| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược giúp hải quân Mỹ duy trì ưu thế trước Nga, Trung

Chủ Nhật 23/12/2018 , 07:23 (GMT+7)

Hải quân Mỹ sẽ ứng dụng hình thức tác chiến mới, phân tán lực lượng để kiểm soát khu vực rộng hơn và bổ sung nhiều khí tài hiện đại.

Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson hôm 17/12 công bố tài liệu chiến lược mang tên "Duy trì Ưu thế trên biển (DMMS) phiên bản 2.0". Đây là phiên bản mở rộng của chiến lược ra mắt năm 2016, vạch ra các mục tiêu cụ thể nhằm đối phó sức mạnh hải quân Nga và Trung Quốc trong tương lai, theo Business Insider.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong một cuộc diễn tập năm 2017. Ảnh: US Navy.

Chuyên gia quân sự David B. Later cho rằng tài liệu này có độ dài gấp đôi bản gốc, xác định rõ đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Nga và Trung Quốc. "Moskva và Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi thông lệ của toàn bộ hệ thống quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Ưu thế cạnh tranh của Mỹ đã bị thu hẹp, thậm chí bị mất hoàn toàn trong một số lĩnh vực", đô đốc Richardson viết trong DMMS 2.0.

Tài liệu khẳng định Mỹ phải nhanh chóng theo kịp công nghệ và chiến thuật của các đối thủ bằng cách cạnh tranh trong các lĩnh vực "vùng xám" cũng như khi xảy ra xung đột để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong những kịch bản chưa đến mức chiến tranh lẫn đối đầu trực tiếp.

"Các đối thủ của Mỹ có thể đồng thời tác chiến ở nhiều cường độ khác nhau trong hàng loạt lĩnh vực", tài liệu nhận định.

Tư lệnh hải quân Mỹ cũng mở rộng đáng kể các lĩnh vực trọng tâm trong DMMS 2.0. Ông đặt ra một loạt mục tiêu chiến lược như tái lập và khôi phục sức mạnh cho Hạm đội 2, đơn vị phụ trách lực lượng hải quân dọc Bờ Đông và bắc Đại Tây Dương. Richardson cũng phát triển các khái niệm tác chiến mới, tập trung vào khả năng phân tán lực lượng để bao quát lãnh thổ rộng hơn, tiếp tục áp dụng các bài học từ hai vụ chiến hạm Mỹ bị đâm trong năm 2017.

DMMS 2.0 vạch ra mục tiêu thực hiện các chương trình lớn của hải quân Mỹ như khinh hạm tương lai vào năm 2020 và Tàu mặt nước không người lái cỡ lớn năm 2023, đặt ra yêu cầu cho mẫu phi cơ thay thế tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler vào cuối năm 2019, tiến tới biên chế chúng vào năm 2030.

Tài liệu này cũng đề xuất các sáng kiến như tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống tác chiến và dùng máy in 3D chế tạo các linh kiện thay thế.

Đô đốc Richardson muốn bố trí một cơ quan mới thuộc Văn phòng Tư lệnh Hải quân (OPNAV). Đây là một phần nỗ lực biến Học viện Chiến tranh Hải quân và Trường Cao học Hải quân thành các trung tâm phát triển khái niệm và năng lực tác chiến riêng biệt. Cơ quan này sẽ được giao nhiệm vụ giám sát đào tạo, thử nghiệm, diễn tập và phân tích của hải quân Mỹ.

Tài liệu chiến lược hải quân Mỹ kêu gọi phát triển và biên chế vũ khí siêu vượt âm vào năm 2025, đối phó các động thái của Trung Quốc và Nga trong không gian.

James Holmes, giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá DMMS 2.0 có sự khác biệt rõ ràng so với tài liệu chiến lược cách đây 10 năm. "Tài liệu chiến lược đầu tiên của Mỹ từ thập niên 1980 thậm chí không nhắc đến đến Trung Quốc, thay vì coi họ là đối thủ chính như hiện nay", giáo sư Holmes nhấn mạnh.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.