| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 4] Di chứng của doanh nghiệp tạm ngưng dự án

Thứ Năm 25/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hai ngôi nhà sàn với những cột gỗ to hơn người ôm trị giá nhiều tỷ đồng suốt ngày khóa cửa là những gì còn lại của doanh nghiệp Xuân Trường ở rừng Xuân Sơn.

Chỉ còn trơ lại hai ngôi nhà sàn giữa rừng

Cách đây hơn 10 năm ý tưởng thực hiện dự án khu du lịch Xuân Sơn - Đền Hùng do doanh nghiệp Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Nay những gì còn sót lại chỉ là hai ngôi nhà sàn được giao tạm cho Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Du lịch thuộc Vườn quốc gia Xuân Sơn quản lý nhưng suốt ngày khóa cửa.

Gọi điện thoại mãi, anh Nguyễn Văn Tâm- cán bộ trung tâm mới hẹn sáng mai sẽ đến. Anh kể, doanh nghiệp Xuân Trường chọn 9 giờ ngày 9/9/2009 để động thổ làm đường, kéo điện vào bản Lấp, Cỏi, làm hai ngôi nhà sàn và đường vào hang Lấp, hang Thổ Thần, hang Na, đường lên núi để xây chùa nhưng rồi chẳng biết vì sao lại bỏ nửa chừng. Hồi ấy cũng chưa có mấy khách du lịch đến Xuân Sơn. Mãi quãng năm 2017, 2018 khi có nhiều khách du lịch tự phát đến, thấy bất cập là rác bừa bãi, ô nhiễm tiếng ồn, xe cộ lộn xộn nên Vườn quốc gia Xuân Sơn mới đề xuất với Sở NN-PTNT cho thành lập trung tâm.

Hai ngôi nhà sàn của doanh nghiệp Xuân Trường nằm chơ vơ giữa rừng già Xuân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai ngôi nhà sàn của doanh nghiệp Xuân Trường nằm chơ vơ giữa rừng già Xuân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khó khăn về cơ chế nên từ 5 người, giờ đơn vị chỉ còn 3 người, làm được mỗi nhiệm vụ giáo dục về môi trường cho khách còn dịch vụ du lịch thì không. Trong khi các vườn quốc gia khác đang tạo nguồn thu lớn từ bán vé thì ở Vườn quốc gia Xuân Sơn việc này chưa được phép dù đã xây dựng đề án. Về du lịch cộng đồng thì đang gặp phải hạn chế chưa có tổ chức như hợp tác xã hay hội nhóm nào chỉ huy mà mạnh nhà nào nhà nấy làm, thậm chí nhà này nói xấu nhà kia để co kéo khách. Thêm vào đó nguồn vốn hạn chế, không thiết kế được cảnh quan xung quanh, một số homestay không gắn được với kiến trúc truyền thống...

Nói đến chuyện làm du lịch, không thể không kể đến ông Bàn Xuân Lâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn khi năm 2004 đã dựng lên cái nhà sàn để làm chỗ trọ cho học sinh, thu 10.000-15.000đ/tối. Dần dần ông mở rộng ra bán cả rượu ngô, gà chín cựa và làm mấy dãy nhà sàn cả dạng phòng cộng đồng và khép kín. Bà vợ của ông chỉ cho tôi hai dãy nhà sàn ở cộng đồng vắng ngắt người, một cái được biến thành chỗ để phơi chăn ga. Khu nhà hàng rộng lớn trị giá tiền tỉ, tầng dưới làm phòng ăn, tầng trên làm chỗ bán cà phê cũng bỏ không vì chẳng đủ tiền thuê nhân công.

Vắng khách, ngôi nhà sàn này bị biến thành chỗ phơi quần áo, chăn ga. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vắng khách, ngôi nhà sàn này bị biến thành chỗ phơi quần áo, chăn ga. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lâm cười xòa rằng: “Tôi làm trước nên lạc hậu, không bằng cánh trẻ bây giờ nên thỉnh thoáng mới có khách quen ở tỉnh, ở huyện, chủ yếu là những người nghỉ hưu. Hai vợ chồng thuê thêm hai người làm vừa nấu rượu, nuôi lợn, gà vừa làm bếp, khi nào có đông khách mới thuê thêm ngoài. Các con chẳng muốn về làm với bố mẹ bởi thu nhập nhập ít, mỗi năm chỉ được khoảng 70-80 triệu đồng thôi...

Ngay xóm tôi, người ta toàn đổ mái bằng hay xây nhà tầng khiến cảnh quan rất xấu. Chỗ tái định cư cho 60-70 hộ dân bị sạt lở ở các xóm, gần ngay UBND xã, tỉnh muốn định hướng cho dân xây nhà sàn bê tông giả gỗ để làm du lịch nhưng Nhà nước không có tiền cho dân nên không bảo được. Tôi khuyên dân rằng đừng làm nhà tầng mà làm nhà sàn, dành ra vài phòng để mỗi năm có vài đoàn khách đến ở, đỡ được cho mình tiền điện, dầu, muối. Nhưng người ta không nghĩ thế bởi giờ đi làm thuê cũng dễ, kiếm mỗi ngày 300-400.000 đ mà không phải đầu tư gì”.

Homestay Xuân Sơn ở bản Lấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Homestay Xuân Sơn ở bản Lấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Du lịch giữa tiếng chó sủa và chất thải bừa bãi 

Tôi nói chuyện với anh Phùng Đức Thủy chủ homestay Xuân Sơn ở bản Lấp trong tiếng sủa váng đầu của vài chục con chó cùng tiếng quàng quạc, quang quác của hàng trăm con gà, vịt do một nhà hàng xóm nuôi, mùi chất thải, nước thải bốc lên nồng nặc. Hàng xóm anh Thủy là ông Hà Văn Uồm còn không dám ăn cơm trên nhà sàn mà ăn ở xó bếp cho đỡ mùi, đêm không ngủ được vì tiếng của đàn chó kêu rú. Ý kiến lên trên, công an xã cũng đến nói với nhà nọ ký cam kết nhưng ra về rồi thì tình trạng vẫn thế. Gần đó, dòng suối Lấp rác tấp thành đống nơi cửa cống, rác trải xanh, đỏ, tím, vàng dọc hai bên bờ vì chưa có điểm thu gom, xử lý. 

Vợ chồng anh Thủy đều là công chức. Lúc đầu họ ở trong một ngôi nhà sàn nhỏ, khi thấy có nhiều khách đến du lịch nhưng không có chỗ lưu trú mới cắm sổ đỏ cùng 2 sổ lương vay ngân hàng được 600 triệu đầu tư cái nhà sàn mới với 2 phòng khép kín, 1 phòng cộng đồng, làm thêm 4 phòng dưới đất. Anh than thở, mỗi năm chỉ có 3-4 ngày kín phòng, còn lại cứ cuối tuần vào dịp hè mới có khoảng 50% phòng có khách, doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm.

Anh Phùng Đức Thủy chỉ cho tôi rác thải bừa bãi ở suối Lấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phùng Đức Thủy chỉ cho tôi rác thải bừa bãi ở suối Lấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sẵn suối Lấp, thác Ngọc, hang Na, hang Thổ Thần nhưng các hang này bị Vườn quốc gia Xuân Sơn làm cửa khóa lại để ngăn chặn khách vào đập vỡ nhũ đá hay vứt rác. Muốn dẫn khách vào thăm, phải liên hệ với cán bộ vườn mà lúc được, lúc không, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật. Dân Xuân Sơn vốn nghèo lại bị “trói” bởi cơ chế không được chuyển nhượng đất cho người ngoài nên cũng chẳng mấy ai có tiền mà đầu tư du lịch.

Vợ chồng anh Hà Văn Quỳnh chủ homestay Quỳnh Nga ở bản Dù sẵn có nếp nhà sàn rất đẹp của bố mẹ để lại nên năm 2017 nâng cấp lên mời đón khách. Đây là homestay hiện đông khách nhất của xã Xuân Sơn với doanh thu 200 triệu đồng/năm nhưng không phải không gặp những khó khăn: “Có mấy cái hang đẹp thì phải liên hệ với Vườn quốc gia để mở cửa vào nhưng có lúc cũng khó khăn; có mấy cái thác, bãi tắm thì khách cùng lắm chỉ lưu trú 1 ngày là hết điểm đi thăm. Bởi vậy theo tôi phải mở rộng thêm tua tuyến như leo núi Cạc Re, leo núi Ten và nhất là thăm hang Lạng, bản Lạng nơi có 83 hộ dân tộc Mường, do đường mới làm vào nên còn giữ được nhiều nhà sàn cổ.”

Chủ homestay Quỳnh Nga giao lưu cùng với khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chủ homestay Quỳnh Nga giao lưu cùng với khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch có trụ sở là một tòa nhà to đẹp đóng giữa bản Dù do chị Châu Thị Nga quản lý. Chị bảo, đơn vị có nhiệm vụ cung cấp thông tin du lịch, kết nối tua cho các homestay nhưng mỗi năm chỉ 3 tháng là có khách. Vắng khách, nhiều sản phẩm của dân làm ra không bán được mà điển hình như dự án trồng bò khai ở bản Lấp hiện đang bế tắc về đầu ra, rau phải để già. Thêm vào đó là chuyện xây dựng thương hiệu. Rượu ngô Xuân Sơn thì người ở xã Tân Phú sản xuất. Chè shan tuyết Xuân Sơn thì người ở xã Xuân Đài làm. Gà chín cựa Xuân Sơn thì HTX nuôi lại ở xã Xuân Đài. 

Trung tâm có hội trường, có sân khấu, có tượng gà chín cựa, có chỗ đốt lửa trại nhưng không tổ chức được mà do các hộ homestay tự tổ chức giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại. Mỗi hộ homestay ở đây như những củ khoai tây, không có sự gắn kết, chỉ huy gì. Đơn vị cũng muốn tổ chức một cuộc thi homestay đẹp, từ đó chọn mẫu để nhân rộng ra nhưng chưa thực hiện được; Muốn thu gom rác nhưng chưa thực hiện được. Muốn truyền dạy văn hóa truyền thống nhưng chưa thực hiện được trong khi  dân tộc Mường ở đây phải mượn mẫu quần áo của người Mường ở Hòa Bình, hát ví, hát giang, đâm đuống, quay sa đã mất hẳn; dân tộc Dao ở đây đã mất hẳn hát páo dung…

Trẻ con cùng bản vui chơi dưới tượng gà chín cựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trẻ con cùng bản vui chơi dưới tượng gà chín cựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hà Văn Nghị- cán bộ văn hóa xã Xuân Sơn thống kê 2 homestay đã ngừng hoạt động do khách thấy chỗ nghỉ ẩm thấp, cảnh quan xấu, phục vụ kém. Vì phải vay tiền ngân hàng để đầu tư homestay nên nợ nần có nhà còn sinh ra lục đục. Ngay cả bản thân anh, đầu tư 450 triệu đồng để dựng 1 nhà sàn, 2 nhà ăn, mua sắm trang thiết bị nhưng gặp dịch Covid 2 năm phải nằm im. Giờ mở lại không có người đến: “Có những đoàn khách dự kiến đến ở 1 tuần nhưng chỉ được 1 hôm là rút vì không có chỗ chơi. Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng nhưng chưa có mấy điểm tham quan nên muốn phát triển du lịch phải mở rộng được các điểm tham quan, chỗ vui chơi, check-in”.  

Xuân Sơn là xã vùng 3 có diện tích 5.672ha, 1.333 khẩu với 2 dân tộc Mường, Dao, thu nhập bình quân 24 triệu/người/năm và còn 76 hộ nghèo. Trong năm 2023 trên địa bàn xã có gần 10.000 lượt khách đến trong đó lưu trú qua đêm hơn 2.000 lượt tại 12 homestay, tạo doanh thu khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm