| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

Thứ Hai 22/04/2024 , 16:37 (GMT+7)

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Vị chuyên gia về du lịch nông nghiệp này phân tích, vùng rừng núi Xuân Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) có thể coi là "mô hình kinh tế VAC" của các vua Hùng, nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho triều đình với những sản vật tinh hoa như bánh chưng, bánh giày, gà chín cựa...Tuy nhiên đến nay khu vực này vẫn không có quy hoạch bài bản cho phát triển du lịch.

Chuyện của người mở nghề homestay

Lúc treo tấm biển “nhà trọ” trước cổng, nhiều người trong xóm đi qua cứ cười khiến cho tôi xấu hổ lại chạy vào bởi nhà mình tự nhiên đang ở mà lại ghi là nhà trọ. Một hai tuần sau, khi bắt đầu có khách tôi cũng chẳng còn thấy xấu hổ nữa. Giá nhà trọ hồi ấy là 70.000đ/người/tối", bà Đào Thị Tâm-mẹ của chủ homestay Tony Luận ở xóm Bông 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nhớ lại.

Bữa tối hôm đó được dọn ra với măng luộc, gà luộc, cá suối rán, thịt chua, đặc biệt là thịt lợn nộm củ nâu- món ăn đậm bản sắc Mường. Thịt làm nộm củ nâu yêu cầu phải là lợn nuôi dân dã, mới mổ ra vẫn còn tươi rói, nướng sơ rồi bóp với củ nâu- một thứ xưa chuyên dùng để nhuộm vải. Sự giao duyên này tạo ra một món ăn thơm ngon khó tả.

Bà Tâm nướng thịt lợn để làm món nộm củ nâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Tâm nướng thịt lợn để làm món nộm củ nâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy khách gật gù khen, bà Tâm vui ra mặt rồi thong thả kể về chuyện làm du lịch của gia đình. Số là, thằng Hà Văn Luận con bà học xong cấp ba xuống Hà Nội làm nghề tự do đến năm 2019 thì về quê làm chè. Long Cốc có hàng trăm đồi chè bát úp đẹp một cách huyền ảo, lúc đó đã thu hút được một lượng lớn những người yêu chụp ảnh đến sáng tác và đoạt nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.

Khi đang hái chè trên đồi, Luận gặp nhiếp ảnh gia Út Mười, thấy xe của ông bị hỏng, trời đã trưa rồi nên mới mời về ăn cơm. Ăn xong ông khen ngon, khen nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ và khuyên anh làm nhà trọ bình dân cho khách nhiếp ảnh lưu trú. Vậy là căn nhà cũ với một gian khách, hai gian buồng trong đó một gian bỏ không được tận dụng làm phòng trọ. Mẹ anh mua một cái giường, một cái chăn, hai cái gối tổng cộng mất hơn 2 triệu đồng về phục vụ cho khách nghỉ.

Người nọ truyền tai người kia nên dần dần gian buồng với một cái giường chỉ ngủ được hai người của nhà Luận trở nên chật chội. Giữa năm đó họ mua cái khung nhà sàn cũ về dựng sau vườn. Vốn có đến đâu làm đến đấy, sẵn bương, tre, gỗ trên đồi họ vá víu vào thêm “da thịt” cho cái khung nhà sàn, đồng thời xây mới khu vệ sinh.

Những cô gái Mường hái chè. Ảnh: Tony Luận.

Những cô gái Mường hái chè. Ảnh: Tony Luận.

Một số khách đến nghỉ, khuyên bỏ cái biển nhà trọ mà đổi sang thành homestay, có nghĩa là du lịch tại nhà, ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc cùng gia chủ. Thấy hợp lý nên Luận nghe theo. Khi khách Tây gọi tên Luận thấy khó quá nên anh đặt luôn tên là Tony Luận cho dễ gọi. Năm 2023 anh lại rước về thêm một cái khung nhà sàn nữa.

Do làm kiểu tận dụng nên hai cái nhà sàn mới dựng với mái lá đứng chen chúc bên cái nhà cũ mái bằng, cái sân mái tôn giống như một hàm răng có vài chiếc mới trồng trắng bóng cùng những những chiếc cũ xỉn màu vì ám khói thuốc.

Do đầu tư chắp vá nên kiến trúc của các homestay ở Long Cốc khá lộn xộn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Do đầu tư chắp vá nên kiến trúc của các homestay ở Long Cốc khá lộn xộn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngày mai tao cần một con dao

Thấy anh Luận mở ra nghề mới, các gia đình khác cũng lập thêm 4 cái homestay nữa ở xã Long Cốc. Mỗi hộ được tỉnh hỗ trợ 30 cái ghế xếp bằng gỗ, 20 cái gối, 10 cái ga và 10 cái vỏ chăn. Nhưng lượng khách rất hạn chế, chủ yếu đến vào cuối tuần, còn bình thường gần như không có, nhất là những tháng mùa xuân mưa phùn trời âm u triền miên.

Anh Luận thống kê, từ tết đến hôm 23/3 khi tôi lên, homestay của mình mới đón được hơn 20 khách lưu trú vì thời tiết xấu, người ta đến ăn xong rồi lại về. Nếu nghỉ qua đêm anh tính giá 100.000đ/người, 70-120.000đ /suất ăn. Ước cả năm 2023 có khoảng 200 khách lưu trú ở homestay Tony Luận đem lại khoản thu khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra anh còn bán thêm chè Bát Tiên và các sản phẩm địa phương như gà chín cựa, mật ong rừng, đũa tre, măng khô, mỗi năm được thêm 30-40 triệu đồng nữa.

Tony Luận và một vị khách. Ảnh: Tony Luận.

Tony Luận và một vị khách. Ảnh: Tony Luận.

Nếu đem khoản thu từ du lịch đó ra chia đều cho 4 lao động gồm vợ chồng anh và bố mẹ anh (bố mẹ và vợ Luận làm công tác hậu cần, còn anh làm hướng dẫn) thì mỗi tháng trung bình mỗi người chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng. Bởi thế, nghề chính của họ vẫn là làm nông. 7.000m2 chè mỗi năm cho thu 6 lứa, tổng khoảng 10 tấn búp bán được 30-40 triệu đồng, trừ chi phí còn 20 triệu đồng. Mấy sào ruộng tuy thóc không đủ để làm hàng hóa nhưng đủ cấp gạo cho người, cấp cám đủ cho gia súc, gia cầm.

Có ba đồi chè nổi tiếng ở Long Cốc là đồi Bông chuyên ngắm bình minh, đồi Móng Ngựa và đồi chè Măng Giang chuyên ngắm hoàng hôn. Các bức ảnh của Út Mười cùng nhiều nhiếp ảnh gia khác giúp cho đồi chè Long Cốc nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Đông Nam Á.

Luận tiếc là nhiều nơi tuy không có vẻ đẹp hùng vĩ như quê mình nhưng họ làm du lịch một cách bài bản, biết liên kết thành tổ nhóm, thành hợp tác xã, khi có đoàn khách đến nhà này đặt ăn, nhà kia đặt ngủ, nhà nọ bán đặc sản hay tổ chức biểu diễn văn nghệ…Còn ở Long Cốc toàn du lịch tự phát, mỗi nhà làm một kiểu, thiếu sự liên kết.

"Trong 10 khách đến Long Cốc thì có khoảng 1 người là Tây. Bất cứ mùa nào họ cũng đến, kể cả trời mưa cũng lên đồi chè và thốt lên rằng cảnh quá đẹp, ở lưu trú 2-3 ngày chỉ quan tâm đến chỗ ngủ, nhà vệ sinh sạch sẽ, đồ ăn đảm bảo, còn khách ta thì chỉ thích chơi", Hà Văn Luận cho hay.

Vẻ đẹp của đồi chè Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vẻ đẹp của đồi chè Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Để có thể giữ chân du khách, thứ nhất Long Cốc phải có thêm những điểm vui chơi giải trí chứ chẳng ai đi du lịch mà đến mãi một điểm cả. Thứ hai là phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa của chính quyền các cấp. Thứ ba là có những nguồn vốn vay lãi suất thấp. Hiện nay em vẫn phải vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư lai rai, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, trên mặt bằng chật hẹp, tổng 400m2, cải tạo lại nhà cũ chứ không quy hoạch ngay từ đầu nên chắp vá. Nếu có một mảnh đất rộng khoảng 2.000m2, em sẽ quy hoạch, chia ra các khu như chỗ ngủ nghỉ, chỗ ăn uống, chỗ vui chơi đốt lửa, chỗ để xe…”, Luận ấp ủ.

Khi tôi đang ngồi vừa uống trà vừa trò chuyện thì có hai người phụ nữ đến. Chị Trần Thị Thanh ở xóm Măng 2- chủ cơ sở homestay Thanh Biên kể mình bắt đầu làm du lịch từ năm 2019, đầu tư hơn 1 tỉ đồng rồi mà thu nhập vẫn bấp bênh, mỗi tháng chỉ được 5-6 triệu đồng.

“Khách đến nghỉ chỉ một đêm mất 250.000 đồng, ăn trung bình một bữa 120.000 đồng, mua 5 lạng chè, tổng chi khoảng 500-600.000 đồng/người. Nhiều khách bảo, cảnh đẹp như thế này mà không có thêm những điểm vui chơi, check- in gì cả. Sản phẩm địa phương gần như chỉ có mỗi chè nhưng nhiều người không biết uống. Nếu có thêm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có in biểu tượng Long Cốc, cùng các sản phẩm đặc sản khác thì em tin sẽ hấp dẫn được khách”.

Đồi chè Long Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Tony Luận.

Đồi chè Long Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Tony Luận.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương đều là công chức nhưng 4 năm về trước đã mạnh dạn mở homestay An Khang ở xóm Măng 2 nhưng khi dịch Covid đến buộc phải đóng cửa, nay mới túc tắc hoạt động trở lại. Chị kể: “Khách đến đây tối không biết đi đâu chơi, mua cái gì, chỉ có lên giường ngủ nên buồn. Thấy không có gì thì họ lại truyền tai nhau nhưng nếu thấy có gì thì họ sẽ quảng bá cho mình. Như hiện nay họ lên Long Cốc chủ yếu chỉ chụp ảnh đồi chè, sống ảo tí rồi về. Ai đến cũng chụp ảnh mãi dù đồi chè đẹp cũng dần dần thành nhàm.

Ngoài sống ảo còn phải có gì để họ mua sắm nữa chứ lắm người phàn nàn đến đây mà chẳng biết tiêu tiền vào cái gì. Homestay nhà em đầu tư 300-400 triệu đồng mà khách vắng, đến chủ yếu là đặt ăn chứ chưa có lưu trú mấy nên nguồn thu rất hạn chế. Ngoài ra muốn có những khu vui chơi, tổ chức sự kiện để thu hút khách, muốn được tập huấn về du lịch, được vay vốn ưu đãi, chúng em còn muốn có một lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp với khách nước ngoài”.

Cả 5 chủ homestay ở xã Long Cốc đều không hề biết tiếng Anh nên khi có khách nước ngoài chỉ còn mỗi cách giơ điện thoại ra để google dịch. Tony Luận kể cho tôi nghe một chuyện cười ra nước mắt rằng có một khách đến homestay của mình giơ cái màn hình điện thoại có dòng chữ google dịch ra: “Ngày mai tao cần một con dao”. Nghĩ mãi anh mới vỡ lẽ ra ngày mai khách cần chụp ảnh với một cô gái dân tộc Dao chứ không phải một con dao.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm