| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài cuối] Cần nhìn nhận đúng giá trị của rừng Xuân Sơn

Thứ Sáu 26/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

TS Ngô Kiều Oanh, chuyên gia về du lịch nông nghiệp chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về câu chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ.

Những trăn trở không biết ngỏ cùng ai

Cách đây 2 năm tôi có được mời tham gia một đoàn farmtrip gồm hơn 30 thành viên là đại diện các hãng lữ hành, các công ty truyền thông, nhiếp ảnh gia, chuyên gia du lịch cộng đồng trong cả nước tới khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Xuân Sơn do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Khi tôi đến bản Dù, bản Lạng, bản Cỏi-  những bản làng nằm giữa rừng già ở xã Xuân Sơn thuộc Vườn quốc gia Xuân Sơn thấy suối thì bẩn, cảnh thì nhếch nhác, còn nhà cửa thì khá lộn xộn về mặt kiến trúc, không có tính chất của du lịch cộng đồng đúng nghĩa là phải có bản sắc, có ban điều hành do cộng đồng bầu ra.

Đường vào Vườn quốc gia Xuân Sơn thì xấu và nhỏ, không xứng tầm quốc gia. Tôi nghe nói là vườn này thuộc tỉnh quản lý nhưng dù gì đi chăng nữa đã gọi là vườn quốc gia thì phải đúng tầm quốc gia thể hiện qua cơ sở hạ tầng, qua các hoạt động, qua du lịch.

Vườn quốc gia phải là điểm hạt nhân, nổi trội bởi đó là nơi cổng vào của cả một khu vực, từ đó lan tỏa ra các bản làng kiến thức tự hào về sinh thái, kiến thức về sinh kế dưới tán rừng. Vườn quốc gia phải như một ban điều hành làm nhiệm vụ phân bổ khách du lịch cho các bản làng, phải tổ chức cộng đồng tham gia vào các hoạt động vì người dân các bản làng này sống ngay trong lõi của rừng.

TS Ngô Kiều Oanh (đội mũ trắng) cùng đoàn farmtrip khảo sát du lịch Xuân Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Ngô Kiều Oanh (đội mũ trắng) cùng đoàn farmtrip khảo sát du lịch Xuân Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Như bản Cỏi và đặc biệt là bản Dù người dân đã bê tông hóa nhà cửa rất nhiều, mất đi bản sắc trong khi các ông chủ, bà chủ đầu tư làm homestay, làm nhà hàng thì mong chờ có khách du lịch đến. Không cẩn thận bản Dù lại giống như một thị trấn trong Vườn quốc gia vì tôi nghe nói chuyện về quy hoạch một khu tái định cư ở đây mà người dân chỉ thích làm nhà xây chứ không thích làm nhà sàn. Nếu cứ tha hồ xây dựng như thế sẽ phá tan nát cảnh quan rừng, nhất là ở vùng lõi vườn quốc gia. Doanh nghiệp Xuân Trường vào Vườn quốc gia Xuân Sơn định đầu tư du lịch rồi cũng đã bỏ cuộc. Nói chung phát triển du lịch ở đây chưa xứng tầm với tiềm năng.

Người ta biết đến Phú Thọ qua lễ hội đền Hùng. Vùng rừng núi Xuân Sơn có thể ví chính là "mô hình kinh tế VAC" của vua Hùng, là nơi cung cấp những sản vật gắn với truyền thuyết vua Hùng kén rể là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Toàn là sản vật ở rừng chứ không phải ở đồng bằng mà gà chín cựa chính là vật có thật, bước ra từ truyền thuyết. Trồng cây dược liệu và nuôi gà chín cựa chính là một gợi ý của tôi cho Xuân Sơn.

Tôi thực sự tiếc nuối cho Xuân Sơn, nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho triều đình với những sản vật tinh hoa như bánh chưng, bánh dày, gà chín cựa mà ngày nay lại không có quy hoạch bài bản cho phát triển du lịch. Vùng này quy hoạch phải ngang tầm với đền Hùng, phải được đầu tư, cải thiện về giao thông.

Từ cổng Vườn quốc gia Xuân Sơn vào nên cho khách du lịch đi xe điện để bảo vệ sinh thái. Vườn quốc gia Xuân Sơn phải là trung tâm điều hành về du lịch, phải tiến tới bán vé như Vườn quốc gia Ba Vì. Nếu làm được quy hoạch như thế thì không thiếu nhà đầu tư muốn vào.

Khảo sát cách in hoa văn của đồng bào dân tộc Dao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khảo sát cách in hoa văn của đồng bào dân tộc Dao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau chuyến đi hai ngày đó tôi còn đi hai chuyến nữa đến huyện Tân Sơn, đến cả đồi chè Long Cốc và khá thất vọng. Bài toán phát triển du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn nằm trong tay lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nhưng tiếc là tôi không gặp được họ để bày tỏ ý kiến. Tôi tiếc cho du lịch Xuân Sơn lắm vì quãng đường từ Hà Nội lên đó quá gần, có thể làm du lịch được ngay vì đầy đủ điều kiện để bùng lên thành vùng du lịch nổi tiếng bởi sẵn có danh tiếng đền Hùng, sẵn có thương hiệu vua Hùng, sẵn có mảnh đất cội nguồn đất Tổ của dân tộc. Không ai nhìn nhận được giá trị đích thực của Xuân Sơn. Ngày nay người ta làm du lịch chỉ thấy cần xây dựng cái vỏ mà không thấy được cái hồn, cái cốt.

Điểm mạnh của Xuân Sơn là cộng đồng hai dân tộc Dao và Mường, đích thực là chủ nhân của hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, quý giá bao đời nay đã gìn giữ nguyên vẹn, cần tôn vinh trân trọng giá trị cốt lõi này. Sản vật mâm kén rể của vua Hùng đã minh chứng điều trên.

Xuân Sơn chắc chắn trong lịch sử là hậu phương vững chắc cho kinh thành Bạch Hạc. Khi thay đổi cách nhìn nhận thì hạ tầng cứng và mềm mới có nguồn lực đầu tư. Rất tiếc 2 ngày đoàn farmtrip gồm hơn 30 thành viên là đại diện các hãng lữ hành, các công ty truyền thông, nhiếp ảnh gia trong cả nước tới khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Xuân Sơn do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức lại không có lãnh đạo địa phương tham gia. Bởi thế mà những điều mà tôi trăn trở đã không biết nói với ai.

Bản Cỏi đang bị đô thị hóa một cách rất lộn xộn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bản Cỏi đang bị đô thị hóa một cách rất lộn xộn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Doanh nghiệp vào đầu tư chứ không phải đi chiếm đất

Tác giả Anne de Jong cho rằng, du lịch cộng đồng là sản phẩm mà cộng đồng địa phương mời khách du lịch vào để thưởng lãm, trải nghiệm các hoạt động văn hóa bản địa và cuộc sống diễn ra sinh động hàng ngày. Theo tôi, du lịch cộng đồng có 3 thuộc tính: cộng đồng, bình đẳng và bền vững. Nhiều doanh nghiệp kêu la ầm lên rằng không có đất để xây dựng chỗ lưu trú, chỗ vui chơi nên khó phát triển du lịch cộng đồng là sai bởi đó không phải là một cuộc đi chiếm đất. Tất cả những thứ để phát triển du lịch cộng đồng đều đã có sẵn hết rồi. Nếu tìm ra được đúng địa chỉ doanh nghiệp vào đầu tư cần kết hợp với dân làng để nâng đỡ họ trên sự tận dụng những thứ đã có sẵn.

Tỉnh nào cũng kêu cần chính sách đất đai cho các nhà đầu tư vào du lịch cộng đồng vào là điều không đúng. Chúng ta chỉ nên đón chào các nhà đầu tư biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Không cần chiếm đất nhiều, doanh nghiệp vào chỉ cần làm một trung tâm điều hành nối kết với cộng đồng, hiểu tài nguyên bản địa để sử dụng, vận dụng chính sách cho dân trên cơ sở xem họ thiếu gì thì hỗ trợ.

Homestay Quỳnh Nga ở bản Dù. Ảnh: Dương Đình Tường.

Homestay Quỳnh Nga ở bản Dù. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xây dựng du lịch cộng đồng đúng nghĩa bài bàn khá công phu và tốn thời gian nữa. Đâu phải cứ ập vào xây dựng các homestay như nhà nghỉ là được gọi là du lịch cộng đồng. Phải quy hoạch nông thôn thành 3 không gian: Không gian thương mại dịch vụ, không gian cư trú và không gian sản xuất. Với những nơi mới ở bước đầu cần phải bám vào 3 không gian đó, tránh các bài học đau lòng đã và đang xảy ra, khi các địa phương không có sự chuẩn bị sẵn sàng, để phong trào phát triển trang trại, xây dựng homestay diễn ra ồ ạt rồi không được cấp phép nên đầu tư dở chừng dẫn đến lãng phí tiền bạc, đất đai, niềm tin và công sức của dân, cùng sự lúng túng của các cấp chính quyền để xử lý.

Với diện tích hơn 15.000 ha, Vườn quốc gia Xuân Sơn xếp thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được ví là “lá phổi xanh,” với 3 đỉnh núi cao trên 1.000m là núi Ten, núi Cẩn, núi Voi với hàng trăm cái hang, con suối, thác, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của Phú Thọ

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lai Châu giảm diện tích trồng hoa hồng vì lo ngại ô nhiễm nguồn nước

Diện tích trồng hoa hồng gần địa bàn thành phố Lai Châu đã giảm mạnh sau khi chính quyền địa phương siết chặt quản lý.