Bởi lẽ, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này có những quy định tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, nói đến tham nhũng thì thường đề cập đến những đối tượng hành chính công, nhưng bây giờ khối tư nhân cũng phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng.
Ngoài những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và các tổ chức tín dụng phải chịu sự chế tài như khu vực công, thì các doanh nghiệp tư nhân cũng cần lưu ý ba hành vi tham nhũng: tham ô tài sản, nhận và đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tuy nhiên, với ba hành vi trên, nếu chỉ xử lý người trực tiếp thực hiện mà không xử lý doanh nghiệp thì rất khó triệt tLiêu động cơ thấp hèn trong quan hệ quan chức và thương gia vốn luôn được tính toán tỉ mỉ và khôn khéo. Ví dụ, lái xe của một doanh nghiệp tư nhân bị bắt quả tang đưa hối lộ, thì giám đốc có vô can không?
Theo những chuyên gia pháp luật và những chuyên gia kinh tế, môi trường cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay chưa lành mạnh, nhiều quy định không khả thi nên doanh nghiệp nào cũng nghĩ những hành vi “bôi trơn” là bình thường. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại Công nghiệp VN, băn khoăn: “Tình trạng lưỡng nan của doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam chính là ai sẽ sợ đèn đỏ khi tất cả đều vượt đèn đỏ!”. Như vậy, “luật” sẽ ra sao khi vẫn tồn tại “lệ” quà cáp biếu xén để tranh thủ tình cảm để tìm kiếm cơ hội nào đó?
Một yếu tố tích cực khi Luật Phòng chống tham nhũng hướng vào doanh nghiệp tư nhân, đó là có cơ sở để dẹp loạn công ty “sân sau”. Luật Phòng chống tham nhũng quy định người có chức vụ trong khu vực công không được thành lập doanh nghiệp, không được góp vốn mua cổ phần, cũng không được để người nhà mua cổ phần trong lĩnh vực mình quản lý. Đồng thời, Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định những người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp trong khu vực mình quản lý trong một thời gian nhất định sau khi nghỉ hưu. Ông Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chia sẻ: “Trước đây chúng ta nghĩ rằng luật chỉ cần cấm người thân thích là được. Song, doanh nghiệp sân sau đâu cần người thân thích như vợ, con, hoặc anh em. Chỉ cần bạn bè góp vốn, cổ đông cổ phần vào đó là xong!”.
Để các biện pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực tư có hiệu quả, thì yếu tố cốt lõi vẫn là tăng cường giám sát khu vực công. Tệ nạn tham nhũng càng ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Đôi khi hành vi cấu kết của quan chức và doanh nghiệp chỉ thông qua một cú điện thoại, để rỉ tai về thông tin quy hoạch hoặc thông tin đấu thầu, cũng đủ gây nên những xáo động bất minh cho đời sống xã hội!