Vốn xuất thân từ nông dân nhưng không cam chịu cảnh làm ăn manh mún như cha ông, năm 2010 anh Trần Văn Thắng ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi bò vỗ béo nên đã đầu tư một trang trại nuôi quy mô. Chăn nuôi thuận buồm, xuôi gió, đến năm 2012 thì anh lại đầu tư một cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò theo quy mô bán công nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận.
Không dừng lại ở đó một thời gian sau anh đầu tư hệ thống các cửa hàng ở trong nội đô, tạo thành một chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ do chính Công ty TNHH phát triển thương mại Thắng Lợi của mình đảm trách.
Thời cao điểm trang trại bò thịt của anh có công suất 300-400 con/lứa, quay vòng nhiều lứa giúp cả năm sản lượng 1.000 con, giết mổ thường xuyên 5-7 con bò/ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn thịt. Để đủ số cỏ nuôi 1.000 con bò/năm thì cần hàng trăm ha đất trồng cỏ, tuy nhiên, anh Thắng lại không có ha trồng cỏ nào cả.
Bí quyết là xung quanh huyện Đan Phượng có rất nhiều dự án bỏ hoang, anh đã đi một vòng và nhận thấy đây là nguồn thức ăn cho bò miễn phí mà mình nên tận dụng. Điều này giúp anh phát triển đàn bò vỗ béo trong suốt những năm qua.
Anh cũng là người tiên phong trong việc ứng dụng những giống bò ngoại mới nhất từ các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội như BBB, Wagyu vào sản xuất hay giết mổ với theo hai hướng năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nếu như BBB là giống bò siêu năng suất, tăng trưởng rất nhanh, trọng lượng có thể đạt tới xấp xỉ 1 tấn, tỷ lệ nạc cao thì Wagyu là giống bò nổi tiếng về chất lượng của Nhật Bản nhờ các vân mỡ trong thớ thịt, mềm, có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Hơn thế nữa, mỡ của giống bò này có hàm lượng chất béo Omega 3 và Omega 6 cao hơn các loại thịt bò khác.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thành công trong việc cải tiến đàn bò cái nền lai Sind, Zebu và đã lai tạo ra nhiều giống bò có năng suất, chất lượng thịt cao mà điển hình là BBB và gần đây nhất là Wagyu với hàng vạn con bê lai đã được sinh ra, nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh. Để giúp các hộ chăn nuôi nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, Sở NN-PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các vùng, xã trọng điểm cho các tổ chức, cá nhân tham gia chăn nuôi…
Theo anh Thắng bình quân mỗi ngày mỗi con bò sẽ ăn khoảng 4 kg cám công nghiệp và 10 kg cỏ voi phối trộn cùng nhiều khô đậu, cám mì hay rỉ mật. Ở những thời điểm mà giá bò thấp, giá thức ăn công nghiệp cao thì anh tăng tỷ lệ phối trộn thức ăn tự chế để cho đàn bò, tuy tốc độ lớn chậm hơn nhưng giúp giảm giá thành chăn nuôi trong khi chất lượng thịt lại đảm bảo ngon hơn, thơm hơn.
Anh còn đầu tư hệ thống cho bò uống nước tự động, áp dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất nước, nước thải từ chăn nuôi cũng như giết mổ, giúp bảo vệ môi trường. Trang trại cũng như cơ sở giết mổ của anh thường xuyên được cán bộ thú y đến kiểm tra, theo dõi việc tuân thủ phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện do xu thế của thị trường mà anh giảm quy mô đàn, chuyển hướng sang con bò Úc bởi chất lượng thịt khá ngon cũng như giá cả dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Khi nhập về bò sẽ được nuôi vỗ béo một thời gian rồi giết mổ theo tiêu chuẩn nhân đạo của Úc, tức quy trình ESCAS: "Bò Úc khi nhập từ Úc về suốt quá trình nuôi vỗ béo cũng như giết mổ phải tuân thủ tiêu chuẩn nhân đạo của họ. Phía nước ngoài quản lý rất chặt bằng hệ thống camera. Nếu làm sai, không tuân thủ quy định của Úc, bị họ phát hiện sẽ ra lệnh cấm nhập bò ngay”. Anh Thắng thông tin.
Ngoài ra, việc áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi nhốt, giết mổ nhân đạo còn giúp cho con vật tránh stress, không có những hoạt chất bất lợi, đảm bảo những dưỡng chất tốt nhất trong thớ thịt khi đưa ra thị trường. Điều này đúng với phương châm của công ty đề ra là “Thực phẩm sạch từ nông trại đến mâm cơm mỗi gia đình”.