| Hotline: 0983.970.780

Chống ngập Bình Dương nhiều việc phải làm

Chuyện chạy lụt ở vùng rốn ngập Bình Nhâm

Thứ Tư 05/06/2024 , 07:57 (GMT+7)

Bình Dương Là địa phương có hệ thống kênh rạch dày đặc không kém miền Tây sông nước, mỗi khi triều cường và mưa lớn, bà con phường Bình Nhâm lại đua nhau chạy lụt.

Vì sao mưa là ngập?

Đến khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TP Thuận An những ngày này, dù chưa bước vào mùa mưa nhưng người dân nơi đây tất bật dọn dẹp nhà cửa, kê cao đồ dùng sinh hoạt, thậm chí tự gia cố kênh rạch để phòng bất trắc xảy ra, bởi nơi đây được xem là "rốn ngập" của Bình Dương mỗi khi mưa lớn và triều cường.

Người dân phường Bình Nhâm, TP Thuận An tự gia cố con rạch trước nhà, để phòng mưa lớn gây ngập. Ảnh: Trần Phi.

Người dân phường Bình Nhâm, TP Thuận An tự gia cố con rạch trước nhà, để phòng mưa lớn gây ngập. Ảnh: Trần Phi.

Ông Vương Tuấn Kiệt, Trưởng Khu phố Bình Hòa cho biết, toàn bộ khu phố có gần 20 con rạch lớn nhỏ, riêng rạch Suối Đờn thuộc tổ 14  là rạch lớn nhất và phức tạp nhất. Con rạch này tiếp nhận gần như toàn bộ nước mưa và nước thải đã qua xử lý từ các khu công nghiệp và khu dân cư tập trung của TP Thuận An đổ ra sông Sài Gòn. Mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường, là toàn bộ dân cư trong khu vực canh cánh lo sợ.

Chưa hết bàng hoàng sau trận lụt lịch sử ngày mùng 4 Tết năm 2022, ông Vương Tuấn Kiệt chia sẻ, đợt triều cường lớn kết hợp với xả lũ rơi đúng mùng 4 Tết năm 2022, đã khiến nước từ rạch dâng cao bất thường, tràn vào nhà dân, có chỗ ngập trên 1,5 m khiến người dân không kịp trở tay.

Rất may, nước lên chậm, khu phố huy động toàn bộ lực lượng đoàn thể cùng hỗ trợ của dân quân xã để sơ tán người dân, nên không có thiệt hại về người, nhưng số tài sản của người dân chìm trong nước nhiều không đếm xuể.

Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi trận lũ lịch sử vào mùng 4 Tết năm 2022. Ảnh: NDCC.

Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi trận lũ lịch sử vào mùng 4 Tết năm 2022. Ảnh: NDCC.

Gần 20 năm dọn về rạch Suối Đờn sinh sống, bà Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết, thông thường vào mùa mưa, mỗi năm khu vực này hứng chịu ít nhất 10 trận lụt, nhưng chưa khi nào lại đáng sợ như đợt lụt lịch sử mùng 4 Tết 2022 vừa qua, nước lũ về bất ngờ dù trời không có mưa. Sau nhiều lần chạy lụt, gia đình tôi xác định "sống chung" với lụt.

“Trước đây có ngập nước cao lắm chừng đầu gối nhưng đợt ngập năm đó, có nơi nước ngập tới đầu. Mỗi khi thấy trời mưa giông là những vật dụng sợ nước như tủ lạnh, máy giặt… đều phải kê lên cao”, bà Hạnh nói.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, người dân sống gần 20 năm tại rạch Suối Đờn luôn cảm thấy bất an mỗi khi nhớ về trận lũ năm 2022. Ảnh: Trần Phi.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, người dân sống gần 20 năm tại rạch Suối Đờn luôn cảm thấy bất an mỗi khi nhớ về trận lũ năm 2022. Ảnh: Trần Phi.

Khu phố có gần 3.000 hộ dân sinh sống, trong đó, có hơn 20% số hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Việc ngập lụt do nhiều nguyên nhân, ngoài yếu tố từ thiên nhiên, hệ thống cửa thoát nước tại các rạch trên địa bàn do đầu tư lâu đã xuống cấp. Ngoài ra, nhiều nguồn rác thải cùng lục bình phát triển mạnh khiến lòng rạch bị bồi lắng, ùn ứ tắc nghẽn nguồn nước.

Để giảm thiểu tác động thiên tai, bên cạnh phát huy phương châm "4 tại chỗ" trong mùa mưa lũ, khu phố đề nghị ngành thủy lợi có giải pháp nạo vét kênh rạch, tu sửa miệng cống để bà con ổn định cuộc sống”, ông Kiệt kiến nghị.

Cần giải pháp căn cơ

Không chỉ rạch Suối Đờn, tình trạng ngập lụt rạch Cầu Lớn cũng đáng báo động. Đây từng là điểm đen ngập lụt tại khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, dù đã được ngành thủy lợi quan tâm đầu tư tại tuyến đê bao. Thế nhưng, tuyến đê này đang có dấu hiệu xuống cấp, sụt lún. Khi triều cường dâng cao, nước tràn qua bờ đập gây ngập cục bộ nhiều nơi.

Sống cạnh rạch Cầu Lớn hàng chục năm, ông Trần Quang Thể không khỏi thở dài cho biết, toàn bộ con kênh bị lục bình và cỏ dại che phủ gây ách tắc dòng chảy, nhiều đoạn đê làm bằng đất, sụt lún, sạt lở thường xuyên xảy ra. Hiện đang mùa khô nước đã mấp mé đường kênh, chỉ cần thủy triều hoặc mưa lớn là nước tràn vào nhà dân bất cứ lúc nào.

Ông Trần Quang Thể mong nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp và có giải pháp căn cơ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Thể mong nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp và có giải pháp căn cơ. Ảnh: Trần Trung.

“Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, mùa mưa sắp tới, chúng tôi không biết ứng phó sao, để giảm thiểu rủi ro, một số hộ đã tự mua vật liệu về gia cố bờ đê. Đây chỉ là giải pháp trước mắt, mong nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp và có giải pháp căn cơ”, ông Thể nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm cho biết, trước tình hình tuyến đê bao rạch Cầu Lớn có dấu hiệu xuống cấp, sụp lún, từ ngày 18/10/2022 đến nay, UBND phường đã 3 lần gửi văn bản đến Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, Trung tâm đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn để kiến nghị nội dung này, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết và địa phương cũng chưa nhận được phản hồi gì.

Phường Bình Nhâm có địa hình trũng thấp, nằm tiếp giáp với nhánh sông Sài Gòn, có nhiều kênh thoát nước, phục vụ cho tưới tiêu của người dân. Vì vậy, mưa lớn kết hợp triều cường, nước dâng cao tràn vào bờ dẫn đến ngập cục bộ.

“Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống ngập úng, đảm bảo tiêu thoát nước trên địa bàn phường, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân xung quanh khu vực, UBND phường tiếp tục kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, Trung tâm đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tiếp tục xem xét, giải quyết, nâng cấp cải tạo và nạo vét trong thời gian sớm nhất, để tránh việc người dân kiến nghị nhiều lần. Đồng thời, kiến nghị sớm lắp đặt rào chắn dọc tuyến rạch, để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Trần Văn Bình nhấn mạnh.

Cống thoát nước khu vực rạch Cầu Lớn bị xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm che hết miệng cống. Ảnh: Trần Trung.

Cống thoát nước khu vực rạch Cầu Lớn bị xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm che hết miệng cống. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh tác động từ thiên nhiên, theo phòng Quản lý đô thị thành phố Thuận An, qua kiểm tra rà soát, địa phương còn tồn tại 24 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cần xử lý triệt để hành vi vi phạm kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn. Phòng Quản lý đô thị kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết, nâng cấp cải tạo và nạo vét trong thời gian sớm nhất, để tránh việc người dân kiến nghị nhiều lần. Ảnh: Trần Trung.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết, nâng cấp cải tạo và nạo vét trong thời gian sớm nhất, để tránh việc người dân kiến nghị nhiều lần. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, thành phố sẽ xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trường hợp xây dựng mới, quy mô lớn, dư luận quan tâm thành phố sẽ cho làm trước. Sau khi xử lý các trường hợp vi phạm xong, thành phố sẽ xử lý các cán bộ để xảy ra vi phạm

“Thành phố đề nghị UBND các phường, xã dọc khu vực sông Sài Gòn tổ chức thực hiện: Vận động các cá nhân, tổ chức tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng lấn chiếm, những công trình xây dựng sai phép, không phép phải kiên quyết tự phá dỡ và báo cáo UBND thành phố”, ông Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất