Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) không phải là câu chuyện mới, nó diễn ra đã khá lâu; không khu biệt ở 1 làng dân cư, mà diễn ra rộng khắp. Người dân ở xóm Trung, xóm Tây thuộc thôn Thuận Hòa là những người chịu cảnh thiếu nước nặng nề nhất, bởi mạch nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn nghiêm trọng; nguồn nước ở thôn Phú Hưng thì bị ô nhiễm do nguồn nước thải từ hoạt động SX tinh bột mì.
Nước giếng ở xã Bình Tân có màu vàng đục, không thể sử dụng |
Đến mùa khô thì người dân các thôn M6, Thuận Ninh, Mỹ Thạch, An Hội đồng loạt chịu cảnh thiếu nước. “Hiện tại, trên địa bàn toàn xã đang có khoảng 600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đến mùa khô thì con số này tăng lên gấp rưỡi”, ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Cường (63 tuổi) ở xóm Trung, thôn Thuận Hòa, hầu hết các giếng nước của người dân trong thôn đều bị nhiễm phèn nặng. Minh chứng là các thùng, thau đựng nước của người dân cho đến những bức tường của nhà tắm đều bị đóng váng phèn vàng đục.
“Nước của các giếng đào múc lên đều có màu vàng hoặc màu sẫm trông như nước hến, mặt nước nổi váng, bốc lên mùi thum thủm, nên không thể dùng làm nước sinh hoạt. Gia đình tui cũng có 1 cái giếng nhưng không thể sử dụng, tui bèn đóng thêm 1 cái giếng đóng với tầng nước sâu hơn. Tui lại phải xây 1 cái bể lọc nước mới có thể dùng để tắm giặt. Ngặt là giặt áo trắng bằng nước này 1 thời gian áo sẽ ngã màu vàng ố, thế nên người dân ở đây rất ngại may áo trắng”, ông Cường bộc bạch,
Dù đã qua bể lọc nhưng nước giếng ở đây vẫn không thể dùng trong ăn uống, do đó, nước dùng để nấu ăn và uống người dân phải mua nước tinh khiết trong bình. Gia đình nào ít người, sử dụng thật dè sẻn thì 2 - 3 ngày cũng “đứt” 1 bình nước tinh khiết loại 20 lít/bình, mỗi tháng 1 hộ dân mất hơn 200 ngàn đồng tiền mua nước.
Nguồn nước ngầm ở thôn Phú Hưng còn tệ hại hơn, nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do hoạt động SX tinh bột mì trên địa bàn. Hiện ở thôn này có hơn 20 hộ làm nghề SX tinh bột mì bằng phương pháp thủ công, khâu xử lý nước thải không đảm bảo, khiến nước thải ngấm vào long đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm.
Giếng nước của 1 hộ dân ở thôn Thuận Hòa (xã Bình Tân) đen ngòm, bốc mùi hôi thối |
Một người dân ở xóm 3 (thôn Phú Hưng), than thở: “Nước trong giếng nhà tui trước đây trong vắt, dùng cho cả xóm, nhưng nay đành bỏ hoang vì bị ô nhiễm. Hằng ngày, cả gia đình phải thay phiên nhau đi xin nước về dùng. Chính quyền cần có biện pháp chấn chỉnh việc xử lý nước thải trong hoạt động SX tinh bột mì, nếu không nguồn nước ở đây tiếp tục bị ô nhiễm nặng nề hơn”.
Theo ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, chuyện người dân trong xã bị thiếu nước sinh hoạt ngay từ đầu mùa khô là hiển hiện, chính quyền xã rất trăn trở, nhưng để khắc phục chỉ biết trông chờ vào dự án Nhà máy nước Bình Tân tái khởi động.
“Riêng với các hộ SX tinh bột mì, xã đang chờ tỉnh phê duyệt chủ trương sử dụng đất khu vực Núi Thất thuộc thôn Phú Hưng với khoảng 4ha để quy hoạch khu SX tinh bột mì tập trung, đưa các hộ làm nghề vào đó hoạt động để hạn chế ô nhiễm môi trường”, ông Điền cho biết.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, cho biết thêm: “Công trình nước sạch, nước tự chảy tại thôn M6 được xây dựng đã khá lâu, giờ không còn đảm bảo công suất, thêm vào đó đường ống dẫn nước lại bị nghẹt. Huyện trông chờ cấp trên sớm đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch tại thôn M6”.
“Năm 2010, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho xây dựng Nhà máy nước sạch tại xã Bình Tân dung vốn ODA. Tuy nhiên, BQL dự án ODA Trung ương quyết định ưu tiên nguồn vốn mở rộng Nhà máy nước sạch tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) giai đoạn 2 và dự án nước sạch khu vực đông huyện Hoài Nhơn, nên chưa thể cân đối nguồn vốn xây dựng Nhà máy nước sạch tại xã Bình Tân”, ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT, chia sẻ. |