Đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công công trình
Một ngày đầu tháng 11/2021, chúng tôi có mặt tại hồ Làng Mọ, nằm trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân. Đây là công trình đã có tuổi đời hàng chục năm. Trước thời điểm được nâng cấp, nhiều hạng mục hồ Làng Mọ đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất cao.
Trước thực trạng đó, năm 2019, từ nguồn vốn của WB8, sau khi trúng thầu, Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và tự động hóa Đức Anh và Công ty Cổ phần Xây dựng Văn Gia đã tiến hành sửa chữa các hạng mục. Đến nay, mặt cắt đập, lát cấu kiện mái thượng lưu, tường chắn sóng và mặt đập, hạ lưu hệ thống thoát nước mái đập, đống đá tiêu nước hạ lưu hồ làng Mọ đã hoàn thiện. Cống lấy nước, tràn; kênh dẫn sau tràn được làm lại. Đường đường quản lý vận hành cũng đã được thi công. Đơn vị thi công đã thực hiện đạt 100% giá trị hợp đồng (14,293 tỷ đồng) và bàn giao đưa vào sử dụng.
Đây chỉ là một trong số 6 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nằm trong giai đoạn 1 thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (nguồn vốn WB8) được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Thanh Hóa được tham gia Hợp phần 1 (Khôi phục an toàn đập) với tổng kinh phí được phân bổ 487,360 tỷ đồng. Trong đó, vốn WB là 461,925 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 25,425 tỷ đồng (5,2%).
Trong thời gian từ năm 2016 – 2022, Thanh Hóa sẽ được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn 24 hồ chứa, trên địa bàn 10 huyện, chia thành 3 Tiểu dự án. Tiểu dự án Hồ Đồng Bể; Tiểu dự án 1 gồm 11 hồ chứa (phân thành 2 giai đoạn) và Tiểu dự án 2 gồm 12 hồ chứa nước. Các hạng mục đầu tư của các hồ bao gồm đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành, nhà quản lý và đường điện phục vụ quản lý vận hành.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 1/2020, tiểu dự án hồ Đồng Bể (nằm ở huyện Triệu Sơn và Như Thanh) đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Tiểu dự án 1 gồm 11 hồ chứa (phân thành 2 giai đoạn). Trong đó, 6 hồ đập thuộc giai đoạn 1 (Kim Giao, Bái Đền, Bai Ngọc, Làng Mọ, Đồi Dốc, Bai Mạ) đã trao thầu tháng 11/2019 với giá trị 72,011 tỷ đồng. Đến nay các công trình đã hoàn thành, giá trị thực hiện đến nay đạt 100% và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.
Đối với 5 hồ chứa thuộc giai đoạn 2 (Ao Sen, Ngọc Re, Đập Cầu, Thung Sâu, Nam Sơn) hiện đang trong quá trình triển khai thi công. Trong đó có 3 hồ chứa đã đạt 100% giá trị hợp đồng
Tiểu dự án 2 gồm 12 hồ chứa (hồ Khe Tuần, Cửa Trát, Cửa Hón, Đập Ngang, Thung Bằng, Mậu Lâm, Tây Trác, Hón Kín, Phưng Khánh, Eo Lim, Cây Quýt và Ngọc Đó) hiện đã trao hợp đồng cho nhà thầu thi công vào tháng 10/2021.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện các hồ đập được bàn giao đưa vào sử dụng đều đạt tiến độ, chất lượng và được quản lý, vận hàng sử dụng hiệu quả. Các công trình đã trao thầu đều đang tích cực thi công nhằm đạt kế hoạch, tiến độ đề ra.
Kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện dự án WB8 thêm 1 năm
Thanh Hóa có số lượng công trình hồ đập nằm trong tốp đầu của cả nước với 610 hồ chứa với tổng dung tích gần 2,2 tỷ m3, phục vụ tưới khoảng 127.000 ha đất nông nghiệp. Trong số này có 30 hồ chứa nước lớn; 84 hồ chứa nước vừa; 496 hồ chứa nước nhỏ. Riêng hồ Cửa Đạt là hồ chứa đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia, hiện do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.
Trước thực trạng nhiều hồ chứa được xây dựng từ 50-60 năm trước, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, kể từ năm 2000 trở lại đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 313 hồ chứa. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, Thanh Hóa tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thi công nâng cấp, sửa chữa thêm 30 hồ.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trước mùa mưa lũ năm 2021, địa phương này còn 93 hồ chứa được đánh giá bị hư hỏng, mất an toàn. Đến nay, địa phương đã bố trí được các nguồn vốn để đầu tư sửa chữa cho 38 hồ, 55 hồ còn lại hiện chưa bố trí được nguồn kinh phí.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho hay, tỉnh có nhiều hồ đập có tuổi đời cao, đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn để nâng cấp, sửa chữa. Trong khi đó, Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nông nghiệp, nguồn nội lực còn hạn chế nên rất cần Bộ Nông nghiệp bố trí thêm ngân sách thực hiện nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình hồ đập.
Vì vậy, tại Hội thảo về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thực hiện Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp bố trí kinh phí hỗ trợ xử lý khẩn cấp 16 hồ chứa mất an toàn. Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương thay đổi cơ cấu nguồn vốn của dự án và các tiểu dự án nâng cao an toàn đập WB8 thuộc tỉnh Thanh Hóa để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo; gia hạn thời gian thực hiện dự án WB8 thêm 1 năm để hoàn thành các nội dung theo quy định của dự án.
Tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét có cơ chế hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các hồ đập nhỏ do các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, tránh xuống cấp công trình; đưa hai công trình hồ chứa nước lớn của tỉnh là hồ Sông Mực và hồ Yên Mỹ vào danh mục công trình đầu tư giai đoạn trung hạn để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Cũng theo ông Cường, sau gần 3 năm triển khai Luật Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác quản lý an toàn hồ đập. Hiện nay, Thanh Hóa duy trì 4 loại hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Việc phân cấp quản lý các công trình hồ đập tại Thanh Hóa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thủy lợi. Các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý các hồ chứa lớn và vừa. Các ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp huyện quản lý các chủ yếu hồ chứa nhỏ trên địa bàn huyện. Các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã, tổ chức hợp tác dùng nước) trên địa bàn các huyện quản lý hồ chứa còn lại, chủ yếu là các hồ chứa nhỏ.
Hiện nay, các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được giao cho các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý (28/29 hồ chứa). Các hồ chứa vừa hiện giao cho công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý là 46/84 hồ. Sau khi được bàn giao, công tác quản lý, sử dụng của các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi được thực hiện nghiêm túc. Các hồ đập phát huy tác dụng lớn trong việc điều tiết nước sản xuất và nước sinh hoạt.
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa hiện đang tập trung triển khai một số nội dung được Tổng cục Thủy lợi yêu cầu, như rà soát năng lực các đơn vị quản lý đập, hồ chứa, để phân cấp quản lý, khai thác trên địa bàn, đảm bảo an toàn công trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Thanh Hóa; đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hư hỏng, mất an toàn trong mùa mưa lũ.