Xuất thân từ vùng quê, anh Ngô Thùy Linh (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) luôn trăn trở để thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững ngay trên vùng đất sỏi đá của quê hương mình. Năm 2016, anh khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc hương, nhưng do thiếu kinh nghiệm và ảnh hưởng của thời tiết nên đã không thành công.
Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh Linh lại tìm tòi, học hỏi những mô hình chăn nuôi trong vùng và đi đến quyết định theo hướng phát triển chăn nuôi tổng hợp. Trên diện tích 5.000m2, anh bắt tay xây dựng chuồng trại nuôi gà. Trong quá trình nuôi, anh luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Với những lứa gà đầu tiên thành công. Dần dần qua mỗi năm, anh Linh tiếp tục tăng trưởng đàn gà nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc. Đến nay, đàn gà của gia đình anh luôn đạt ở mức thả nuôi khoảng 1.000 con/lứa và cho thu nhập cao.
Để chủ động trong khâu tuyển chọn giống gà con, anh Linh đã học kinh nghiệm và mở rộng sang việc nuôi gà mái đẻ trứng . Sau đó, anh tuyển chọn trứng cho vào lồng ấp để nở gà con. Ngoài việc để con giống lại nuôi gà thương phẩm thì gia đình cũng cung ứng cho bà con có nhu cầu nuôi gà. Từ bán gà giống cũng mang lại nguồn thu khá ổn định cho gia đình.
Khi mô hình chăn nuôi gà dần ổn định, anh mạnh dạn trồng và nuôi thử các loại cây, con khác. Nhận thấy tiềm năng đất đồi, anh Linh lại nảy ra ý định phát triển nuôi thêm đàn dê. Để thử nghiệm, ban đầu, anh mua về 5 con dê giống về nuôi.
“Tôi đã đi tham quan và học hỏi từ một vài mô hình nên thấy dê là đối tượng tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, có đầu ra và giá cả ổn định”- anh Linh cho hay.
Nhờ sẵn nguồn thức ăn cùng với sự chăm sóc chu đáo nên đàn dê phát triển tốt. Qua hàng năm, đàn dê sinh sản đều và anh giữ lại nuôi để đảm bảo số lượng tổng đàn. Khi số lượng đàn dê tăng nhanh thì anh lại xuất bán dê thương phẩm. Mỗi năm, anh bán ra thị trường từ 20-25 con dê thịt, cho thu nhập từ 65-70 triệu đồng.
Với quyết tâm “vượt khó làm giàu”, năm 2019, anh Linh đã mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Anh bắt tay vào nuôi thêm lợn, bồ câu, bò và trồng thêm đậu, ngô, rau màu các loại để tăng thu nhập và làm thức ăn cho vật nuôi.
Phát triển nhiều loại vật nuôi là càng nhiều vất vả và thách thức, nhưng anh Linh đã nỗ lực không ngừng để vượt lên. Có những thất bại nhưng cho anh bài học kinh nghiệm. Vì vậy, sau gần 7 năm làm nông nghiệp, anh đã biến vùng đất khô cằn thành trang trại khá trù phú với cây cối tốt tươi, từng đàn lợn, đàn gà, dê…đang sinh sôi.
“Đến nay, trang trại của gia đình tôi đã có hơn 1.000 con gà thương phẩm, 70 cặp bồ câu, 35 con dê, 4 con bò và hơn 40 con lợn. Gia đình có các sản phẩm bán ra thị trường quanh năm và nguồn thu nhập ổn định”: anh Linh cho hay.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, anh Linh dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, anh cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Nhờ vậy, những năm qua, các loài vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định, cho doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. “Tôi thấy mô hình chăn nuôi tổng hợp rất phù hợp với vùng quê. Nhờ đó mà thu nhập mỗi năm của gia đình tôi cũng được khoảng 300 triệu đồng”, anh Linh bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay, chính quyền địa phương rất quan tâm và hỗ trợ mọi mặt cho người dân phát triển kinh tế gia đình. Trong đó luôn chú trọng khuyến khích các mô hình phát triển chăn nuôi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trên địa bàn của xã cũng đã có nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi tổng hợp và có hiệu quả cao ổn định. Qua các mô hình này đã giúp cho người dân từng bước giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.