| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn bị gì cho lộ trình 'bình thường mới' ở phương Nam?

Thứ Ba 21/09/2021 , 15:48 (GMT+7)

Cái tên phim 'Bao giờ cho tới tháng 10' trở thành nỗi mong ngóng của người dân TP.HCM khi đô thị này chấp nhận giãn cách hết tháng 9/2021.

Ước mơ trở lại cuộc sống bình thường. Tranh của Lê Sa Long.

Ước mơ trở lại cuộc sống bình thường. Tranh của Lê Sa Long.

Cái tên phim “Bao giờ cho tới tháng 10” trở thành nỗi mong ngóng của người dân TP.HCM khi đô thị này chấp nhận giãn cách hết tháng 9/2021. Sự phong tỏa không chỉ làm trì trệ sinh hoạt của xã hội mà còn làm suy kiệt tài chính của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng hàng hóa cũng bị đứt quãng, kéo theo xuất nhập khẩu suy giảm… là điều đáng lo cho sinh kế của từng cá nhân.

TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, cần chuẩn bị gì cho lộ trình bình thường mới? Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, để mở cửa lại hoạt động kinh tế, TP.HCM phải dựa trên 4 trụ cột là "vắc xin + 5K + điều trị + công nghệ".

Ngoài việc đẩy nhanh tiêm vắc xin, trong đó sớm tiêm vắc xin cho trẻ em, TP.HCM nên làm việc với Bộ Công an thống nhất dữ liệu các app phòng chống dịch thành một app duy nhất nhằm tạo thuận lợi trong việc tổ chức và khai thác cho mục đích chống dịch. Cũng cần sử dụng công nghệ để giảm thiểu giao tiếp, giao dịch giữa người với người, giảm thiểu việc đi lại không cần thiết.

TP.HCM cũng cần bắt tay quy hoạch một kế hoạch phát triển hạ tầng y tế đủ điều kiện phục vụ điều trị Covid-19 ổn định lâu dài, huy động y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19. Khi hạ tầng cơ sở y tế đủ mạnh, TP.HCM có thể yên tâm mở hoạt động trong điều kiện có dịch.

Virus sẽ không thể biến mất, lúc này lúc khác có thể bùng phát dịch chỗ này hay chỗ kia. Nhưng khi có hạ tầng y tế tốt, cộng với vắc xin đầy đủ, số người tử vong có thể ở mức rất thấp. Nếu hạ tầng y tế không đảm bảo, mở cửa một thời gian lại quá tải và phải đóng cửa thì càng khiến TP.HCM bị kiệt quệ thêm.

Tương tự, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh, đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM có cơ sở hạ tầng dân cư khá phức tạp, thành phần lao động thời vụ khá đông, dễ biến động theo chuỗi lao động dịch vụ cấp thấp.

Do đó, khi áp dụng đánh giá theo các tiêu chuẩn chung nhằm trở lại trạng thái "bình thường mới", rất cần dựa trên những "mảng màu" của thực tế, trong đó ngoài những vấn đề mấu chốt của lĩnh vực y tế thì đặc biệt phải tính đến ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế, ngưỡng chịu đựng về mặt xã hội cũng như khả năng gồng gánh, đáp ứng của ngân sách TP.HCM đối với chính sách an sinh xã hội.

Kế đến, đặc thù địa lý của TP.HCM với tính kết nối liên vùng - Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang - với một lượng lao động, di dân lưu thông liên tục trong ngày cũng cần được tính đến. Nếu TP.HCM muốn trở lại "bình thường mới", chắc chắn phải đặt trong chuỗi an toàn với các địa phương vệ tinh; hoặc ngược lại, mục tiêu an toàn sức khỏe nhân dân lẫn không đứt gãy mạch giao thương kinh tế vùng - quốc gia mới đảm bảo.

TP.HCM đang trong nỗ lực tiếp tục giảm số ca tử vong, giảm số ca nặng phải nhập viện, điều trị ICU bằng chiến thuật tăng cơ số thuốc và lực lượng y tế thăm khám, điều trị ngay tại nhà, ngay khi bệnh khởi phát; giãn dân khỏi bệnh, âm tính ra khỏi các ổ dịch hiện hữu lẫn nguy cơ cao. Hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc xin mũi 1, đang đẩy nhanh tiêm chủng mũi 2. Đồng thời tập trung kiểm soát chặt chẽ việc thực thi giãn cách xã hội và hiệu quả thật sự của các gói an sinh xã hội

Ba mũi nhọn này chính là dữ liệu để TP.HCM thận trọng trong những bước đi trước khi có quyết định sống chung với virus. Đó cũng là "chỉ số" xác thực để đánh giá theo bộ tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 mà TP.HCM đã và đang nỗ lực áp dụng, triển khai.

Căn cứ vào tỉ lệ tiêm đủ liều vắc xin của người dân, lao động và quy trình tổ chức sinh hoạt - hoạt động - sản xuất được đảm bảo mức độ an toàn sẽ tương ứng với cấp độ nới lỏng giãn cách, tạo lập trạng thái "bình thường mới" cho từng khu vực địa bàn, từng ngành nghề...

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách an sinh xã hội từ nay đến cuối năm sẽ là vấn đề cấp bách, bởi số người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh lên tới hàng chục triệu người, trong đó nhiều người thiếu tích lũy hoặc số tiền tích lũy đã dần cạn kiệt sau gần 2 năm chống chịu với nhiều đợt bùng phát.

Việc đầu tiên là phải đảm bảo gói an sinh tối thiểu khi giãn cách hay khi mở cửa lại mà người dân vẫn còn thất nghiệp. Gói này sẽ giúp đảm bảo chi phí cơ bản cho ăn, ở, chăm sóc y tế và giáo dục cho con cái. Đồng thời có “gói hỗ trợ tâm lý” để người dân yên tâm vượt qua dịch bệnh. Tiếp đến phải có các chương trình hỗ trợ tìm lại việc làm, hoặc hỗ trợ đào tạo nghề để họ có thể làm được những công việc khác.

“Bao giờ cho tới tháng 10” đối với phương Nam cũng như đối với cả nước, có nghĩa là phải sống chung lâu dài với Covid-19, như xác định của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng phân tích: Sống chung với Covid-19 chỉ có nghĩa là giảm thiểu tác hại của nó và dần biến nó trở thành loại cúm mùa thông thường. Trên thực tế, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người bị nhiễm cúm. Về cơ bản, mọi người đều tự chữa khỏi cho mình. Số người phải nhập viện là vô cùng ít. Số người tử vong lại còn ít hơn.

Để hành xử như vậy với Covid-19, cơ thể chúng ta phải có đủ sức đề kháng chống lại nó. Với dịch cúm mùa, nhờ trải qua hàng ngàn thế hệ và hàng vạn năm tồn tại, cơ thể chúng ta đã được luyện rèn; hệ thống phòng vệ của cơ thể nhanh chóng nhận biết virus và tìm cách tiêu diệt. 

Virus corona là một loại virus mới, nên cơ thể chúng ta chưa được luyện rèn để chống lại nó. Mặc dù, sẽ có đến 80% số người đủ sức đề kháng để chiến thắng nó một cách dễ dàng, thì tỷ lệ 20% người phát bệnh cũng là quá lớn, nếu dịch bệnh bùng phát. Với dân số trên dưới 100 triệu người như nước ta, tỷ lệ này là trên dưới 20 triệu người! Đây là một con số khổng lồ, vượt tầm tiếp nhận và cứu chữa của bất kỳ một nền y tế nào trên thế giới.

Để sống chung với Covid-19, trước hết, chúng ta phải tập trung nâng cao sức đề kháng cho 20 triệu người có nguy cơ phát bệnh, mà một trong những giải pháp quan trọng nhất là tiêm chủng. Mặc dù nước ta chưa có một công trình nghiên cứu có thể cung cấp các số liệu và chứng cứ chính xác về việc 20 triệu người sẽ phát bệnh là những loại người nào, nhưng kinh nghiệm của thế giới cho thấy họ thường là những người già trên dưới 60 tuổi và những người có bệnh nền. Như vậy, phải tập trung mọi nỗ lực để tiêm chủng cho các đối tượng này một cách nhanh nhất có thể.

Tất cả các nước phương Tây đều thành công trong việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm ở họ vẫn ở mức cao. Lý do là vì họ rất duy lý. Các giải pháp phòng chống dịch của họ không bao giờ vượt quá mức cần thiết. Chúng cũng chắc chắn phải làm như vậy. Hơn thế nữa, thời gian đã quá chín muồi để chúng ta khởi động việc phục hồi kinh tế.

Thực ra, phòng chống dịch Covid-19 là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp của mình cho kịp thời. Để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức thu thập dự liệu cho đầy đủ, khách quan. Đồng thời, cần tiếp cận nhanh chóng thông tin, dự liệu và tri thức của thế giới trong phòng chống dịch.

Cuối cùng, để sống chung với Covid-19, cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về Covid-19 và cách thức phòng chống nó. Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra, hiểu biết cũng làm gia tăng sức đề kháng. Tâm lý hoảng loạn và tuyệt vọng có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong tăng cao.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?