Thiệt hại về người và tài sản
Trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên xảy ra 20 đợt thiên tai (5 bão, áp thấp nhiệt đới; 13 trận mưa lớn; 9 trận lũ; 15 đợt không khí lạnh và 7 đợt nắng nóng), dẫn tới thiệt hại về tài sản là hơn 21,2 tỷ đồng. Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh đã trích 15,8 tỷ đồng chi hỗ trợ khắc phục sản xuất nông nghiệp, nhà ở, sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai tại các địa phương và các hoạt động phòng chống thiên tai.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên (PCTT – TKCN): Ngân sách tỉnh bố trí 76 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập, đê điều đảm bảo chống lũ; 2,25 tỷ đồng xử lý 3 hạng mục công trình, chống sạt lở taluy đường giao thông. Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên đã huy động, vận động từ các nguồn quỹ và nguồn xã hội hoá hỗ trợ kinh phí xây dựng 592 nhà đại đoàn kết; sửa chữa 111 nhà ở cho các hộ nghèo trị giá trên 43,9 tỷ đồng, góp phần cho các hộ dân có nhà kiên cố, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Chỉ trong 08 tháng đầu năm 2022, Thái Nguyên đã chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, làm 3 người chết, 1người bị thương. Về tài sản bị thiệt hại lên tới hơn 65 tỷ đồng (gấp 3 lần so với cả năm 2021).
Trận mưa lớn kéo dài liên tục với lượng mưa xấp xỉ 300mm xảy ra từ tối 30/5 đến rạng sáng 31/5 đã gây ngập úng sâu tại nhiều khu vực thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, làm hư hại hàng chục ha lúa và hoa màu. Nghiêm trọng nhất là sự việc xảy ra vào khoảng 23h30 phút ngày 30/5, tại xóm Na Quán, xã Nam Hòa đã xảy ra sạt lở taluy, khoảng 1.000m3 đất đã vùi lấp làm 3 người ở trong một nhà bị tử vong. Lực lượng PCTT-TKCN đã phải huy động 3 máy xúc và gần 100 người khẩn trương triển khai tìm kiếm người bị nạn và khắc phục hậu quả.
Chủ động phòng ngừa, đối phó với thiên tai
Thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Có thể có từ 8 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra trên biển Đông, trong đó có một số có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trước những nguy cơ gây ngập, lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Bắc cao hơn mọi năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 22/BCH-VPTT (ngày 22/9/2022) về việc phòng ngừa, ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022; văn bản số 23/BCH-VPTT (ngày 29/9/2022) về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Thay mặt Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tinh Thái Nguyên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi diễn biến thiên tai; rà soát, cập nhật phương án ứng phó phù hợp với nhận định thiên tai những tháng cuối năm. Trong đó tập trung rà soát phương án sơ tán người dân ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.
Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, hầm hò khai thác khoáng sản; Củng cố, nâng cao năng lực, kỹ thuật ứng phó thiên tai cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với phương châm “bốn tại chỗ”; Đảm bảo mùa vụ sản xuất, hạn chế thiệt hại chuồng trại vật nuôi, thủy sản; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để mỗi người dân chủ động phòng, chánh thiên tai xảy ra.