| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững không có chỗ cho sự đơn lẻ

Thứ Tư 26/04/2023 , 07:35 (GMT+7)

Với trên 50 năm kinh nghiệm hợp tác quốc tế, đại diện Rikolto khẳng định, không một bộ phận hoặc tổ chức đơn lẻ nào có thể tự mình thúc đẩy sự chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững.

Bà Charlotte Flechet, Giám đốc Chương trình Thực phẩm An lành cho Thành phố của Rikolto tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 'Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững' đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Charlotte Flechet, Giám đốc Chương trình Thực phẩm An lành cho Thành phố của Rikolto tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững” đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Rikolto là tổ chức phi chính phủ quốc tế, với trên 50 năm kinh nghiệm hợp tác với tổ chức nông dân và các tác nhân trong chuỗi thực phẩm tại 18 quốc gia ở châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Tham gia Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững” đang diễn ra tại Hà Nội, bà Charlotte Flechet, Giám đốc Chương trình Thực phẩm An lành cho thành phố của Rikolto đã trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam về những mục tiêu, định hướng mà Rikolto muốn triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa bà, thông điệp chính mà Rikolto muốn truyền tải thông qua Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững” là gì?

Thông điệp chính của chúng tôi đó là sự chuyển đổi của hệ thống thực phẩm bền vững sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu sự quản lý và phối hợp một cách toàn diện giữa tất cả các cấp ban ngành.

Hệ thống thực phẩm thực sự rất phức tạp, bởi nó liên quan đến sức khỏe của con người, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các loại bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng do chế độ thực phẩm nghèo dưỡng chất), kinh tế (hơn 1 tỷ việc làm trên toàn thế giới ước tính liên quan đến hệ thống thực phẩm), khí hậu (khoảng 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu liên quan tới hệ thống thực phẩm) và khả năng thích ứng của các thành phố.

Do đó, không một bộ phận hoặc tổ chức đơn lẻ nào có thể tự mình thúc đẩy sự chuyển đổi.

Một trong những thông điệp chính của Hội nghị lần này là việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực và dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và bất ổn xã hội. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Tất cả các tác nhân, bao gồm cả các nông hộ nhỏ, những người tham gia hệ thống thực phẩm một cách phi chính thức, người dân tộc thiểu số… cần tích cực tham gia và hợp tác. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành của Nhà nước.

Điều cần thiết là cần có các thủ tục chuyên biệt và cơ chế nâng cao năng lực để thực hiện các quy đa ngành, đa cấp và đa bên một cách hiệu quả.

Cách tiếp cận về hệ thống thực phẩm bền vững vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, và chúng tôi hi vọng rằng Hội nghị lần này sẽ đem tới những ví dụ cụ thể để Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan có thể áp dụng vào thực tiễn cùng các đối tác, như Rikolto.

Bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (FAO) tham gia phiên thảo luận của Rikolto. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (FAO) tham gia phiên thảo luận của Rikolto. Ảnh: Tùng Đinh.

Vậy, với trên 50 năm kinh nghiệm, trong thời gian tới, Rikolto có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống thực phẩm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào?

Tại Việt Nam, Rikolto làm việc với ba cấp độ chính, liên quan tới việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm sản xuất thực phẩm bền vững, kết nối thị trường bao trùm và xây dựng môi trường thuận lợi cho hệ thống thực phẩm bền vững.

Về sản xuất thực phẩm bền vững, chúng tôi đang hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp giúp tái tạo đất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường đa dạng sinh học, và giảm phát thải khí nhà kính.

Chúng tôi cũng hỗ trợ sản xuất phân bón sinh học từ chất thải hữu cơ nhằm thúc đẩy cách tiếp cận tuần hoàn hơn trong canh tác và giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu đầu vào.

Hướng tới thị trường bao trùm, chúng tôi hỗ trợ các cơ chế thị trường cho phép người dân, bao gồm những đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận với thực phẩm bổ dưỡng, an toàn, phù hợp với văn hóa và được lấy từ các chuỗi thực phẩm ngắn.

Ở Việt Nam, chúng tôi hướng tới căng tin trường học, chợ truyền thống tại Phủ Lý (Hà Nam), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Hà Nội, và các siêu thị ở khu vực phía Bắc. Trọng tâm là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) đối với thực phẩm an toàn vì đây là một hệ thống đảm bảo chất lượng có chi phí thấp, do người dân tự thực hiện, và tập trung vào việc quản lý xã hội, nâng cao kiến thức và xây dựng lòng tin giữa các tác nhân như nông dân, người tiêu dùng, nhà bán lẻ, chính phủ.

Ngoài ra, chúng tôi thúc đẩy việc áp dụng các nguyên tắc kinh doanh bao trùm trong các mối quan hệ giữa người mua và người sản xuất. Các hoạt động tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác theo chuỗi, tăng cường liên kết thị trường hiệu quả, quản trị một cách công bằng và minh bạch, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ và sáng kiến bao trùm.

Theo đó, các tác nhân trong hệ thống thực phẩm lên kế hoạch và đầu tư để áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Cuối cùng, ở cấp độ môi trường thuận lợi, chúng tôi phối hợp với chính quyền các cấp để xây dựng các quy định và chính sách nhằm thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự phiên sự kiện bên lề hội nghị chính do Rikolto chủ trì. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đại biểu tham dự phiên sự kiện bên lề hội nghị chính do Rikolto chủ trì. Ảnh: Tùng Đinh.

Được biết, Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là một mô hình thành công nhờ sự hỗ trợ của Rikolto, vậy Rikolto có kế hoạch gì nhằm nhân rộng những mô hình HTX như vậy ở Việt Nam trong thời gian tới?

Để nhân rộng các mô hình thành công như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, điều cần thiết là phải xây dựng bằng chứng về lợi ích của các mô hình đó, đồng thời ghi chép cẩn thận về những cải tiến tạo nên thành công của mô hình.

Để làm được như vậy, chúng tôi xác định các thành phần có thể hỗ trợ trong quá trình nhân rộng mô hình tại Việt Nam, như chính quyền địa phương trong quá trình hỗ trợ các hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi xác định các loại thông tin phù hợp với từng đối tượng có liên quan đến việc nhân rộng mô hình.

Đối với nông dân và HTX, đó sẽ là các thông tin liên quan tới tác động của các thực hành bền vững đối với chi phí sản xuất. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là thông tin liên quan tới thị trường tiềm năng đối với rau an toàn và chi phí vận hành mô hình chuỗi ngắn.

Chính quyền lại quan tâm đến các biến số khác, chẳng hạn như số lượng người tiêu dùng được tiếp cận tốt hơn với thực phẩm an toàn và lành mạnh thông qua mô hình và mô hình giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như thế nào?

Các bằng chứng này sau đó sẽ được chia sẻ và thảo luận với các bên. Đối với các mô hình khác trong hệ thống thực phẩm bền vững, việc nhân rộng mô hình phụ thuộc vào việc các tác nhân cùng hành động theo một định hướng nhất định.

Xin cảm ơn bà!

Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề do Rikolto chủ trì bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 'Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững'. Ảnh: Tùng Đinh.

Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề do Rikolto chủ trì bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững”. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, các hoạt động của Rikolto tập trung vào 3 chương trình toàn cầu, bao gồm: chương trình lúa gạo, chương trình Cacao và Café, và chương trình Thực phẩm An lành cho thành phố. Kinh doanh bao trùm là cốt lõi của các chương trình này. Rikolto thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu của người nông dân và người tiêu dùng.

Rikolto đảm bảo tính bền vững của các hoạt động thông qua cách tiếp cận hệ thống lương thực bền vững một cách toàn diện, thúc đẩy sự phối hợp đa bên của tất cả các tác nhân trong hệ thống lương thực.

Với mạng lưới 18 nước trên thế giới, Rikolto tự hào đang ngày càng tạo ra những đóng góp có giá trị, dựa trên những bằng chứng cụ thể trong các diễn đàn chính sách toàn cầu, như tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững”.

(thực hiện)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.