| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta mới dạy nông dân sản xuất chứ chưa dạy làm giàu

Thứ Sáu 18/02/2022 , 14:53 (GMT+7)

'Hồi xưa đến giờ chúng ta dạy người nông dân sản xuất chứ chưa dạy người nông dân làm giàu', Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

Giải quyết điểm yếu của ngành nông nghiệp từ nền móng

Khi tôi có ý tưởng xây dựng chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững với tầm nhìn đến năm 2050, nhiều người băn khoăn vì không biết nguồn tiền lấy từ đâu để xây dựng. Thậm chí, toàn ngành đã có chiến lược phát triển trong 5 năm tới rồi, nhiều phân ngành quan trọng cũng đã có chiến lược.

Trên các diễn đàn, tôi đã nhiều lần phát biểu rằng, “ngành nông nghiệp của chúng ta đang bị lời nguyền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Những nhược điểm, điểm yếu đó kéo theo hàng loạt câu chuyện như được mùa mất giá, giá cả bấp bênh, câu chuyện thị trường, câu chuyện dự báo…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 17/2. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 17/2. Ảnh: Minh Phúc.

Vậy nên, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt nền tảng từ tổ chức lại sản xuất để phát triển nông thôn, hay cơ cấu lại nền nông nghiệp bắt đầu bằng tổ chức sản xuất. Không thể nào 10 triệu hộ nông dân sản xuất trên vài chục triệu mảnh ruộng được.

Thứ hai, quyền lực của cơ quan nhà nước trong nền kinh tế thị trường khác với nền kinh tế bao cấp, kế hoạch trước đây. Tất cả đều phải tuân theo quy luật thị trường. Dù chúng ta đã có quy hoạch, nhưng nông dân thấy trồng cây gì có lợi là lập tức trồng theo. Do đó, quyền lực nhà nước có giới hạn. Vậy thì phải huy động sự tham gia của quyền lực xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tôi nói như vậy không phải để thoái thác trách nhiệm quản lý nhà nước, mà để chúng ta nhìn lại câu chuyện đó và đưa ra các giải pháp dài hạn. Tại sao Chiến lược đặt mục tiêu cho giai đoạn đầu là đến năm 2030, vì tổ chức lại sản xuất không phải ngày một ngày hai, chúng ta cũng không thể ép buộc bà con vào hợp tác xã. Chưa nói đến cánh đồng lớn, chỉ nói đến việc ghép những người nông dân sản xuất nhỏ lại để sản xuất lớn đã là vấn đề khó rồi.

Do đó, Chiến lược này bắt đầu từ nền, chứ không phải bắt đầu từ ngọn (là giải quyết vấn đề được mùa mất giá). Bởi vì, nguyên lý giá rất đơn giản, đó là thị trường quyết định và cung - cầu quyết định, ai cũng biết hết rồi. Nhưng nguyên lý kinh tế học nói rằng, khi thông tin được cân bằng thì cung cầu quyết định giá, còn khi thông tin không minh bạch, bất cân xứng thì không biết theo quy luật nào.

Nhà nước không có quyền quyết định giá. Vì nếu Nhà nước có quyền lực định giá 5.000/kg lúa, thì chính bà con nông dân sẽ là người phá giá đầu tiên chứ không phải ông thương lái. Bởi vì có người nghĩ rằng, bán 4.900 đồng/kg cũng được, miễn là bán hàng được nhanh hơn người khác, bớt lợi nhuận chút ít không sao. Theo tư duy đó, đến những người sau, giá nông sản giảm dần

Chúng ta chỉ giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất để đạt sản lượng nhiều nhất mà không dạy người nông dân đôi khi hãy sản xuất ít hơn nhưng vẫn thu nhập cao hơn. Ảnh: LHV.

Chúng ta chỉ giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất để đạt sản lượng nhiều nhất mà không dạy người nông dân đôi khi hãy sản xuất ít hơn nhưng vẫn thu nhập cao hơn. Ảnh: LHV.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quyết định được giá để tranh mua, tranh bán. Truyền thông cũng quyết định giá cả. Ví dụ, khi giá lợn đang xuống mà báo chí đăng tin còn mấy triệu con lợn trong chuồng, thì tâm lý của nông dân sẽ hoảng loạn, họ bán đổ, bán tháo dẫn đến giá giảm mạnh.

Chúng ta phải hiểu được các vấn đề này thì mới đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong Chiến lược.

Khó làm giàu từ nông nghiệp nếu không có tư duy kinh tế 

Dịp tết vừa rồi, có nhà báo hỏi tôi rằng: “Bộ trưởng tiền nhiệm đặt mục tiêu thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,5 lần, vậy Bộ trưởng đương nhiệm cho rằng, nông dân chúng ta chừng nào làm giàu được?”

Tôi không trả lời được vì nó liên quan đến nhiều tư duy. Nếu nói nông dân làm giàu, thì tôi có thể chỉ ra hàng loạt nông dân giàu. Còn nếu nói nông dân nghèo thì tôi sẽ chỉ ra được hàng loạt nông dân nghèo, thậm chí có người nông dân không có đất, phải đi làm thuê cho nông dân khác. Bản thân giai cấp nông dân đã có sự phân tầng rồi.

Từ đó tôi mới suy nghĩ ra, chúng ta khó có thể làm giàu từ nông nghiệp nếu không có tư duy kinh tế nông nghiệp. Cùng một sản phẩm nông sản có chất lượng như nhau, người có kỹ năng bán hàng, có tư duy kinh tế có thể bán được sản phẩm với giá gấp đôi người khác. Bởi họ tạo được niềm tin của khách hàng nhờ chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch quy trình canh tác, bán hàng khéo léo, còn người khác thì không.

Một trái xoài nếu bọc giấy báo để dưới vỉa hè bán giá khác, làm cái kệ đặt quả xoài lên giá sẽ khác, đưa trái xoài vào cái hộp, tạo ra giá trị cảm xúc, bao bì thì giá sẽ khác. Thành ra, hồi xưa đến giờ chúng ta dạy người nông dân sản xuất chứ không dạy người nông dân làm giàu. Hai vấn đề này khác xa nhau, bởi vì làm giàu không phải chỉ từ bán sản phẩm mà từ cách phân loại nông sản, bán niềm tin cho khách hàng về quy trình sản xuất sạch, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, bao bì nhãn mác…

Tại sao các loại trái cây ngoại thường để trong những quầy kính rất đẹp đẽ còn nông sản của Việt Nam để ngoài vỉa hè? Thực trạng đó một phần đến từ việc chúng ta ứng xử với người nông dân. Chúng ta chỉ giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất để đạt sản lượng nhiều nhất mà không dạy người nông dân đôi khi hãy sản xuất ít hơn nhưng vẫn thu nhập cao hơn.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng Chương trình Quốc gia về hợp tác xã và dự kiến trong tháng 3/2022 sẽ trình Chính phủ Nghị định về vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để có chương trình huấn luyện người nông dân kỹ năng kinh doanh, cách làm giàu, cách giảm chi phí đầu vào trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng. Trung Quốc đã làm những vấn đề này lâu rồi.

Định vị sứ mạng của “tam nông” trong tâm thức những nhà lãnh đạo

Tôi kỳ vọng rằng, bản Chiến lược này sẽ được truyền thông lan tỏa đến toàn xã hội. Từ đó, chúng ta định vị đúng vai trò, vị trí sứ mạng của nông nghiệp, nông thôn trong tâm thức của những nhà lãnh đạo, người dân.

Báo chí đặt vấn đề: ngành chiếm giữ đất đai nhiều nhất là nông nghiệp, ngành chiếm giữ lao động nhiều nhất là nông nghiệp nhưng đóng góp GDP không lớn thì có nên chuyển dịch sang các khu vực khác? Tuy nhiên, nông nghiệp và kinh tế nông thôn có một vai trò, vị trí trong việc bình ổn xã hội, bởi hơn 60% dân số sống ở nông thôn và đang là nông dân.

Bởi vậy, phải có Chiến lược này để chúng ta cùng ngồi lại với nhau, định vị lại. Khi chúng ta nhận thức đúng rồi thì sẽ có vốn, sẽ có hạ tầng, còn khi chúng ta thấy không quan tâm thì vốn và hạ tầng sẽ được chuyển cho khu vực khác.

Khó có thể làm giàu từ nông nghiệp nếu không có tư duy kinh tế nông nghiệp. Ảnh: MP.

Khó có thể làm giàu từ nông nghiệp nếu không có tư duy kinh tế nông nghiệp. Ảnh: MP.

Bản thân nông nghiệp không phải là một ngành kinh tế độc lập mà là một thành phần trong cấu trúc kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh nằm ở địa phương chứ không phải chỉ ở các Bộ, ngành. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương cần cân nhắc dành nguồn lực nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; để đâu đó đừng chẻ đồi chè ra để làm bất động sản. Tôi hoàn toàn không trách chính quyền địa phương, vì đó là xu thế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.

Phần nào đó, ngành nông nghiệp cần tự trách mình vì chúng ta chưa định vị được mỗi diện tích đất sẽ đem lại giá trị bao nhiêu. Và chúng ta cũng chưa chứng minh được nếu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì giá trị mảnh đất sẽ tăng rất nhiều lần, để mỗi khi cân nhắc quyết định chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng, đất lúa, các địa phương sẽ cân nhắc cái được trước mắt, cái được lâu dài để quyết định.

"Chúng ta đừng chỉ vì tăng thu ngân sách, phục hồi kinh tế mà không lường trước được các tác động đến cuộc sống của người nông dân, nhất là người nông dân sau khi mất đất sẽ như thế nào. Giá trị của Chiến lược nằm ở đó".

(ghi)

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.