể trồng những loại cây bất khả thi tại những địa điểm bất khả thi”, Swan chia sẻ.

Swan lưu ý vấn đề lớn nhất là hệ thống thực phẩm ngày nay tạo ra lượng lớn khí thải carbon và rác trong quá trình vận chuyển khắp thế giới. Gần 40% thực phẩm bị hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng. “Nếu đưa sản xuất về gần người tiêu dùng hơn, chúng ta có thể đưa sản phẩm đến bàn ăn ngay trong này thu hoạch. Chúng ta sẽ giảm được lãng phí cũng như vệt carbon”.

Swan gần đây mở một cở sở ở Hong Kong và nuôi giấc mơ xây trang trại trong nhà tại mọi thành phố lớn trên thế giới.

JJ Price, người Mỹ gốc Nhật Bản, học ngành kinh doanh nhưng lại đam mê công nghệ và bị ngành nông nghiệp trong nhà thu hút. Anh hiện là giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế của công ty nông nghiệp đô thị Nhật Bản Spread.

“Với công nghệ này, bạn có thể trồng cây ở mọi nơi, từ sa mạc khắc nghiệt nhất cho đến nơi lạnh nhất, chỉ cần có điện, một tòa nhà và nước”, Price nói. Price nuôi tham vọng đưa canh tác theo tầng ra không gian.

Với Kanitsanan Thanthitiwat, môi giới bất động sản, trở thành nông dân là điều cô chưa từng nghĩ tới. Cô còn chưa từng ăn một con dế nào trong đời. Tuy nhiên, khi doanh nhân Thụy Điển Rickard Engberg, bạn của Kanitsanan và chồng cô, nói anh đang nghiên cứu một dự án về protein bền vững ở Thái Lan, hai người lập tức tham gia.

Năm 2016, họ thiết lập một trại dế truyền thống rộng 400m2 ở Hua Hin, miền nam Thái Lan. Một năm sau, họ biến nơi này thành một cơ sở khép kín với nhiệt độ và độ ẩm có thể kiểm soát. Thành quả của họ giờ đây là công ty Global Bugs, có thể cung cấp khoảng 35 tấn dế thô mỗi năm.

Nuôi dế rất vui, Kanitsanan nói. Cô vẫn làm môi giới bất động sản. “Đó là một hình thức kinh doanh mới. Chúng tôi hợp tác nghiên cứu với các trường đại học trong và ngoài Thái Lan để phát triển hơn nữa. Rất thú vị”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.