| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh sẵn sàng cho Tết trồng cây xuân Quý Mão

Thứ Tư 25/01/2023 , 11:53 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về đất đai, vật tư, cây giống… sẵn sàng cho Tết trồng cây xuân Quý Mão và trồng rừng vụ xuân.

Quảng Ninh dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, trồng rừng tập trung đạt hơn 13.800ha, trong đó trồng lim, giổi, lát đạt 2.150ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 762.000m3.

Tỉnh Quảng Ninh xác định trồng rừng có vai trò nòng cốt, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2023, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, kế hoạch trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 11.640ha, gồm 11.161ha rừng sản xuất và 479ha rừng phòng hộ; trồng ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát ở những nơi có đủ điều kiện theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, năm 2023, ngành lâm nghiệp Quảng Ninh đặt ra mục tiêu chính cần triển khai thực hiện bao gồm nâng cao chất lượng cây giống, cây giống đưa vào trồng rừng phải có nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là các dự án trồng rừng; việc trồng, chăm sóc rừng phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng loài cây, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với đó, dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ khâu chuẩn bị cây giống, trồng rừng, bảo vệ rừng, phát hiện sớm tình hình sâu bệnh hại rừng trồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tết trồng cây là truyền thống tốt đẹp được tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến, xuân về và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về đất đai, vật tư, cây giống sẵn sàng cho Tết trồng cây xuân Quý Mão và trồng rừng vụ xuân.

Để chuẩn bị cho Tết trồng cây năm 2023, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão, gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và trồng 2.000ha lim, giổi, lát năm 2023 quy mô cấp huyện và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ quy mô cấp tỉnh.

Mục tiêu đến hết quý I/2023, Quảng Ninh trồng 1 triệu cây lim, giổi, lát và các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mục tiêu đến hết quý I/2023, Quảng Ninh trồng 1 triệu cây lim, giổi, lát và các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo đó, các địa phương đồng loạt tổ chức lễ phát động Tết trồng cây vào ngày 27/1/2023 (mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão). Trong ngày tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh đặt mục tiêu trồng trên 100.000 cây (tương đương 100ha), toàn đợt đến hết quý I/2023 trồng 1 triệu cây lim, giổi, lát và các loài cây bản địa, cây gỗ lớn.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT, Quảng Ninh đang dần hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khuyến khích các chủ đầu tư trồng rừng gỗ lớn; thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp xanh; kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tạo ra các sản phẩm lâm sản theo chuỗi có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trên toàn tỉnh.

Trồng rừng gỗ lớn, trọng tâm là cây lim, dổi, lát là hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo ra và phát huy dư địa kinh tế rừng của tỉnh, được sự hưởng ứng tham gia của người dân, doanh nghiệp trồng rừng, góp phần đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất mỏ Quảng Ninh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất