Phát biểu khai mạc Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024 diễn ra chiều 23/12 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu trọng tâm là đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại mức 10 tỷ USD, trong bối cảnh lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu; trong đó có thị trường thủy sản. Hệ lụy đã làm chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt và sự quyết tâm, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành tích ấn tượng là 10 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, gồm: tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD; nhuyễn thể khác 14,5 triệu USD.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, ngành nông nghiệp nước ta đang đi đến những ngày cuối năm 2024 với nhiều thành công rực rỡ, đặc biệt là sự linh hoạt trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và xuất khẩu nông sản. Dự kiến xuất khẩu nông sản của nước dự báo sẽ thiết lập mốc 62 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức tăng cao, trong đó có đóng góp của lĩnh vực thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, để có được kết quả xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2024, có thể nói ngành thủy sản đã nhận sự quan tâm trực tiếp và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ…), lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành, địa phương trong định hướng, chỉ đạo. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng trong tổ chức sản xuất, chế biến, cải tiến không ngừng về chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá thị trường.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thay mặt Bộ NN-PTNT, tôi xin biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của VASEP trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu, đồng thời, tích cực chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ, phản ánh kịp thời những vướng mắc, giải quyết những thách thức từ chính sách, thị trường, luôn được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao".
Về năm 2025, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tiếp tục có những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng.
Dù vẫn sẽ có nhiều thách thức, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tin tưởng: "Tôi tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của VASEP và Bộ NN-PTNT, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...".