| Hotline: 0983.970.780

Chính thức mở kho tạm trữ lúa gạo

Thứ Sáu 16/03/2012 , 10:07 (GMT+7)

Từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4/2012 là thời gian chính thức thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương gần 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện.

Từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4/2012 là thời gian chính thức thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương gần 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện.

Tạm trữ và XK gạo ở ĐBSCL

Chạy trước “giờ G”

Theo đó các DN thành viên của VFA thực hiện thu mua lúa gạo theo giá thị trường nhưng không thấp hơn mức 5.000 đồng/kg (lúa khô đạt tiêu chuẩn). Đây là mức giá tối thiểu đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trong vụ đông xuân này từ 30% trở lên theo yêu cầu của Chính phủ, với tính toán giá thành sản xuất lúa vụ này là 3.400 đ/kg.

Thực ra từ sau khi có thông tin tạm trữ, thị trường lúa gạo ở vùng lúa hàng hóa ĐBSCL đã có sự chuyển biến. Ban đầu ở một số vùng thu hoạch lúa sớm nông dân giữ hàng lại không vội bán, chờ giá lên thêm. Đến trong tuần qua, trước thời hạn bắt đầu tạm trữ, DN trong vùng tăng tốc triển khai thu mua, thương lái ráo riết chạy về khắp vùng lúa đang thu hoạch. Buôn bán lúa gạo bắt nhịp nóng lên.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: "DN được phân chỉ tiêu tạm trữ 8.000 tấn, dựa theo điều kiện VFA xem xét về khả năng kho trữ bảo đảm chất lượng, lượng hàng hóa giao dịch khách hàng hàng năm tốt, năng lực tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, do DN chúng tôi nằm trên địa bàn vùng lúa nông trường Cờ Đỏ 5.600 ha đã thu hoạch nên tổ chức thu mua từ trước đây hơn nửa tháng”. Ông Khải nói thêm, nhờ vay được ngân hàng và mới đây có thêm sự điều chỉnh lãi suất cho vay theo qui định mới, DN có điều kiện tiêu thụ lúa gạo số lượng lớn cho nông dân.

Trong khi đó ở khu vực chợ lúa gạo đầu mối Thốt Nốt (Cần Thơ), Cty CP Gentraco nhận chỉ tiêu tạm trữ 24.000 tấn và DN này có hệ thống khu trữ tiêu chuẩn lên tới 50.000-60.000 tấn. Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Cty CP Gentraco nói: Trước mắt DN chủ động vay tiền thu mua. Trước hạn bắt đầu tạm trữ Gentraco đã thu mua bình quân 1.000 tấn gạo/ngày. Tương tự, Cty CP Mekong (Cần Thơ) sẵn sàng kế hoạch tạm trữ 12.000 tấn, đồng thời giữ nhịp thu mua đều đặn với 3.000 ha lúa bao tiêu trên các cánh đồng mẫu lớn với sản lượng gần 20.000 tấn lúa/năm. Một số DN khác trong vùng có lúa ĐX thu hoạch trước như Sóc Trăng, Bạc Liêu… cũng đã chuẩn bị kho thu mua theo chỉ tiêu được phân bổ.

Lúa gạo nhóng giá

Trong mấy năm qua, đa số DN lương thực chú trọng đầu tư nâng cao năng lực dự trữ kho bãi. Riêng tại ĐBSCL, theo chủ trương Bộ NN-PTNT, các tỉnh triển khai xây dựng hệ thống kho trữ lên 4 triệu tấn. Riêng 24 DN thành viên trong Tổng Cty lương thực Miền Nam (Vinafood II) hiện đứng chân trên khắp 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL và có khả năng dự trữ khoảng 1,9 triệu tấn gạo, tương đương với gần 3,8 triệu tấn lúa.

Một DN cho biết, các DN tham gia tạm trữ 1 triệu tấn gạo sẽ vay tiền (qua 5 ngân hàng), thu mua, tự cân đối mua loại lúa gạo nào và chủ động kinh doanh. Sau đó quyết toán Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ lãi suất 100%. Do đó, kế hoạch tạm trữ sẽ không thụ động đơn thuần là giữ hàng trong kho mà có thể chủ động tạo dòng chảy trong giao dịch kinh doanh lúa gạo.

Một lần nữa kinh nghiệm cho nông dân thấy không thể chạy theo mãi giống lúa dễ làm nhưng phẩm cấp gạo thấp và khó bán.

Có thể thấy tác động mạnh thị trường lúa gạo trong mấy ngày qua, lúa ở ĐBSCL đã tăng giá lên 100 đồng/kg, các loại gạo lứt nguyên liệu tăng 100-150 đồng/kg. Anh Tương, dân thương lái mua lúa trong các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: Hiện thời không có loại lúa nào giá dưới 5.000 đồng/kg. Lúa IR50404 phơi khô, tốt giá 5.200 đồng/kg. Đó là do một số DN có chỉ tiêu tạm trữ đặt hàng thu mua. Trong khi đó một số DN tư nhân trong vùng đang lo cho những hợp đồng đã lỡ ký trước giao tới mạn tàu 8.200 đồng/kg, vì giá gạo lứt IR50404 loại tốt đang tăng từ 6.600-6.700 đồng/kg lên 6.850 đồng/kg, tính ra giá thành chế biến gạo 5% đã lên 8.200 đồng/kg.

Hiện nay lúa thường hạt dài giữ ổn định mức 5.600-5.700 đồng/kg. Riêng tại nông trường Cờ Đỏ lúa thơm Jasmine vẫn đạt đỉnh, hút hàng, giá 7.100-7.200 đồng/kg (giá thành khoảng 3.800-3.900 đồng/kg). Tại Thốt Nốt, một số DN cho biết giá giao dịch gạo 5% tấm với khách hàng trước đây 410-415 USD/tấn và đang tăng từ 420 USD lên 430 USD/tấn. Chuyển động thị trường tích cực và DN không nên vội bán, nhất là trong lúc khách hàng nước ngoài đang dõi theo thị trường lúa gạo Việt Nam đang vào mùa thu hoạch, muốn đè giá.

Qua việc tạm trữ lúa gạo ĐX lần này có thể thấy có sự phân khúc thị trường khá rõ: lúa thường hạt dài chiếm lượng hơn 30%, giá ổn định mức cao, tăng 200-300đồng/kg; lúa hạt lỡ, ngắn như IR50404 gặp bất lợi giá chỉ tăng 50-100 đồng/kg. So trên thị trường thế giới, gạo thơm hạt dài Việt Nam chỉ thua Thái Lan; gạo 5-10% tấm ngang ngửa Thái Lan và cao hơn Ấn Độ.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất