| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Quốc hội: Người trồng rừng phải giàu lên từ rừng

Thứ Hai 30/01/2023 , 17:58 (GMT+7)

Trong lễ phát động Thi đua và Tết trồng cây tại tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, Tuyên Quang đi đầu cả nước về bảo vệ rừng.

DSC_4458

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyên Quang đi đầu về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.

Ngày 30/1, tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức lễ phát động thi đua và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Trong năm 2022, cùng với cả nước, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Tuyên Quang không ngừng đổi mới, sáng tạo, thiết thực và đạt được nhiều kết quả to lớn, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ.

z4070915133157_63cb4a16dc05c9f461ae70fc2717a45e

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham gia trồng cây tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai rất nghiêm trọng, nhưng năm 2022 kinh tế của Tuyên Quang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,66% (đứng thứ 6 trong khu vực miền núi phía Bắc, thứ 32 trong cả nước); khai thác ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch; huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, xây dựng nhiều công trình, dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, mạnh mẽ của tỉnh và các vùng lân cận.

Nổi bật nhất là tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Dự án đường cao tốc Tuyên Quang nối với Hà Giang.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần phát huy tốt phong trào thi đua trở thành nếp sống hằng ngày, trở thành nhu cầu thiết thực cổ vũ thực hành tiết kiệm, hăng hái phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, cải cách hành chính; đổi mới công tác khen thưởng, tạo động lực nội sinh, cổ vũ các tổ chức và mọi cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo vị trí và trách nhiệm của mình.

z4070913301147_5957c5fa667fe38110c3ecadbc7bd91c

Các em học sinh của huyện Yên Sơn hào hứng tham gia trồng cây. Ảnh: Đào Thanh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Tuyên Quang là tỉnh đi đầu cả nước về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 76% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm 37,8%. Tỉnh thực hiện tốt quy hoạch phân 3 loại rừng; triển khai rất tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; trồng mới trên 11 nghìn ha hằng năm; hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%.

Rừng ở Tuyên Quang giúp duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy; chủ động phòng chống một cách hiệu quả lụt bão, hạn hán, sạt lở… cho vùng trung du Bắc Bộ.

z4070913624424_c7b7d4c9f55a9e0af00338d1cb1f4388

Người dân xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn tham gia trồng, chăm sóc cây tại Tết trồng cây. Ảnh: Đào Thanh.

Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp; tạo cơ chế thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ gỗ rừng trồng, được thị trường trong nước và các thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ ưa chuộng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp bình quân đạt 9%/năm, đóng góp trên 4%/năm giá trị tăng trưởng GRDP của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, trước hết và trực tiếp là Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hoá và xây dựng nông thôn mới.

DSC_4481

Rừng ở Tuyên Quang giúp duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy. Ảnh: Đào Thanh.

Tất cả thực hiện cho được vấn đề cốt lõi nhất đó là những người trồng rừng phải giàu lên từ rừng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo yêu cầu tại Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang.

Sau buổi lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu, cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện trồng hơn 2,2ha rừng tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.