| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy, Trung ương phải gương mẫu

Thứ Năm 31/10/2024 , 14:18 (GMT+7)

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tới đây các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu bởi không tinh gọn bộ máy sẽ không phát triển được.

Sáng 31/10, bàn về vấn đề tinh gọn bộ máy tại buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Tuy nhiên hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới, mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ thì tỉnh không có sở, huyện không có phòng. Cách thức tinh gọn bộ máy như thế nào là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn. “Nghị quyết của Trung ương nêu mấy nhiệm kỳ rồi và đã đánh giá như thế thì phải xem xét", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Nêu quan điểm "ở đâu cũng phải làm và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu", Tổng Bí thư lưu ý, "không tinh gọn bộ máy không phát triển được".

Hiện nay, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… Ít nhất phải có trên 50% ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ trên.

Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách, không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển. Có những bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn đến "xin - cho". Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại, làm sao giải trình, giải thích được những chuyện đó. Cơ chế hiện nay là vậy, một ý khác thôi là không thể vượt qua được.

Dẫn chứng câu chuyện vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi, có 5 - 6 bộ tập trung nghiên cứu nhưng "không biết ai chủ trì", "một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì chả biết ai", cồng kềnh, chồng chéo trong quản lý dẫn đến doanh nghiệp khổ sở, phát sinh tiêu cực, thậm chí tội phạm cũng xen vào. Từ vận chuyển, khai thác, đến đổ cát vào các khu công nghiệp, công trình công có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng một trong những chỉ tiêu chúng ta không đạt được trong nhiệm kỳ này là vấn đề năng suất lao động. Kinh tế có phát triển lên nhưng năng suất lao động thực tế, chỉ số phát triển đang giảm. Năng suất lao động giảm không thể phát triển kinh tế, phát triển xã hội được. Cần thẳng thắn nhìn nhận vào để đánh giá cho chính xác.

Chỉ số về tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Giai đoạn 2021 - 2025 ước khoảng 4,8%, nếu so với giai đoạn 2016 - 2018 thì chúng ta được 6,1% . Mục tiêu giai đoạn này là 6,8% thì nguy cơ cao không đạt.

"Muốn năng suất lao động thì phải có tay nghề lao động và ít người làm một việc, phải có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. Đã ít rồi mà năng suất lao động thấp thì không phát triển được. Phải khuyến khích để năng suất lao động cao so với các nước xung quanh... 40 năm qua chúng ta đã có phát triển thành tựu vĩ đại nhưng so với mức phát triển các nước xung quanh chưa đạt. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, chúng ta thua rất xa...", Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn.

Theo Tổng Bí thư, chúng ta tăng trưởng có dựa vào một số yếu tố đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu…

Nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa vào những cái của ta, tự lực, tự chủ, tự cường là chính, còn đi vay mượn những chỗ khác về không thực chất. Vì vậy, không có con đường nào khác là tăng năng suất lao động, huy động mọi người đều tham gia vào sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều người hơn người hưởng thụ. Chúng ta đã sắp đến thời kỳ chạm đến dân số già, sẽ vô cùng khó khăn.

Kỷ nguyên mới phải bứt tốc với mục tiêu đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Nếu với tốc độ hiện nay, nhiều khả năng không hoàn thành, còn 20 năm nữa, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần bây giờ, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần mới đạt mục tiêu. Đây là những việc Trung ương phải bàn, phải thấy rõ những khó khăn để tránh xa, vượt lên để phát triển.

Xem thêm
Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.