Mở điện thoại buổi sáng, nhận được tin nhắn của một lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị chia sẻ về bí quyết để có thể xuất khẩu ổn định, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc, trong lúc mà cả 2 đường tiểu ngạch và chính ngạch đều đang bế tắc. Chợt ngẫm nghĩ, "quyết" thì tất nhiên phải có, nhưng "bí" (bí mật) thì chắc là không, vì đều là những chuyện cơ bản cả.
Trước tiên, để xuất khẩu đi một quốc gia nào đó thì việc phải tìm hiểu về những quy định liên quan đến việc nhập khẩu của nước đó là chuyện không cần phải bàn. Với thị trường Trung Quốc, những chuyện như vùng trồng và nhà đóng gói phải được cấp mã, những vấn đề về kiểm dịch (như rệp sáp chẳng hạn)... là những chuyện cơ bản. Tôi ghi ra đây mà sẽ không phân tích thêm.
Vấn đề tiếp theo là chất lượng, đây cũng là chuyện cơ bản nhưng quyết định tất cả yếu tố còn lại. Tôi từng nói chuyện với những người làm nông nghiệp thuộc nhiều quy mô khác nhau, từ người nông dân chỉ có một mảnh vườn nhỏ đến đại gia có vài chục ngàn ha. Tất cả họ đều xác định chọn thị trường Trung Quốc vì đó là một thị trường khổng lồ và dễ tính. Điều này hiển nhiên là đúng.
Vấn đề là bạn sẽ đem hàng hóa với chất lượng như thế nào để xuất sang nước họ? Có một thực trạng không mấy vui và còn khó sửa. Tôi đã từng lội từ Đồng Nai, Tây Ninh lên Lâm Đồng, Đắk Lắk, thậm chí Campuchia để tư vấn cho các "đồng nghiệp" về cách chăm sóc một buồng chuối sao cho có chất lượng cao nhất so với chuẩn thế giới (mà Unifarm đang đại diện). Câu trả lời tôi thường gặp là:
- (Nông dân nhỏ): Công lao động đâu để chăm sóc tỉ mỉ như vậy?
- (Nông dân lớn hơn): Tại sao khách Trung Quốc không yêu cầu tiêu chuẩn cao như thế mà chúng ta lại bỏ chi phí để làm? Giá mua của họ cũng vậy mà?
- (Nông dân cực lớn): Anh xuất đi nhiều nước nên mỗi vùng trồng của anh có một chuẩn riêng, tùy theo từng thị trường em ạ.
Tôi không phản bác những câu trả lời trên. Nhưng tại Unifarm, chúng tôi chỉ có một chuẩn duy nhất là chuẩn cao nhất thế giới của sản phẩm mà chúng tôi chọn trồng, dù thị trường là Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Trung Đông. Thông thường, các khách quốc tế đến công ty chúng tôi mua hàng không bao giờ cần phải bỏ người kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi chúng tôi luôn là người làm việc này.
Thường Unifarm có dư hàng nhiều thì mới bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn của mình, chúng tôi không chỉ được những công ty nông sản hàng đầu thị trường này chọn lựa, mà chính chúng tôi còn có quyền lựa chọn họ bằng việc sang tận nơi để xem quy mô của họ như thế nào, văn hóa kinh doanh của họ ra sao. Dùng tiêu chuẩn Nhật Bản để chinh phục thị trường Trung Quốc, đó là cách để người mua và người bán có quan hệ đồng đẳng trên thị trường.
Quay lại với nỗi khó khăn mà người nông dân Việt Nam đang gánh chịu do các chính sách nhập khẩu khó khăn và bất ổn từ phía Trung Quốc và tình hình khan hiếm container của các hãng tàu, mọi người đang gặp khó như thế nào thì Unifarm cũng vậy.
Chỉ là trong sự khó đó, các khách hàng của Unifarm phải cùng chúng tôi nỗ lực tháo gỡ khó khăn để vẫn xuất khẩu ổn định, dù chi phí xuất khẩu tăng cao. Họ không bỏ mình tự bơi trong biển khó khăn này. Đó chắc chắn là vì chúng ta cần khách hàng còn khách hàng cần sản phẩm với tiêu chuẩn cao của chúng ta.
Rất nhiều người thắc mắc với tôi: Một doanh nghiệp với quy mô như Unifarm có thể xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và thị trường như vậy, còn các nông dân nhỏ hơn, ít thông tin hơn thì sao? Thì phải liên kết với người có nhiều thông tin và năng lực hơn mình chứ sao.
Cùng nhau, chúng ta phải định hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhất trong ngành của mình, đồng thời cam kết hợp tác lâu dài, ổn định, chân thành với đối tác và khách hàng, chứ cứ mãi thích "lướt sóng" theo kiểu giá cao thì hưởng, giá thấp kêu cứu, thì ai chơi với bạn?
Tóm lại, nắm rõ luật chơi khi tham gia thị trường xuất khẩu và dùng tiêu chuẩn quốc tế chinh phục thị trường dễ tính, đó là cách làm của Unifarm. Còn mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau.