
Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo tham vấn định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì. Ảnh: Tùng Đinh.
Sáng 20/2, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030. Sự kiện do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì với sự tham dự của nhiều nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng nông thôn hiện đại
Đóng góp tham luận, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới đối với phát triển nông thôn. Xây dựng chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2026-2030 cần phát huy những thành quả đạt được với cách làm phù hợp trong bối cảnh mới.
Với định hướng đó, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra một số mục tiêu của nông thôn giai đoạn 2030. Đầu tiên là kinh tế nông thôn phát triển, đưa thu nhập của cư dân nông thôn tiến sát thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
“Khi đó, điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn sẽ không thua kém khu vực thành thị”, ông Cao Đức Phát chia sẻ.
Bên cạnh đó là những mục tiêu về duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì an ninh trật tự ổn định, môi trường xanh, sạch đẹp và cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như đời sống hiện đại.

Trong giai đoạn sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng nông thôn hiện đại. Ảnh: Tùng Đinh.
Để thực hiện những mục tiêu này, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất đặt tên gọi là “Chương trình xây dựng nông thôn hiện đại”. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đủ sức tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị.
Một vấn đề trọng tâm nữa là bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu. Song song đó, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống hiện đại gắn với đô thị hóa.
Cách tiếp cận mà ông Cao Đức Phát đưa ra là ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để các xã còn lại đạt tiêu chí nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.
“Quy hoạch, định hướng, hỗ trợ phù xây dựng nông thôn hiện đại ở các vùng thuần nông trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Kết hợp giữa sự hỗ trợ của Nhà nước với thu hút đầu tư tư nhân và phong trào quần chúng”, nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất thêm.
Nông thôn mới là tri thức, là kết nối
Tham dự và có bài phát biểu với hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn sắp tới không chỉ là một chương trình mục tiêu quốc gia mà còn là cuộc chuyển mình sâu sắc của nền nông nghiệp, của người dân nông thôn.
“Sau gần 15 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những thành tựu đáng tự hào về hạ tầng nhưng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở đó”, ông nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, sự phát triển của nông thôn cần được đánh giá bằng sự thay đổi trong tư duy, bằng chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc của người dân: “Nông thôn mới không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là tri thức và kết nối”.
Ông cho rằng, nếu trước đây nông thôn phát triển bằng hạ tầng thì trong giai đoạn sắp tới, nông thôn sẽ phát triển bằng tri thức, bằng kết nối và bằng nền kinh tế nông nghiệp bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề xuất một số giải pháp để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới. Ảnh: Tùng Đinh.
Cụ thể hóa những mục tiêu này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu ra 6 nhóm giải pháp. Đầu tiên là xây dựng cộng đồng nông thôn tri thức, đưa tri thức về làng. Theo ông, tri thức là nguồn lực mạnh mẽ nhất để thay đổi một cộng đồng và muốn nông thôn phát triển bền vững, chúng ta cần một cộng đồng tri thức.
Khi đó, người dân không chỉ sản xuất dựa vào kinh nghiệm truyền thống mà còn có thể tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới và tư duy mới. Người dân cần được tiếp cận tri thức, không chỉ về kỹ thuật nông nghiệp mà còn những câu chuyện về khởi nghiệp, những bài học về thị trường về kinh tế.
Thứ hai là phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Cụ thể là kết hợp giữa các nghệ nhân truyền thống với công nghệ mới để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, phát triển du lịch làng nghề để các sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trong hiện tại và tương lai.
Giải pháp thứ ba là thúc đẩy du lịch nông nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nông thôn Việt Nam có thể trở thành những điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, làng nghề và cuộc sống. Do đó, cần thúc đẩy du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để người dân không chỉ làm nông nghiệp mà còn có thể khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan nông thôn.
Thứ tư là phát triển kinh tế trang trại theo hướng hiện đại, bền vững, áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời tăng cường liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Thứ năm là xây dựng nông thôn đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nông thôn mới không có nghĩa là đô thị hóa bằng máy móc, cần giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhưng cũng cần đưa những thành tựu công nghệ về nông thôn để người dân không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Và thứ sáu là hành động để nông thôn có môi trường sống trong lành, có văn hóa kết nối với các hoạt động sinh hoạt tinh thần phong phú. “Để nông thôn thực sự trở thành nơi đáng sống, chứ không chỉ là nơi để sinh tồn”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục lắng nghe, xin ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho rằng, trong giai đoạn 2026-2030 sẽ khác giai đoạn trước với những đòi hỏi cao hơn và đặt ra yêu cầu làm sao để Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải là thúc đẩy các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác.
"Bộ sẽ định hướng khung chương trình và tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về việc này", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Thu nhập của người dân tăng cao
Tại hội thảo, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, giai đoạn 2021-2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển nông thôn Việt Nam, với những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Trên cả nước, hơn 78% số xã đạt chuẩn NTM, vượt xa các giai đoạn trước. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ với hơn 60.000km đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, giúp kết nối các vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hơn 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước sạch và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa tiếp tục được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%, trong khi hệ thống cung cấp nước sạch đã tiếp cận hơn 95% dân số nông thôn. Chất lượng giáo dục và y tế cũng được nâng cao, với hơn 90% số trường học đạt chuẩn quốc gia và 85% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên.
Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng lên đáng kể, đạt mức trên 55 triệu đồng/năm, tăng gần 1,5 lần so với năm 2020. Đặc biệt, các khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ vào các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, với hơn 15.500 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, tạo ra giá trị kinh tế cao và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, hơn 50% sản phẩm OCOP được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân.