| Hotline: 0983.970.780

Chuyện môi trường và thôn thông minh ở Thanh Oai

Thứ Tư 25/09/2024 , 07:16 (GMT+7)

Môi trường, quy hoạch, cải cách hành chính, thôn thông minh chính là những điểm nhấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Nghề làm lồng chim ở Thanh Oai cho thu nhập khá cao. Ảnh: NNVN.

Nghề làm lồng chim ở Thanh Oai cho thu nhập khá cao. Ảnh: NNVN.

Theo thống kê đến hết năm 2023, huyện Thanh Oai có 12/20 xã được đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 16/20 xã đã hoàn thiện lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, trong đó 12/12 xã NTM nâng cao có quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Các xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính đạt tỷ lệ cao. Từ chỗ cải cách hành chính năm 2019 Thanh Oai chỉ đứng thứ 29/30 quận huyện của TP Hà Nội thì đến năm 2023 đứng thứ 17/30 quận huyện và nhất là chỉ số hài lòng của người dân đã vươn lên đứng thứ 6/30 quận huyện. 

Về môi trường, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đều có cam kết an toàn thực phẩm, có thu gom rác thải, nước thải và vận chuyển về nơi xử lý đúng quy định. Cây xanh được trồng nhiều, các hồ ao được nạo vét, xây bờ bao giúp cho chất lượng môi trường sống được cải thiện. Thêm vào đó đến hết tháng 6/2024 số hộ sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn huyện Thanh Oai là 58.279/66.051 hộ đạt tỷ lệ 88,2% và địa phương đang phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ đạt tỷ lệ 100%.

Để có được những kết quả trên ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã có 8 chương trình công tác và 2 khâu đột phá gồm hạ tầng và cải cách hành chính. Đồng thời huyện cũng xây dựng 4 đề án gồm bảo vệ ao hồ, bảo vệ đất công; chiếu sáng; cây xanh và mô hình một cửa. Lồng ghép các chương trình, huy động xã hội hóa nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Năm 2024, Liên Châu được Thanh Oai chọn là xã điểm xây dựng mô hình xã NTM thông minh. Trước đó đây cũng là địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu mới nền tảng là có ít nhất một "thôn thông minh" với đầy đủ cơ sở hạ tầng mạng internet băng thông rộng, cáp quang phủ sóng trên 80% hộ, phổ cập mạng 4G, 5G; có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn; có tỷ lệ cao người dân dùng tài khoản thanh toán điện tử.

Châu Mai chính là thôn thông minh được chọn và chỉ trong một thời gian ngắn tổ công nghệ số cộng đồng ở đây đã được thành lập, thường xuyên cập nhật trên mạng những thông tin để kết nối với người dân và chỉ đạo điều hành các công việc trong thôn. Những chính sách của Đảng và Nhà nước được chuyển tải đến người dân một cách nhanh nhất. Những nguyện vọng của người dân cũng được phản ánh tới các cấp chính quyền một cách thuận lợi nhất. Đội ngũ quản lý thôn cũng có thể qua điện thoại thông minh để ra lệnh điều chỉnh hệ thống chiếu sáng, loa phát thanh. Còn về người dân, đa số hộ đều có một vài cái điện thoại thông minh, có mạng internet tốc độ cao để tiếp cận công nghệ rồi ứng dụng vào đời sống như thanh toán hóa đơn qua mạng.

Hiện các hộ dân trong thôn đã được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam. Một số hộ sản xuất, kinh doanh được thôn vận động tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mua bán, giúp cho sản phẩm của làng có thể vươn xa khắp cả nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với kiểu thương mại truyền thống. Đặc biệt tập trung đưa lên sàn thương mại điện tử những sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm kết nối giao thương, khẳng định thương hiệu.

Dù có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu nhưng thôn thông minh Châu Mai đang dần được hình thành và chứng minh hiệu quả của công nghệ số trong việc quản lý của chính quyền cũng như gia tăng tri thức cho nhân dân, giúp họ giảm thiểu các công đoạn của sản xuất, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.