Ngày 23/12, tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn đàn đối thoại với nông dân. Tham gia diễn đàn lần này có ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, thành phố, huyện thị.
Các đại biểu nông dân đã thẳng thắn đối thoại về những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến cơ chế chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường. Đã có gần 20 ý kiến được trao đổi trực tiếp giữa nông dân với lãnh đạo tỉnh và các ngành tại hội trường.
Về nhóm câu hỏi liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Tiếp – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), quan tâm về vấn đề thực hực hiện Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá từ 15 mét trở lên phải lắp máy giám sát hành trình.
“Hiện nay, giá cước phí viễn thông cao, mỗi năm ngư dân mất một khoản chi phí không nhỏ. Tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm cước phí viễn thông giám sát tàu cá cho ngư dân yên tâm sản xuất”- ông Tiếp nói.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thông tin tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, chống khai thác IUU. Chủ tàu phải trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá.
Đến nay, Quảng Bình có 1.133/1.199 tàu cá từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã lắp thiết bị GSHT tàu cá, chủ yếu lắp của các hãng VNPT, VISHIPEL, Bình Anh… cước phí thuê bao hàng tháng dao động từ 250.000-500.000 đồng tùy theo từng hãng.
Tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 14/9/2021 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, trong đó đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá. “UBND tỉnh giao Sở NN- PTNT tổ chức thực hiện khi có chính sách của Trung ương”- ông Đoàn Ngọc Lâm cho hay.
Trên lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu, bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), đặt câu hỏi: “Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình có chủ trương quy hoạch vùng trồng dược liệu không? Có thực hiện quy hoạch chuyển đổi diện tích trồng các loại cây không hiệu quả qua trồng dược liệu không”.
Trả lời nội dung này, ông Trần Đình Hiệp cho biết ngoài việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có chủ trương, định hướng và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có chính sách chuyển đổi đất vùng gò đồi, cao su, lúa kém hiệu quả sang các cây khác hiệu quả cao hơn trong đó có các loại cây dược liệu như Sâm Bố chính, Cà gai leo, thìa canh... phát triển mạnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm chế biến từ cây dược liệu đạt 3, 4 sao cấp tỉnh, tiêu thụ tốt.
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, cấp tỉnh, huyện không có quy hoạch riêng cho từng lĩnh vực, ngành nhưng được tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Vấn đề này đã được các cơ quan, tổ chức liên quan và UBND cấp huyện đã đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hiện Chính phủ đang thẩm định, phê duyệt). Vì vậy, trong thời gian tới sẽ không có quy hoạch riêng cho vùng trồng cây dược liệu tập trung.
“Các địa phương trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt rà soát, thực hiện chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên vùng đất gò đồi, đất trồng cao su, lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hiệu quả hơn trong đó có cây dược liệu”- ông Hiệp cho biết.
Nông dân Nguyễn Hữu Thạnh (ở xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới), cho rằng, những năm qua, tình hình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 35%, nhưng giá sản phẩm thịt lợn, thịt gà đều giảm mạnh, cộng thêm dịch bệnh gia súc, gia cầm phức tạp, người chăn nuôi rất khó khăn, nhiều người thua lỗ nặng. Các chế độ hỗ trợ dịch bệnh thực hiện quá chậm. “Để điều tiết bình ổn giá, hỗ trợ người chăn nuôi, tỉnh Quảng Bình có những chính sách gì? Và điều kiện để được hưởng chính sách đó”- ông Thạnh hỏi.
Trong thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bình ổn giá thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các pháp luật về giá. Thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tỉnh đã có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, trong đó tiêu chí, đối tượng, điều kiện,…được hưởng chính sách.
Thông qua nguồn chính sách sản xuất nông nghiệp của tỉnh, riêng chăn nuôi hỗ trợ giai đoạn 2021-2022 là 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác đang thực hiện trên địa bàn.
“Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa có văn bản quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có gia súc buộc phải tiêu huỷ do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò. Do đó UBND tỉnh chưa có cơ sở để hỗ trợ. UBND tỉnh sẽ cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại khi có quy định cụ thể của Trung ương”- ông Đoàn Ngọc Lâm thông tin..
Vấn đề người xuất khẩu lao động bỏ trốn cũng đã được nêu ra tại diễn đàn. Nông dân Cao Xuân Đương (ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), cho rằng một số lao động sau khi được xuất cảnh không chấp hành cam kết, bỏ trốn ra ngoài làm tự do đã ảnh hưởng đến uy tín, làm mất cơ hội xuất cảnh của các lao động khác. “Tỉnh đã có giải pháp gì để xử lý nghiêm và chấm dứt tỉnh trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn?”- ông Dương đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình (LĐTBXH), cho biết, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ là một trong những chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động mà còn là một hoạt động kinh tế đối ngoại đặc biệt, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như chính trị, an ninh trật tự xã hội.
Trong những năm gần đây, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn tăng cao đã cho thấy những tác động tích cực của chính sách này mang lại đối với bản thân người lao động. Tuy nhiên, tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn đang tiếp diễn.
Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này. “Trong nhóm các giải pháp được đưa ra như nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và thân nhân. Áp dụng biện pháp ký quỹ bằng tiền mặt thì ngành tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện các hành vi môi giới trái phép hoặc tổ chức cho người lao động xuất cảnh ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật”- ông Sơn nhấn mạnh..
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, các đại biểu là nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại đã phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.
“Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và chỉ đạo các cấp, các ngành đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”- ông Trần Thắng nói.