| Hotline: 0983.970.780

Nhật ký dòng kênh 'chết' [kỳ 2]: Ký ức và những dự án 'chết yểu'

Thứ Ba 07/07/2020 , 15:21 (GMT+7)

Người dân TP Thanh Hóa thoáng nghe về những dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh Đông - Thiệu - Thị. Nhưng vì sao người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm?

Có một dòng kênh trong ký ức

Không nhiều người dân TP Thanh Hóa hiểu cặn kẽ về hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị, kể cả những người đã sống gần hết cuộc đời ở thành phố này. Vì thế mới có chuyện, người thì gọi tên này, người khác lại gọi bằng một cái tên khác. Nhưng có một điều những người đã gắn bó gần cả cuộc đời với thành phố này dám chắc, rằng đã từng có một dòng kênh trong xanh, trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp đi qua thành phố. Dọc tuyến kênh này đã từng có một thời xanh ngát những cánh đồng trù phú. Nhưng giờ nó chỉ còn là ký ức.

Dòng kênh này từng là nơi buôn bán đô hội, tấp nập, trên bến dưới thuyền thì nay đang báo động bởi tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Dòng kênh này từng là nơi buôn bán đô hội, tấp nập, trên bến dưới thuyền thì nay đang báo động bởi tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bùi Công Thành ở khu phố 1, phường Đông Sơn năm nay đã 77 tuổi. Trước đây, ông Thành công tác tại trường Trung cấp Hồng Đức (sau này thành Cao Đẳng rồi Đại học Hồng Đức). Theo ông Thành, khu vực ông đang sinh sống trước đây là vùng sản xuất nông nghiệp. Lúc đó cư dân sinh sống ít, hai bên dòng kênh xanh mướt, thơ mộng, nước kênh trong đến mức đứng trên cầu có thể soi thấy được cả gương mặt. Đêm đêm, người dân vẫn dạo mát ven dòng kênh. Sau đó, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, một phần xây dựng khu trại nuôi rắn độc để học viên Trường Trung cấp Hồng Đức thực nghiệm. Tên gọi Trại Rắn ra đời từ đó.

Bài liên quan

Thời điểm đó, dòng kênh vừa làm nhiệm vụ tiêu thoát nước vừa làm chức năng điều hòa, điều tiết tiểu khí hậu cho cả thành phố. Vì thế, đến TP Thanh Hóa cách đây 20 - 30 năm, cảnh vật vẫn nên thơ, khí hậu hài hòa, mát mẻ chẳng khác gì những cánh đồng quê trải dài tít tắp. Chiều chiều, cánh diều no gió bay vút tận trời xanh.

“Sáng sáng sinh viên ra dòng kênh đánh răng, rửa mặt. Chiều chiều lại thấy cảnh bơi lội, giặt giũ, thả diều. Kênh không rộng hơn bây giờ là bao, nước cũng chỉ cao hơn đầu người nhưng trong vắt, mọi sinh hoạt tắm táp dường như đều diễn ra trên dòng kênh này. Hồi đó, do đói kém nên đêm nào tôi cũng dong chiếc thuyền con đi kiếm con tôm, com tép về cải thiện bữa ăn cho gia đình. Còn bây giờ, chỉ còn mỗi cá lau bể và rô phi có thể sống sót, chẳng còn ai đi đánh bắt cá nữa. Ai dám ăn cá trên dòng kênh này? Nhưng lo nhất là một số hộ vẫn lấy nước kênh này tưới cho rau, sáng sáng đem ra chợ bán. Ra đến chợ thì có còn ai biết rau này trồng ở chỗ nào đâu”, ông Thành lo lắng.

Nhìn dòng kênh đi qua trước cửa nhà, ông Vương Văn Hưng, một giáo viên cấp 2 về hưu năm nay đã 76 tuổi không thể tưởng tượng được đây từng là một chốn giao thương tấp nập của dân tứ xứ. Nó “chết” nhanh quá!

Âu thuyền Bến Ngự, nơi vua quan nhà Nguyễn thường dong thuyền ra thăm xứ Thanh, nay trở thành bãi rác. Ảnh: Võ Dũng.

Âu thuyền Bến Ngự, nơi vua quan nhà Nguyễn thường dong thuyền ra thăm xứ Thanh, nay trở thành bãi rác. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi gọi đây là kênh Vinh, không biết có đúng với tên gọi trong dư địa chí không. Chỉ biết rằng, khi tôi còn nhỏ, khu vực kênh này tấp nập lắm. Lúc ấy, nước cao gần mặt đê, tàu thuyền vẫn vận chuyển gỗ, luồng từ thượng nguồn sông Mã đi qua âu thuyền về đây cung cấp cho người dân thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa - PV). Dân vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An... cũng thường xuyên đưa nước mắm, sản vật biển ngược dòng sông Mã về đây buôn bán. Lúc đó, cảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập. Còn bây giờ thì ngồi trong nhà cũng ngột ngạt lắm, nhất là những hôm trở trời”, ông Hưng mắt nhìn đăm đăm về phía dòng kênh rồi thở dài ngao ngán.

Những dự án “chết yểu”

Người dân TP Thanh Hóa sử dụng nước ô nhiễm để tưới rau. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân TP Thanh Hóa sử dụng nước ô nhiễm để tưới rau. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phạm Xuân Quý, kỹ sư ngành thủy lợi, Phó Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa cũng vô cùng nuối tiếc cho sự xuống cấp đến mức khó tin của hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị. Theo ông Quý, sở dĩ dòng kênh này ô nhiễm, một phần do ý thức con người nhưng một phần còn vì đã từng có nhiều dự án manh nha nhưng không thành hiện thực. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế gắn liền với đô thị hóa, áp lực về môi trường ngày một tăng cao khiến dòng kênh quá tải.

“Hệ thống này có 3 nhánh chính. Nhánh 1 gọi là kênh Thọ Hạc; nhánh 2 là toàn bộ kênh nhà Lê cũ. Hai hệ thống này chảy từ Thiệu Hóa, qua Đông Sơn và đổ vào kênh Vinh. Còn kênh Vinh xuất phát từ cửa sông Mã, đi vòng qua nhiều phường trong thành phố, sau đó tách thành 2, một nhánh đi qua cầu Lai Thành, một nhánh đi đến âu thuyền Đông Hưng trước khi đổ xuống cống Quảng Châu rồi đổ ra sông Mã. Tổng chiều dài hệ thống kênh khoảng 41km”, ông Phạm Xuân Quý cho hay.

Năm 1975, khi mới ra trường, ông Quý được tham gia trong nhóm thiết kế, xây dựng hệ thống kênh tiêu này. Nói là thiết kế xây dựng nhưng thực chất là phát triển hệ thống kênh tiêu cho phù hợp với thực tiễn bởi có những đoạn kênh đã được đào từ thời vua Minh Mạng đầu thế kỷ 19. Ông Quý được người trước truyền lại, sở dĩ vua Minh Mạng cho đào hệ thống kênh này là để vua cùng quần thần dong thuyền từ kinh thành Huế ra thăm vùng đất Thanh Hóa.

Cũng theo ông Quý, kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị được nâng cấp, xây dựng với mục đích tiêu thủy là chính, hiện nay do Công ty Thủy nông Sông Chu quản lý và vận hành. Tại thời điểm thiết kế, xây dựng (1976) tần suất thoát lũ của hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị là 20% với 4 cửa thoát nước, mỗi cửa rộng 8m. Nhiều dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh tiêu này đã được phê duyệt nhưng do thiếu vốn, do không giải phóng được mặt bằng nên mới sinh ra một dòng kênh “chết” như bây giờ.

“Năm 1996 có dự án nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị nhưng tỉnh không cân đối nổi ngân sách nên không thực hiện được. Đến năm 2004 có dự án thoát nước đô thị miền Trung do Ngân hàng ADB tài trợ, nghe nói làm hai hệ thống hồ điều hòa nhưng kể cả tôi cũng như người dân cũng không biết là dự án thực hiện ở đoạn kênh nào. Năm 2006, bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư trên 500 tỷ đồng và đến 2009 điều chỉnh lên trên 733 tỷ đồng với 50 gói thầu gồm  nạo vét toàn bộ lòng kênh, kiên cố hóa kênh và điều chỉnh mở rộng cống Quảng Châu nhưng nghe nói không giải phóng mặt bằng được nên dự án không có tiến triển”, ông Quý cho biết.

Ông Phạm Xuân Quý, kỹ sư ngành thủy lợi, Phó Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa cho rằng, nguồn nước thải xả trực tiếp ra kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị đã 'bức tử' dòng kênh.Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phạm Xuân Quý, kỹ sư ngành thủy lợi, Phó Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa cho rằng, nguồn nước thải xả trực tiếp ra kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị đã “bức tử” dòng kênh.Ảnh: Võ Dũng.

Ông Quý cho rằng, đây dù là hệ thống tiêu thoát nước nhưng vì đi quanh thành phố, ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân nên phải đảm bảo môi trường.

“Tất cả nước thải sinh hoạt của thành phố này có lẽ đang xả thẳng ra kênh Đông - Thiệu - Thị chứ không qua một lần xử lý nào. Mà, chất tẩy rửa khi thải ra lòng kênh thì vi sinh vật coi như chết hết, hôi thối là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi, trước hết, nếu chưa thể triển khai các dự án thì bản thân nước thải khi đổ ra dòng kênh này phải được xử lý. Ngày xưa tôi còn ra âu thuyền Bến Ngự tắm giặt, lấy nước về sinh hoạt nhưng nay có cho tiền tôi cũng không dám đặt chân xuống lòng kênh này”, ông buồn bã.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.