Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số vào trong canh tác nông nghiệp nói chung hay trong công tác chăn nuôi, thú y nói riêng là một xu hướng tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0
Quảng Bình là 1 trong 9 tỉnh đầu tiên trong cả nước đã tổ chức hội thảo và triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y năm 2023 này…
Cũng theo ông Hiệp, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý dịch bệnh trên cạn, trong công tác thú y và định hướng để đáp ứng sự phát triển. “Ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi và thú y tại Quảng Bình là động lực lớn cho công tác thú y ngày càng có hiệu quả”, ông Hiệp nói.
Triển khai chuyển đổi số trong công tác thú y cũng là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn đối với lực lượng thú y Quảng Bình. Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, trước đó, đơn vị đã gặp gỡ, trao đổi, nhận tư vấn của các tổ chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các tường đại học có chuyên môn sâu về chăn nuôi, thú y để có được định hướng cụ thể cho nhiệm vụ này.
“Đó là những là cơ sở quan trọng để tìm hướng đi chung cho công tác chuyển đổi số trong công tác thú y. Qua đó, góp phần đưa chăn nuôi phát triển bền vững”, ông Tám nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 428 trang trại chăn nuôi (theo quy định tại Nghị định 13/2020/NĐ-CP). Trong đó, có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 95 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Một số trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi.
Nhiều trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng biogas.
Chúng tôi cùng đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình về trang trại sản xuất gà giống tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh). Anh Trần Thanh Ngọc, chủ trang trại cho hay, hàng năm, trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 50 vạn con gà giống phục vụ cho người chăn nuôi.
Ở trang trại, các khâu chuyển thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi đều sử dụng công nghệ tự động. Lò ấp trứng cũng được tự động hoá nên tỷ lệ ấp nở thành công rất cao. Khi con giống chuẩn bị xuất chuồng đều được tiêm vắc xin, phun thuốc qua hệ thống tự động được cán bộ thú y giám sát.
“Vì vậy, con giống của chúng tôi đảm bảo sạch bệnh từ lúc xuất bán và người nuôi xuất chuồng gà thương phẩm trong thời gian 4 tháng. Nhờ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ nên việc sản xuất, chăm sóc, phòng bệnh và tiêu thụ con giống hiệu quả hơn”, anh Ngọc cho biết.
Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao với quy mô nuôi 15.000 con vịt thương phẩm tại xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Ông Thái Hòa Nam, Giám đốc Công ty An Việt chia sẻ, chúng tôi xây dựng một kho chứa thức ăn với quy mô bảo đảm cung cấp cho 15.000 con vịt thương phẩm/lứa, xây dựng hầm Biogas để xử lý phân và nước thải chăn nuôi.
Để thực hiện nuôi vịt công nghệ cao, hầu hết các khâu đều được tự động hóa. Các chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống máng ăn, máng uống tự động, có hệ thống làm mát điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của đàn vịt.
Ngoài ra, nước thải trong quá trình xịt rửa sàn, nền được thu gom về bể biogas xử lý và được tái sử dụng. Do đó, nên vịt rất khỏe mạnh, hạn chế tối đa được dịch bệnh.
Được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Sở NN-PTNT Quảng Bình nên công tác thú y đã có những chuyển biến tích cực. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản cơ bản giảm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay, chuyển đổi số đã hỗ trợ rất lớn trong nhiệm vụ quản lý thú y thời gian qua… Trong khi lực lượng thú y đang mỏng và quản lý nhiều đầu mối nên việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao đã tạo được sự giám sát chặt chẽ hơn. Thông tin cập nhật kịp thời và thông suốt. Dịch bệnh trên vật nuôi, thủy sản được phát hiện kịp thời, bao vây khống chế nên đã hạn chế thiệt hại cho người dân.