| Hotline: 0983.970.780

Chim yến giá trị tiền triệu đang bị tận diệt, bán vài nghìn lẻ

Thứ Tư 07/06/2023 , 16:35 (GMT+7)

Mỗi con chim yến sau khi mắc bẫy chỉ được bán với giá từ 5.000 - 7.000 đồng, trong khi đó một cặp yến nếu để sinh sản sẽ cho giá trị gấp hàng trăm lần.

Hàng rào lưới được một số đối tượng dựng lên để bắt yến. Ảnh: L.K.

Hàng rào lưới được một số đối tượng dựng lên để bắt yến. Ảnh: L.K.

Chim yến từ lâu đã nằm trong nhóm động vật rừng cấm săn bắt bởi những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà nó mang lại cho sức khỏe con người cũng như nền kinh tế.

Vậy nên nạn săn bắt chim yến gần đây đã khiến cho rất nhiều chủ cơ sở nuôi yến bức xúc và ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể chim yến ở các tỉnh thành nói riêng và cả nước nói chung.

Chạy dọc các cánh đồng thuộc huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam), không khó để bắt gặp những hàng rào lưới dài hơn 100m, được cắm cọc tre cao tầm 2m được các thợ săn dựng lên để bẫy yến.

Sau khi dựng các hàng rào lưới lên, các đối tượng săn bắt sẽ mở loa để dẫn dụ chim yến bay tới và sa lưới. Đây chính là chiêu thức săn bắt tận diệt khiến chim yến rất khó để thoát được bởi những sợi lưới rất mảnh, khó có thể phát hiện ra từ xa.

Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp dỡ lưới bẫy chim yến ở huyện Thăng Bình. Ảnh: K.L.

Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp dỡ lưới bẫy chim yến ở huyện Thăng Bình. Ảnh: K.L.

Chim yến thường sống thành bầy đàn ở hang đá trên các đảo. Sáng sớm chúng sẽ rời đảo bay vào đất liền và đến các ruộng lúa để bắt côn trùng như cào cào, kiến, ong, mối, chuồn chuồn kim... đến chập tối bay về đảo trú ngụ. Đây chính là thời điểm các đối tượng săn bắt sẽ dẫn dụ yến sa lưới hàng loạt.

Theo người dân địa phương, thời điểm các đối tượng hoạt động bẫy yến vào khoảng  4 - 5h và 17 - 18h hàng ngày. Đây là lúc chim yến đi ăn nhiều, mỗi thợ săn có thể bắt được tới hàng trăm con.

Thường những con yến bị sa lưới sẽ được phân thành hai loại. Những con bị chết sẽ được bán vào các nhà hàng, quán nhậu rồi được đổi tên thành chim sẻ, còn những con còn sống sẽ được tập kết và bán cho các đầu nậu để bán phóng sinh vào ngày rằm hoặc mồng 1.

Được biết, một con chim yến thường được các đối tượng bán ra với giá chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng/con, trong khi cũng với cặp yến đó, nếu được sống trong điều kiện thuận lợi tại các nhà yến thì một năm sẽ cho ra 2 - 3 tổ, nếu thu hoạch tốt thì sẽ mang lại giá trị tầm 1 - 1,5 triệu đồng. Từ sự chênh lệch trên đã cho thấy việc bẫy bắt theo kiểu tận diệt đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ.

Ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hội Yến sào Quảng Đà bày tỏ quan điểm: “Việc săn bắt bừa bãi chim yến gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành yến sào Việt Nam. Cần phải có những chế tài mạnh tay hơn chứ hiện tại theo Nghị định 14 phạt hành chính còn nhẹ quá và chưa đủ cơ sở để làm cho những đối tượng săn yến e sợ”.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho các nhà hàng, quán ăn có chế biến chim hoang dã. Ảnh: K.L.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho các nhà hàng, quán ăn có chế biến chim hoang dã. Ảnh: K.L.

Theo tìm hiểu thị trường yến sào tại đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), hiện tổ yến sào trên đảo được bán với giá hơn 150 triệu đồng/kg loại 1 và thường tổ yến sẽ được khai thác 2 đợt vào cuối mùa xuân và cuối mùa thu hàng năm.

Tuy nhiên, do số lượng đàn chim yến giảm mạnh nên sản lượng tổ yến thu hoạch năm nay phải dời sang cuối mùa thu, doanh thu từ khai thác yến Cù Lao Chàm năm 2021 khoảng 47 tỷ đồng, đến nay còn 50%.

Ông Cao Văn Năm, Giám đốc Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến đàn chim yến sụt giảm về số lượng và sản lượng nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là do tình trạng bẫy bắt chim yến.

“Giá trị của chim yến đảo được tính mỗi cặp như vậy một năm nó sẽ sinh ra 3 - 5 triệu đồng, vòng đời của chúng trên 10 năm. Như vậy bắt một chim yến sẽ hủy hoại môi trường và hủy hoại cả một nền kinh tế. Nếu người dân nuôi mà bẫy bắt như thế này rõ ràng là tàn phá. Cần phải có biện pháp can thiệp mạnh tay về pháp lý chứ hình thức xử phạt hành chính thì tôi thấy còn rất nhẹ”, ông Năm nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện sở đã chỉ đạo cho các ngành phối hợp với ngành kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc của UBND huyện triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền bằng nhiều hệ thống. Trên cơ sở tuyên truyền, chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm, các đội cơ động thường xuyên đi nắm địa bàn, các tuyến đường… nếu phát hiện vi phạm về vấn đề này sẽ xử lý.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.