| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ tại Nghệ An: Hàng loạt nhà hàng tố huyện 'chây ỳ' tiền tiếp khách nhiều tỷ đồng!

Thứ Tư 06/03/2019 , 14:30 (GMT+7)

Tương Dương (Nghệ An) nằm trong danh sách các huyện nghèo của cả nước với tổng thu ngân sách hàng năm hết sức khiêm tốn. Dù vậy, thiếu thốn đến mức “quỵt nợ” cả kinh phí “ăn uống, tiếp khách” của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn suốt năm này sang năm khác thì quả là chuyện xưa nay hiếm…

14-25-32_1
Chủ Nhà hàng Lễ Quế khẳng định UBND huyện còn nợ số tiền khoảng 700 triệu đồng

Theo phản ánh của các chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), nhiều năm nay Văn phòng UBND huyện vẫn duy trì thói quen “ghi sổ” sau những buổi liên hoan, hội hè. Vì nhiều nguyên do khác nhau, ban đầu các hộ chỉ tiến hành nhắc khéo, mãi về sau không thấy “khách hàng” đả động gì thì các đơn vị mới bán tín bán nghi, lo ngại đến viễn cảnh xấu nhất có thể xảy đến.

Sự việc kéo dài mải miết nhưng không được “giải ngân” kịp thời khiến nợ đọng ngày càng tăng nhanh. Qua tìm hiểu hộ nào ít trên dưới trăm triệu đồng, hộ nhiều gấp vài lần con số đó, tổng tiền nợ có thể lên đến hàng tỷ đồng (?!).

Không giấu nổi vẻ thất vọng, chủ nhà hàng V.P, một trong những “đối tác” quen mặt của Văn phòng UBND huyện Tương Dương bộc bạch: “Sự việc diễn ra đã lâu, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến nhưng không được giải quyết dứt điểm. Sau khi huyện thành lập Đoàn thanh tra nắm bắt tình hình mới có động thái vào cuộc, dù vậy đến nay họ mới thanh toán được 50 triệu đồng…”.

Phía nhà hàng V.P xác nhận khoản nợ rơi vào khoảng 250 triệu đồng, họ mong muốn địa phương sớm có phương án chi để ổn định tâm lý, chuyên tâm tập trung kinh doanh, buôn bán.

Trong số các nạn nhân, đau nhất phải kể đến trường hợp của bà Nguyễn Thị Quế - chủ Nhà hàng Lễ Quế. Bà nguyên là cán bộ văn phòng phục vụ tại UBND huyện Tương Dương ngót nghét 20 năm, từ 1996 - 2015.

14-25-32_2
Bà Nguyễn Thị Quế thất vọng với cách xử lý của huyện Tương Dương

Ngẫm lại bà Quế chua xót: “Mình tận tâm phục vụ hết mực để rồi nhận được kết quả như thế này đây. Thời điểm đó, với chức trách nhiệm vụ được giao, cấp trên chỉ đạo như thế nào, bảo lên thực đơn ra sao thì mình làm theo như thế. Ai ngờ đâu cớ sự lại ra nông nổi này”.

Chia sẻ với PV NNVN, bà Quế cho biết thêm, thời điểm trước khi nghỉ hưu đã tiến hành bàn giao toàn bộ chứng từ liên quan đến quá trình “ăn uống, tiếp khách” suốt nhiều năm của đơn vị cho kế toán (ông Nguyễn Văn Tỵ - đã nghỉ chế độ) làm tài liệu đối chiếu công nợ. Những tưởng sẽ sớm được cơ quan tạo điều kiện xử lý êm thấm, nào ngờ đổi lại là sự lặng im đến khó hiểu.

Bỗng dưng đóng vai “con nợ” bất đắc dĩ khiến bà Quế hết sức hoang mang. Để sự việc không đi quá xa, bà đã chủ động làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp, ngành chức năng. Trước tình hình trên, tháng 7/2018 UBND huyện Tương Dương có động thái phản hồi bằng cách chỉ đạo Đoàn thanh tra vào cuộc xác minh:

“Thời điểm tôi kịch liệt phản đối thì cán bộ Đoàn thanh tra hứa hẹn sẽ sớm có phương án giải quyết thấu đáo, đến khi sự việc lắng xuống lại kiếm cớ nhằm chối bỏ trách nhiệm. Sự việc rõ rành rành, họ không thể lấp liếm cho qua, bản thân tôi cũng không thể tự trang trải kinh phí cá nhân để chữa cháy vô lý như thế này được”, bà Quế bức xúc.

Người trong cuộc quả quyết, tổng kinh phí liên quan đến “cơm nước tiếp khách” trong quãng thời gian làm việc tại UBND huyện không dưới 1 tỷ 400 triệu, sau rất nhiều lần cân đo đong đếm địa phương mới hoàn trả được khoảng phân nửa.

Những gì đang diễn ra tại huyện Tương Dương khiến dư luận hết sức bất bình, nghiêm trọng hơn là dần đánh mất niềm tin nơi các hộ có liên quan. Nhất thiết, chính quyền sở tại cùng các đơn vị liên quan cần sớm có phương án giải quyết thấu đáo để tránh những hệ lụy không đáng có.

Trong sổ lưu, bà Quế ghi rất chi tiết các cuộc tiếp khách, cơm nước của huyện

 

Xem thêm
Thủ tướng: Lạng Sơn cần đi đầu trong triển khai cửa khẩu thông minh

Kiểm tra thực địa tại cửa khẩu Hữu Nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Lạng Sơn cần đi đầu trong triển khai cửa khẩu thông minh với phía Trung Quốc.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.