Tìm lời giải cho bài toán đầu tư hạ tầng lâm nghiệp
Sau 3 năm thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết: Kết quả đã thực hiện; Sự ảnh hưởng của các cơ chế, chính sách liên quan; Phương hướng trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, thành quả mà chiến lược mang lại rất lớn, thể hiện ở tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; giá trị sản xuất tăng ổn định ở mức 4,6%, có năm cao hơn 6%; kim ngạch xuất khẩu liên tục lập kỷ lục, trong đó năm 2022 đạt 17,1 tỉ USD; thu dịch vụ môi trường rừng gần 11.000 tỉ đồng và xuất siêu gần 40 tỉ USD trong 3 năm gần nhất.
"Lâm nghiệp đóng góp 30% vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là nguồn động viên lớn với những người làm nghề rừng và 3,6 triệu ha rừng sản xuất", Thứ trưởng chia sẻ.
Một điểm sáng được lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, là năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ các bon, thu về hơn 50 triệu USD. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán "mặt hàng" này, Việt Nam đã kịp chen chân vào vị trí thứ 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.
Hiện Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến ngành lâm nghiệp, thể hiện qua một loạt nghị quyết, chỉ thị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ ban hành. Vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Tất cả thôi thúc những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp phải tiếp tục đổi mới, tìm tòi để phát huy hơn nữa giá trị của rừng, mang lại sinh kế ổn định hơn cho người dân, theo Thứ trưởng.
Ở cấp Trung ương, Bộ NN-PTNT đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp cho năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các thông tư hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các công ty nông lâm trường chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.
Về điểm hạn chế đầu tư của ngành, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, không thể "ngồi im chờ ngân sách". Ông cho biết, ngân sách đầu tư cho lâm nghiệp vào khoảng 4.400 tỉ đồng/năm, trong đó 900 tỉ từ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Mức còn lại, khoảng 3.500 tỉ đồng rất dễ bị dàn trải.
Từ thực tế ấy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các bên chủ động, linh hoạt, quyết liệt vào cuộc để tăng nguồn thu đầu tư cho lâm nghiệp. Ông gợi ý về thị trường tín chỉ các bon. Tính toán từ Cục Lâm nghiệp cho thấy, Việt Nam còn có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ như hiện nay, ngành lâm nghiệp có thể thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỉ đồng. Đó là một con số lớn, tương đương với nguồn đầu tư công hàng năm.
"Vấn đề là chúng ta quản lý, duy trì và phát triển nguồn "ngân sách" này như thế nào, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị luôn chực chờ. Cuộc sống của những người trồng rừng, giữ rừng chưa được đảm bảo", Thứ trưởng bày tỏ.
Sớm thích ứng với Luật Đất đai (sửa đổi)
Là người đi từ những ngày đầu cùng chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho rằng cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Tuấn nêu, Điều 9 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhóm đất nông nghiệp gồm 7 loại: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất chăn nuôi tập trung; Đất làm muối; Đất lâm nghiệp khác.
Nhóm đất chưa sử dụng đã được sửa đổi là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo đó, đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh.
Quy định này, theo ông Tuấn, khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững hơn.
Ngoài ra, Điều 79 của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định chi tiết 32 trường hợp thu hồi đất, đảm bảo sự minh bạch, cụ thể hóa, khắc phục được tính chất chung chung tại các quy định hiện hành. "Ngành lâm nghiệp cần tranh thủ môi trường thuận lợi này để phát triển nhanh khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung, quy mô lớn, trồng, bảo tồn gen cây đặc sản và dược liệu giá trị cao", ông Tuấn nhấn mạnh.
Về giao đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ông Hà Công Tuấn kiến nghị Bộ NN-PTNT khẩn trương rà soát quy định hiện hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp; di dân, tái định cư ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
"Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong sản xuất lâm nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp 2017, đảm bảo hài hòa với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói tiếp.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam thừa nhận, hiện nay một số khái niệm, địa giới về đất lâm nghiệp còn có độ vênh nhất định, khi so sánh dữ liệu giữa ngành NN-PTNT với ngành tài nguyên môi trường. Ông Ngãi lấy ví dụ về đất chưa có rừng - đây là một khái niệm chỉ ngành NN-PTNT sử dụng.
Để phát triển hơn nữa chiến lược lâm nghiệp thời gian tới, ông Ngãi kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu bổ sung các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó thống nhất quy định về mã các loại đất lâm nghiệp và quy định cụ thể về đất sử dụng cho mục đích bảo vệ, phát triển rừng.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, công nghệ còn giúp giám sát rừng theo thời gian thực, phục vụ phòng chống cháy rừng, cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cam kết, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo hiệu lực thi hành từ 1/4/2024 theo Điều 248 của Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ chế phân cấp cho chính quyền địa phương.
Trong đó, tập trung vào việc không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.
"Cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống tại vùng sâu, vùng xa", ông Bảo nói.