| Hotline: 0983.970.780

Chống lãng phí đất đai và chuyện ‘đúng vai, thuộc bài’ trong công tác cán bộ

Thứ Hai 04/11/2024 , 17:45 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 4/11, các ĐBQH tham gia ý kiến về nhiệm vụ phòng chống lãng phí; công tác tổ chức cán bộ trong bộ máy công quyền.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 4/11 với nhiều ý kiến của các đại biểu về nhiệm vụ phòng chống lãng phí; công tác tổ chức cán bộ trong bộ máy công quyền cần đúng vai, đúng trách nhiệm, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.

Lãng phí đất đai đang khiến 'đất khóc, người than'

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) trong phần phát biểu nêu quan điểm, cần sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương rất tích cực triển khai các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng lại gặp nhiều rào cản, trở lực để "đất khóc, người than".

Đại biểu nhìn nhận, có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Quốc hội.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chỉ đạo về trách nhiệm của tổ chức, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất nông, lâm nghiệp được thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng.

"Đặt đấu tranh phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương phòng chống tham nhũng, tiêu cực song thực tế đáng buồn là có địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt với các quỹ đất này nhưng lại gặp nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu, hiệu quả nguồn lực đất đai, để đất khóc, người than", ĐBQH Nguyễn Thành Nam bày tỏ.

Ông cho rằng một trong những nguyên nhân là vướng mắc xác định phạm vi, trình tự giữa sắp xếp xử lý tài sản công với thu hồi đất. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét, giải quyết tạo điều kiện nhanh nhất cho địa phương được thuận lợi khai thác quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ. Ngoài ra, sớm chuyển giao cơ sở nhà, đất do bộ, ngành quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế, nhất là những vị trí đã để hoang hàng chục năm.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng kiến nghị, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương...

Đặc biệt, ông Nam lưu ý việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Nhiều sai phạm tại các dự án điện gió tại Quảng Trị bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều sai phạm tại các dự án điện gió tại Quảng Trị bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng nói về lãng phí, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, đây là một nội dung không mới vì hàng năm Quốc hội đều thảo luận, đánh giá nhưng lại không cũ vì luôn mang tính thời sự. Ông Thông đề cập sự lãng phí trong các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” đến nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác nhưng con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó không chỉ là con số về mặt tài chính mà còn là những lãng phí, hệ luỵ xoay quanh như: lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển… không đo đếm hết và trên hết, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân.

Nêu tên các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành hay hàng nghìn, trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, ông Thông cho rằng dù nguyên nhân gì cũng phải xác định đây là của cải, nguồn lực của xã hội, đất nước và cần tháo gỡ. Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét đưa ra cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó là đồng hành, kiến tạo cho sự phát triển chứ không phải là hợp thức hoá các sai phạm.

Đại biểu mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế như: Dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.

Ông đề xuất ban hành cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước.

Công tác cán bộ: 'Đúng vai' mà không 'thuộc bài' sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng cần rà soát các quy định về tổ chức bộ máy, xác định ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để có căn cứ pháp lý thực hiện "đúng vai" và phải "thuộc bài" vì nếu đúng vai mà không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu đồng tình với việc đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn.

Đại biểu kiến nghị, về mặt tiến độ cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo tính kịp thời. Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ và cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm tròn bổn phận mà Đảng đã trao và nhân dân gửi gắm”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai.

Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ. Nếu như thuộc chức năng của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời nhưng đồng thời cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện. 

Liên quan đến yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn.

Bà Mai cho rằng cần rà soát các quy định liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn, từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện "đúng vai" và khi đã đúng vai thì nhất định phải "thuộc bài". Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.

“Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội một số dự thảo luật để tăng tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bằng các thể chế pháp luật, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm soát để triển khai công việc hanh thông, thuận lợi, đi vào đúng quỹ đạo, vào đúng khuôn khổ pháp luật”, Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).