| Hotline: 0983.970.780

Chưa thêm vốn Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hoá

Thứ Hai 28/02/2022 , 20:28 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Thanh Hóa phải lưu ý về tính đa mục tiêu trong quá trình triển khai các dự án thủy lợi trên địa bàn.

Chưa đồng ý thêm vốn cho Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa

Chiều 28/2, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực địa triển khai Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa.

Chưa đồng ý tăng vốn cho Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa. Ảnh: LĐ.

Chưa đồng ý tăng vốn cho Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa. Ảnh: LĐ.

Đây là dự án thủy lợi đa mục tiêu: Tiêu thoát lũ, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các huyện phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa như Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định 3312/QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021 của Bộ NN&PTNT với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.

Bài liên quan

Dự kiến, các hạng mục được xây dựng chủ yếu ở 2 huyện Nga Sơn và Hà Trung, tiêu thoát lũ, giảm ngập cho trên 20 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, dân cư, khu công nghiệp, các tuyến giao thông quan trọng như QL 1A, đường sắt Bắc – Nam và giao thông nội vùng.

Dự án thủy lợi này sẽ tăng cường chủ động tưới cho trên 6,8 nghìn ha  đất nông nghiệp thuộc vùng tưới của Trạm bơm Xa Loan, các trạm bơn trên sông Hoạt và sông Báo Văn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về mùa khô trên các trục tưới/tiêu chính …

Theo ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đây là dự án có vai trò quan trọng trong tiêu úng ở nhiều địa phương phía Bắc của tỉnh. Qua khái toán, để thực hiện dự án cần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi dự án phê duyệt khoảng 800 tỷ đồng nên khó đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo ông Giang, nên tính toán lại, tối giản diện tích xây dựng các hạng mục, công trình để tránh chiếm khá nhiều đất không thực sự cần thiết.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý đến vai trò tiêu lũ của dự án nên yêu cầu các bên liên quan cần bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Các dự án thủy lợi phải lưu ý tính đa mục tiêu. Ảnh: LĐ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Các dự án thủy lợi phải lưu ý tính đa mục tiêu. Ảnh: LĐ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu tổng thể, tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để điều chỉnh cho phù hợp; yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT, đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu thêm theo nguyên tắc tiêu tự chảy là chủ yếu, tiêu động lực là thứ yếu.

Quan điểm triển khai dự án phải hướng đến đa mục tiêu, không chỉ thoát lũ và tưới cho hơn 8.600 ha đất nông nghiệp. Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu nạo vét thêm một số đoạn, nâng cấp thêm một số tuyến đê làm đường giao thông nông thôn.

Về kiến nghị tăng vốn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, dự án cần được chia thành nhiều giai đoạn, tính toán vốn cho giai đoạn 1 là 800 tỷ đồng, sau này có thể triển khai giai đoạn 2.

Đồng ý đề xuất điều chỉnh, tăng vốn cho Dự án tiêu úng Đông Sơn

Trước đó,  sáng 28/2, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án tiêu úng Đông Sơn đoạn qua TP. Thanh Hóa.

Dự án tiêu úng Đông Sơn sau 15 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc và nhiều lần đội vốn. Ảnh: VD.

Dự án tiêu úng Đông Sơn sau 15 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc và nhiều lần đội vốn. Ảnh: VD.

Hệ thống tiêu úng Đông Sơn là dự án đa mục tiêu, có vai trò tiêu úng cho gần 13,4 nghìn ha các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP. Thanh Hóa. Trong đó, đất nông nghiệp trên 5,5 nghìn ha; đất đô thị gần 8 nghìn ha.

Dự án có nhiều hạng mục chính như: Nạo vét và gia cố 41,43 km các hệ thống sông; đầu tư 9 cầu qua sông; sửa chữa, thay thế, cải tạo, nâng cấp cống Quảng Châu (TP Sầm Sơn), nhà quản lý cống Quảng Châu...

Ngoài góp phần hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát lũ, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân, cải thiện môi trường của khu vực TP. Thanh Hóa và các huyện lân cận, dự án còn hướng đến mục tiêu cải tạo và hiện đại hóa hạ tầng đô thị cho TP. Thanh Hóa.

Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1119/QĐ-BNN-XD, ngày 23/4/2007.

Sau 3 lần được điều chỉnh vào các năm 2009, 2010 và 2019, tổng mức đầu tư được phê duyệt sau điều chỉnh lần cuối là hơn 978,811 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 389,2 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 534,1 tỷ đồng, chi phí tư vấn hơn 18,7 tỷ đồng, còn lại là các chi phí hợp pháp khác.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn và hoàn thành trong 4 năm kể từ ngày khởi công.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các hạng mục phát sinh những khó khăn, vướng mắc; nhiều nút thắt hiện vẫn chưa giải quyết xong do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan của các bên liên quan.

Riêng tại TP. Thanh Hóa, việc phân bổ vốn một số gói thầu còn sai mục đích nên khó giải quyết. Nhiều công trình, tiểu dự án thuộc dự án tổng thể trên địa bàn TP. Thanh Hóa còn dở dang, gây nhiều hệ lụy.

Đại diện TP. Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Thanh Hóa cho chủ trương tách 4 dự án tái định cư ra khỏi dự án lớn về cho tỉnh quản lý và giải quyết, hỗ trợ TP. Thanh Hóa phần vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho 4 dự án nói trên là hơn 58,5 tỷ đồng; đề nghị xem xét bổ sung vốn để điều chỉnh một số gói thầu còn dở dang…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, đây là dự án lớn, đa mục tiêu, được triển khai trong thời gian dài. Lỗi lớn nhất dẫn đến tồn tại, vướng mắc là công tác khảo sát giải phóng mặt bằng không sát nên khi triển khai bị đội vốn quá nhiều.

Tuy dự án có nhiều hạng mục đã hoàn thành, nhưng có 2 gói thầu số 17 và 21 quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của dự án lại dở dang, không hoàn thành mục tiêu chỉnh trang đô thị cho TP. Thanh Hóa.

Dự án chậm tiến độ đã kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: VD.

Dự án chậm tiến độ đã kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: VD.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, quan điểm của Bộ NN&PTNT là phải tìm cách giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc cho dự án. Trên cơ sở những căn cứ pháp lý mà các cục, vụ đưa ra, thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, không tách 4 dự án tái định cư ra khỏi dự án. Bộ đồng ý đề xuất điều chỉnh, tăng tổng vốn cho dự án; cho phép kéo dài thời gian triển khai dự án đến hết ngày 31/12/2022 và yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và nguồn vốn tăng thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị của Bộ cùng địa phương cập nhật 4 dự án tái định cư vào tổng thể dự án điều chỉnh. Tỉnh Thanh Hóa và chủ đầu tư các hợp phần dự án là TP. Thanh Hóa có trách nhiệm thu hồi các nguồn vốn dư ứng của dự án; quyết toán ngay những hạng mục đã triển khai, tránh kéo dài thêm thời gian để không phát sinh thêm những vướng mắc.

  • Tags:
Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.