| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 2] Khách đến đông nhưng 'chả được bao nhiêu'

Thứ Ba 23/04/2024 , 07:30 (GMT+7)

Tôi tiến lại hỏi một người hái chè trên đồi Long Cốc: 'Khách du lịch đông các chị có được lợi gì không?'. Chị trả lời rằng: 'Chỉ được cái tốt chè thôi chú ạ'.

Du lịch chưa gắn với sinh kế của người dân

Buổi sáng hôm đó, tôi lên đồi Bông -ngọn đồi cao nổi tiếng ở Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ) để ngắm nhìn cả chục quả đồi bát úp khác thấp hơn phía dưới đang được quấn ngang một tấm khăn voan mỏng manh, trong trắng là lớp sương mù. Để đắm chìm trong không gian huyền ảo với hàng chục loài chim đang líu lo trên vòm lá. Những người hái chè sớm đi lại nhẹ nhàng giữa các hàng chè trong lớp sương mù huyền ảo ấy. Chị hái chè mà tôi gặp thủng thẳng giải thích, ở Long Cốc không bán vé lên đồi chè mà khách tự do vào ra nên những người trồng chè cũng chẳng được lợi gì từ du lịch cả, có chăng là “lãi” mỗi tí nước tiểu giúp cho cây trồng thêm tốt tươi nhưng “lỗ” ở chỗ rác thải lại vứt lung tung.

Mang câu chuyện đó trở về nói với Hà Văn Luận chủ homestay Tony Luận, anh cười mà rằng ngay cả các gia đình làm homestay cũng chưa thu được mấy từ hoạt động du lịch chứ không nói đến người dân: “Hiện tại 10 khách đến Long Cốc thì có 8 khách là nnhững người đi săn ảnh. Họ cần lưu trú ở homestay để buổi chiều chụp hoàng hôn, buổi sáng chụp bình minh.

Đi chăm sóc chè ở Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi chăm sóc chè ở Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa đẹp nhất ở đây là từ tháng 9 đến tháng 12, lúc có nhiều sương mây, còn mỗi tháng khác trong năm đều có một vẻ đẹp riêng. Mùa hè, ngày có mặt trời, ráng trời, chè xanh, lúa xanh hay đến cuối vụ chụp lúa chín vàng, tối có trăng, sao chụp dải ngân hà hoặc sao quay. Mùa thu, mùa đông chụp sương mây. Mùa xuân mưa phùn, trời âm u khó chụp ảnh nên khách ít lên.

Chúng em đang kiếm tiền từ khách chụp ảnh nhưng sau này khách du lịch mới là tiềm năng bởi họ ăn tiêu, mua sản phẩm nhiều. Khách du lịch thường rủ bạn bè và gia đình đi theo, khi mình đáp ứng được nhu cầu thì họ mới ở lại chứ họ mà đòi về thì chắc chắn không quay lại.

Khách đến Long Cốc thường hỏi hai câu: “Ở đây có dịch vụ gì vui chơi, giải trí vào buổi tối không? Có hoạt động gì cho trẻ em không? Em lắc đầu. Không giống như những chỗ khác kiểu phố cổ Đồng Văn ở Hà Giang ấy có rất nhiều hoạt động về đêm nhưng ở đây chưa có, ban ngày chỉ leo lên leo xuống mấy đồi chè thành ra nhanh chán. Khách du lịch không phải đến để săn ảnh, không thể dậy từ 3-4 giờ sáng để lên đồi chè chụp hình mà 7-8 giờ mới lên thì trời đã bốc mù, cảnh không còn được đẹp nữa. Bảo họ ở hai ngày thì ngày tiếp theo biết chơi cái gì, lại sáng lên đồi chè, chiều lên đồi chè thì chắc chắn không ai đi nữa rồi”.

Hái chè ở Long Cốc. Ảnh: Tony Luận.

Hái chè ở Long Cốc. Ảnh: Tony Luận.

"Khách đến muốn chụp ảnh người già với quần áo dân tộc, chụp xôi ngũ sắc với nhà sàn có bếp lửa ở giữa phải đi nơi khác bởi khu Bông 1 có hơn 120 hộ dân tộc Mường nhưng cũng chẳng còn cái nhà sàn cổ nào", bà Đào Thị Tâm - mẹ của chủ homestay Tony Luận cho hay.

Nỗi niềm của lãnh đạo xã

Long Cốc có diện tích tự nhiên 2.437 ha, dân số 3.800 khẩu chiếm 93% là dân tộc Mường, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 13%, cận nghèo 8%. Tôi hỏi ông Hà Văn Nhạt-Chủ tịch UBND xã rằng rất nhiều người trong cả nước biết đến vẻ đẹp huyền ảo của những đồi chè Long Cốc nhưng tại sao trong báo cáo kinh tế xã hội của xã năm 2023 lại không có thống kê doanh thu về du lịch mà chỉ có diện tích chè 694 ha, sản lượng búp tươi 10.457 tấn, giá trị đạt 41,8 tỷ đồng?

Ông Nhạt giải thích, xã mới chỉ phát triển du lịch từ năm 2019 thì gặp đúng dịch Covid nên việc phát triển vẫn còn nhiều hạn chế. Tổng doanh thu từ 5 homestay trên địa bàn ước khoảng 500-700 triệu/năm. Ngoài ra các quán ăn, nhà hàng phục vụ cho du lịch khoảng 300-400 triệu/năm nữa. Hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của những đồi chè rất đẹp ở đây. Đường sá đi lại ở Long Cốc hiện tương đối thuận tiện. Vừa rồi đã hoàn thành tuyến đường kết nối xã với Vườn quốc gia Xuân Sơn, còn tuyến kết nối xã lên huyện Tân Sơn đang ở các hạng mục cuối cùng, tuyến kết nối với huyện Thanh Sơn chỉ còn một đoạn nữa là xong.

Ông Hà Văn Nhạt- Chủ tịch UBND xã Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hà Văn Nhạt- Chủ tịch UBND xã Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để thúc đẩy du lịch phát triển thì xã đang thiếu những gì? Tôi hỏi tiếp. Ông Nhạt trả lời, đối với Long Cốc dù đã có quy hoạch du lịch nhưng mặt bằng để bố trí các công trình vui chơi giải trí lại chưa có bởi liên quan đến rất nhiều thứ như đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Như công ty du lịch Long Cốc vào địa phương đã 4 năm mà vẫn chưa làm xong các thủ tục về đất đai.

Xã chưa có nhà đầu tư lớn nào mang tính chiến lược và bài bản. Diện tích đất tự nhiên của Long Cốc không quá rộng, nhà ở của người dân cũng thế. Các hộ gia đình phát triển homestay một cách tự phát, kinh phí của địa phương còn khó khăn nên chưa đầu tư được nội dung nào để hỗ trợ. Bởi thế, sản phẩm du lịch còn sơ sài, thiếu hấp dẫn, chưa có cách “giữ chân” được du khách.

Chủ khách cùng giao lưu tại homestay Tony Luận. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chủ khách cùng giao lưu tại homestay Tony Luận. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Chúng tôi kiến nghị tỉnh và huyện có dự án hoặc chương trình mang tính chiến lược về du lịch, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, làm đến nơi đến chốn, có khu vui chơi, giải trí, sinh thái để tạo bước đệm cho xã đi lên. Chứ nếu cứ nhỏ lẻ, hôm nay một nhà làm, ngày mai một nhà làm thì dễ phá vỡ đi hệ sinh thái…

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ mới có nội dung liên quan đến văn hóa, văn nghệ giúp địa phương có thêm ít màu sắc trong du lịch. Dù hơn 93% dân số là người Mường nhưng hầu như cả xã đã phá hết nhà sàn, chuyển sang ở nhà xây. Sau khi đồi chè Long Cốc nổi tiếng người dân mới nghĩ đến việc làm du lịch, quay lại thì đã mất hết nhà sàn. Bây giờ các homestay một là làm mới, hai là mua nhà sàn từ nơi khác về. Lúa nương từng là bản sắc ở đây cũng đã chuyển sang trồng chè hết, muốn làm lại thì không có quỹ đất”, ông Nhạt nói.

Một điều mà ông Nhạt lo lắng nhất là những địa điểm nổi tiếng về đồi chè đẹp, check- in đẹp lại thuộc về doanh nghiệp là công ty chè Phú Đa chứ không phải của dân gồm đồi Móng Ngựa, đồi Bông và đồi Măng Giang, chính quyền xã không thể can thiệp gì vào được. Như đường lên các đồi chè hiện đang rất xấu, trên đồi chè thì không được đầu tư nhà vệ sinh, không được đầu tư chỗ thu gom rác, không được dựng quán xá gì kể cả là tạm. Cảnh thì thuộc Long Cốc nhưng xã lại không thể có quyền. Công ty chè Phú Đa lại có yếu tố nước ngoài, liên doanh với Iraq nên lại càng khó. Doanh nghiệp họ chỉ kinh doanh chè chứ không quan tâm đến kinh doanh du lịch.

Những đồi chè ở Long Cốc. Ảnh: Tony Luận.

Những đồi chè ở Long Cốc. Ảnh: Tony Luận.

“Xã có diện tích đất tự nhiên 2.437ha nhưng gần 1.000ha thuộc về Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, gần 300ha thuộc về Công ty chè Phú Đa. Chúng tôi có văn bản đề xuất với huyện, tỉnh và trên là thu hồi 300ha có thác chín tầng thuộc về Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài; đề nghị Công ty chè Phú Đa phối hợp tạo điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng về du lịch nhưng hai ba lần đều không được. Thác chín tầng ngày xưa đẹp lắm nhưng giờ do Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài trồng rừng sản xuất cứ 7 năm lại khai thác một lần nên cạn kiệt nước, hễ trồng lại, cây lớn có nước cái lại khai thác tiếp”.

Còn anh Hà Văn Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Long Cốc thì bảo cán bộ xã cũng trăn trở lắm bởi quê hương có cảnh quan đẹp như thế thì du lịch phải làm tốt hơn hoặc ít nhất tương đương với các địa phương khác chứ. Long Cốc đang hướng đến việc thành lập một hợp tác xã du lịch cộng đồng, gắn kết các hộ homestay và du lịch vào đó để điều hành, quản lý sao cho đồng nhất, cho quy mô. Hơn thế, khách đến đây có nhiều người đòi hỏi phải có hóa đơn, mà homestay không thể có nên phải thành lập hợp tác xã...

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm