| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội xem xét chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá

Thứ Hai 03/06/2024 , 13:21 (GMT+7)

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035.

Quốc hội thảo luận về chủ chương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội thảo luận về chủ chương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: Quốc hội.

Sáng 3/6, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Tại Kỳ họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là rất cần thiết.

Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025 - 2035.

Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt cơ quan thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhận thấy, Chương trình được xây dựng phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công. Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ.

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Có ý kiến đề nghị xác định thời gian thực hiện Chương trình theo hai giai đoạn là 2026 - 2030 và 2031 - 2035 để đảm bảo tính khả thi trong việc phân bổ nguồn vốn, phù hợp với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá.

Đối với năm 2025, các hoạt động chuẩn bị thực hiện Chương trình được phân công cho các cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và được bố trí kinh phí trong phương án dự toán chi thường xuyên của cơ quan theo phân cấp ngân sách nhà nước hàng năm.

Đề cập về một số đề xuất, kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng Chương trình.

Do đó, Chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện; chuẩn bị Hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời, bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định. Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Xem thêm
Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay tới 2045

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Trước đợt xâm nhập mặn sâu nhất trong năm: Đã thu hoạch 274.000ha lúa đông xuân

ĐBSCL Nhờ chủ động gieo cấy sớm vụ đông xuân 2024-2025 để né hạn mặn, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có thu hoạch được 274.664ha lúa.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Năm 2024, phát triển kinh tế Bình Phước đứng thứ 11 cả nước

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,32%, đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 108,40 triệu đồng, tăng hơn 13% so với năm 2023.

Bình luận mới nhất