| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược nông nghiệp cần thực hiện ở quy mô lớn

Thứ Năm 23/06/2022 , 10:28 (GMT+7)

WWF cho rằng, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp với 3 mục tiêu 'Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh' cần thực hiện ở quy mô lớn.

Bộ NN-PTNT và Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ký kết Biên bản ghi nhớ 'Tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp và đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2022 - 2026'. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT và Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ký kết Biên bản ghi nhớ "Tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp và đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2022 - 2026”. Ảnh: Tùng Đinh.

Hợp tác thành công

Hiện tại, Hợp tác giữa Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và ngành nông nghiệp Việt Nam có 2 lĩnh vực nổi bật có thể kể đến là thủy sản và lâm nghiệp.

Ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Việt Nam đa dạng về loại hình sinh thái mặt nước (nước ngọt, lợ, mặn), đối tượng nuôi (nhóm cá nước ngọt, giáp xác, cá biển, nhuyễn thể), phương thức nuôi (ao, lồng, bể).

Trong đó, mức độ thâm canh và phân bố NTTS tập trung ở khu vực ĐBSCL, chiếm trên 70% về cả diện tích và lượng với hai đối tượng nuôi xuất khẩu chủ lực là tôm nước lợ và cá tra (chiếm 95% tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm cả nước).

Vì thế, từ 2009, WWF đã hỗ trợ ngành NTTS, đặc biệt các chuỗi cá tra và tôm để giảm tác động sinh thái từ hoạt động, đồng thời vẫn đạt được các mục tiêu về kinh tế và sử dụng bền lâu các nguồn lợi thuỷ sản ở ĐBSCL.

Năm 2012, WWF là một trong những tổ chức đầu tiên hỗ trợ sản xuất đạt chứng chỉ ASC đối với cá tra. Hiện nay, có 7 tổ hợp tác/hợp tác xã đạt được chứng nhận ASC và duy trì liên kết được với các nhà chế biến, với tổng lượng sản xuất ước đạt 3.363 tấn nguyên liệu tôm chứng nhận ASC hàng năm.

Bên cạnh đó, với thế mạnh là một tổ chức mạng lưới tại hơn 100 quốc gia, WWF-Việt Nam thúc đẩy liên kết với các nhà nhập khẩu quốc tế với chuỗi giá trị tôm bền vững.

Năm 2020, 100ha thí điểm mô hình luân canh tôm nước lợ - lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh để mở rộng quy mô đang là giải pháp thiết thực để tăng năng suất và thúc đẩy tiến trình bồi lắng phù sa, hạn chế sụt lún và xâm nhập mặn ở các vùng nước lợ ĐBSCL.

Các mẫu dược liệu thay thế các sản phẩm từ động vật hoang dã. Ảnh: WWF.

Các mẫu dược liệu thay thế các sản phẩm từ động vật hoang dã. Ảnh: WWF.

Về lâm nghiệp, WWF đóng góp chính vào hai chuỗi cung ứng chính của ngành lâm nghiệp bao gồm: chuỗi cung ứng gỗ và các sản phẩm từ gỗ (chuỗi cung ứng rừng trồng) và chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chuỗi cung ứng rừng tự nhiên).

Bên cạnh đó, WWF đặc biệt quan tâm hỗ trợ chủ rừng là các cá nhân - hộ gia đình thường quản lý các diện tích nhỏ lẻ (1-3 ha/hộ) và thường thực hành trồng rừng theo thói quen và kinh nghiệm ít quan tâm hơn các quy trình/tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bắt đầu với 316 ha rừng của các nhóm hộ ở tỉnh Quảng Trị được cấp chứng chỉ FSC từ năm 2010 với sự hỗ trợ của WWF, đến nay tổng diện tích rừng có chứng chỉ đã đạt hơn 23.000 ha. Trong đó gần 14.000 ha do các nhóm hộ FSC quản lý (gần 2.000 hộ) và diện tích còn lại thuộc các công ty lâm nghiệp.

Vận dụng thế mạnh toàn cầu của mình, WWF hỗ trợ tiến trình kết nối các tác nhân trong chuỗi cung ứng gỗ FSC, từ đó các hộ chủ rừng và công ty lâm nghiệp có chứng chỉ FSC có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ có trách nhiệm toàn cầu.

Tính đến năm 2020, WWF đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các cấp chính quyền địa phương, các đối tác và bảo tồn, làm giàu và bảo vệ 362.000 ha rừng phòng hộ, 2.646ha rừng cộng đồng, 76.669ha rừng đặc dụng.

Ông Prasana De Silva, Giám đốc toàn cầu WWF kỳ vọng Bộ NN-PTNT đồng hành trong quá trình tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Prasana De Silva, Giám đốc toàn cầu WWF kỳ vọng Bộ NN-PTNT đồng hành trong quá trình tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu. Ảnh: Tùng Đinh.

Thúc đẩy sản xuất xanh, phục hồi tự nhiên

Ngày 14/2 vừa qua, Bộ NN-PTNT, WWF Quốc tế và WWF-Việt Nam đã ký một thoả thuận ghi nhớ hợp tác cùng bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, phát triển kinh tế bền vững và giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu.

Với thế mạnh từ các kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam gần 30 năm và trên 60 năm tại 100 nước, WWF xác định các tiềm năng trong việc hợp tác và hỗ trợ cho Bộ NN-PTNT là thúc đẩy các giải pháp sản xuất xanh, phục hồi các tiến trình tự nhiên của hệ sinh thái, trong khi góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.

Cụ thể, tại ĐBSCL, WWF sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp để triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững như: sản xuất lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mùa lũ, các mô hình luân canh tôm - lúa ở vùng nước lợ dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn và sụt lún của đồng bằng, các mô hình liên kết chuỗi giá trị dừa hữu cơ, tôm - rừng ở khu vực ven biển…

Tại Trung Trường Sơn, các hoạt động tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ rừng, tạo nguồn sinh kế bền vững dưới tán rừng, tạo các sản phẩm mới giúp bà con tăng thu nhập từ chính công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, WWF cũng kết nối nhà khoa học, các doanh nghiệp và đơn vị cấp vốn để phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

WWF đang theo đuổi các chương trình để góp phần hỗ trợ các bộ ban ngành và địa phương áp dụng tiếp cận theo sinh cảnh, tạo tác động ở quy mô lớn. Ảnh: WWF.

WWF đang theo đuổi các chương trình để góp phần hỗ trợ các bộ ban ngành và địa phương áp dụng tiếp cận theo sinh cảnh, tạo tác động ở quy mô lớn. Ảnh: WWF.

Ngoài ra, còn có tiềm năng cho hướng đi kết hợp chuỗi giá trị bền vững, gồm có doanh nghiệp thu mua và chế biến, các hộ trồng rừng có chứng chỉ FSC và đơn vị cung cấp vốn.

Đối với khâu chế biến trong ngành lâm nghiệp, WWF tiếp tục thúc đẩy các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ được hỗ trợ đánh giá tính khả thi và hiệu quả kinh tế khi ứng dụng năng lượng mặt trời và các kỹ thuật tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Trong lĩnh vực biển, WWF có thể hỗ trợ phát triển kinh tế biển tiềm năng, đặc biệt các mô hình đồng quản lý gắn với du lịch bền vững, các mô hình nghề khai thác cá bền vững, có giá trị cao, các mô hình “lưu trữ và trung hoà các-bon màu xanh lam (blue forest carbon).

Các nỗ lực này sẽ không những giúp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết 120 ở ĐBSCL mà còn hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Chiến lược nông nghiệp cần thực hiện ở quy mô lớn

Về mục tiêu Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh, phát triển nhưng không đánh đổi của Việt Nam, WWF cho rằng, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp với 3 mục tiêu trên cần thiết phải được tiến hành ở quy mô lớn để có thể tạo được hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Các chủ trương gần đây của Chính phủ, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp, và khuyến khích đổi mới sáng tạo ý tưởng kinh doanh theo hướng xanh và bền vững là hướng đi đúng.

Trước những cơ hội mới về khoa học công nghệ, thông tin và khuynh hướng thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sinh thái, Việt Nam có thể tiếp cận cách làm của thế giới để áp dụng nhiều giải pháp sản xuất xanh, dựa vào các tiến trình sinh thái đem lại giá trị gia tăng cao trong khi chi phí đầu tư tương đối phù hợp và vẫn đảm bảo bảo tồn các giá trị sinh thái cho phát triển bền vững.

WWF đang theo đuổi các chương trình để góp phần hỗ trợ các bộ, ban ngành và địa phương áp dụng tiếp cận theo sinh cảnh, tạo tác động ở quy mô lớn.

Ngoài công tác qui hoạch dựa trên các bằng chứng khoa học để tối ưu hoá các giải pháp thuận thiên, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư để nhân rộng các giải pháp thuận thiên. Các dự án có tính khả thi, hiệu quả kinh tế sẽ là đòn bẩy để tạo được các thay đổi ở quy mô lớn.

Thay đổi để hợp tác thành công hơn

Để tối ưu hóa vận động nguồn hỗ trợ từ nhân dân, tận dụng được các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong ngành nông nghiệp, cần tăng cường công tác chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, do đặc điểm của các nguồn vốn từ các dự án phi chính phủ thường ngắn hạn, nên các hướng dẫn và cải cách về thủ tục hành chính giúp rút ngắn thời gian phê duyệt, tiếp nhận sẽ giúp tăng cường hiệu quả thực hiện.

Bên cạnh đó, xu hướng thực hiện các giải pháp đa ngành và liên vùng sẽ càng trở nên phổ biến, nên rất cần thiết phải có sự chủ động hỗ trợ của Bộ NN-PTNT trong công tác điều phối với các Bộ, ban ngành trong thiết kế, tiếp nhận và thực hiện các sáng kiến, dự án với hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Có thể khẳng định rằng, hiệu quả của các dự án từ các tổ chức phi chính phủ cũng sẽ được tối ưu hoá nếu được vận dụng để tăng cường các hợp tác công - tư.

(Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững WWF-Việt Nam)

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.