| Hotline: 0983.970.780

‘Chuyện tình khó quên’ chia sẻ duyên nợ một thời mực mài nước mắt

Thứ Bảy 24/06/2023 , 15:50 (GMT+7)

‘Chuyện tình khó quên’ lúc 20h tối nay 24/6 trên Nông Nghiệp Radio chia sẻ những kỷ niệm cảm động về ‘Nhà văn Lan Khai mực mài nước mắt cùng vợ hiền’.

Nhà văn Lan Khai là nhân vật của 'Chuyện tình khó quên' lúc 20h ngày 24/6.

Nhà văn Lan Khai là nhân vật của "Chuyện tình khó quên" lúc 20h ngày 24/6.

“Chuyện tình khó quên” tiếp tục khơi dậy ký ức nhớ thương của những nhân vật có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Nhân vật của “Chuyện tình khó quên” tối 24/6 là nhà văn Lan Khai (1906 - 1945), tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Truyện đường rừng”, “Lầm than”, “Nước hồ Gươm”, “Gái thời loạn”, “Ai lên phố Cát”, "Mực mài nước mắt"...

Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. 14 tuổi, ông được gia đình gửi xuống Hà Nội ăn học. Sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi (tức trường trung học Chu Văn An ngày nay), chàng thư sinh Nguyễn Đình Khải thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và ôm ấp giấc mộng “sẽ là một nhà tiểu thuyết”.

Đối với bạn đọc hôm nay, bức chân dung nhà văn Lan Khai đã bị phủ bụi bởi thời gian nghiệt ngã. Thế nhưng, nhà văn Lan Khai ngay khi xuất hiện trên văn đàn đã được đánh giá rất cao của những người cầm bút đương thời. Với tác phẩm “Lầm than”, nhà phê bình Hải Triều (1908 - 1954) nhận định: “Một tác phẩm đem lại cho tôi một vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng… Đọc xong quyển “Lầm than”, tôi thấy tác giả của nó mạnh dạn tiến lên trên con đường bênh vực cho giai cấp cần lao”.

Tham gia ý kiến trong “Chuyện tình khó quên”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Mạnh Tiến ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Lan Khai là một nhà văn lớn của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Lan Khai rất thành công ở đề tài cuộc sống miền núi, tiêu biểu như “Truyện đường rừng”. Đồng thời, Lan Khai cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về công nhân, với tiểu thuyết “Lầm than” có văn phong và chi tiết gây ấn tượng mạnh mẽ”.

Hành trình 39 năm trên dương gian của nhà văn Lan Khai phải nếm trải không ít bi kịch. Thế nhưng, ông lại có một gia đình khá êm ấm và hạnh phúc. Trước năm 1945 chưa có quy ước về chế độ một vợ một chồng, nên nhà văn Lan Khai cũng có hai người vợ. Người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1909, mất năm 1982) được nhà văn Lan Khai hỏi cưới vào năm 1925. Còn người vợ hai là bà Hà Thị Minh Kim (sinh năm 1909, mất năm1999) được nhà văn Lan Khai hỏi cưới năm 1927. Hai bà vợ có xuất thân và tính cách khác nhau, nhưng đều hết lòng thương yêu và tôn thờ người chồng văn sĩ.

Bà Nguyễn Thị Duyên là một phụ nữ thuần phác nông thôn, sinh cho nhà văn Lan Khai một người con trai là Nguyễn Lan Hương vào năm 1927. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Lan Hương xung phong ra mặt trận và hy sinh vào năm 1948.

Bà Hà Thị Minh Kim sinh cho nhà văn Lan Khai ba người con. Người con thứ nhất Nguyễn Lan Phương được sinh năm 1928, người con thứ hai Nguyễn Lan Hoa được sinh vào năm 1933 và người con thứ ba Nguyễn Lan Diệp được sinh vào năm 1936.

Nhờ được học hành, bà Hà Thị Minh Kim trở thành một “trợ bút” cho nhà văn Lan Khai. Trong hồi ký có tên “Truyện lầm than của chúng tôi” được viết năm 1989, bà Hà Thị Minh Kim tường thuật khá chi tiết: “Ngày mới về Hà Nội, gia đình tôi thuê một căn gác ở phố nhỏ trục ngang đường Phùng Hưng bây giờ, sau lại chuyển về thuê một căn nhà ở số 26 phố Châu Long tiện lợi hơn. Nhà tôi được ông Vũ Đình long đến tận nơi mời anh vào làm ở tòa báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở số 93 phố Hàng Bông.

Nơi gia đình tôi ở được các bạn văn của Lan Khai gọi là “vũng Lương Sơn Bạc”. Bởi nơi đây có sự hội ngộ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ Bắc Hà, già như cụ Tản Đà, cụ Ngô Tất Tố, cụ Nguyễn Văn Tố, trẻ hơn có bác Nguyễn Công Hoan, anh Vũ Trọng Phụng, anh Nguyễn Tuân, chú Trần Huyền Trân, chú Nguyên Hồng và chú Ngọc Giao”.

Tác phẩm 'Truyện đường rừng' của nhà văn Lan Khai vẫn được độc giả hôm nay đón nhận.

Tác phẩm "Truyện đường rừng" của nhà văn Lan Khai vẫn được độc giả hôm nay đón nhận.

Tuy nhiên, bà Hà Thị Minh Kim cũng có cái đáo để riêng khi sống với người chồng mơ mộng. Biết nhà văn Lan Khai thích thú với sự thần tượng của độc giả nữ chốn đô hội dành cho mình, bà Hà Thị Minh Kim đã dùng tên Bella Nhung để viết thư khen ngợi tác phẩm “Hột mận” của chồng và xin được hân hạnh làm quen. Nhà văn Lan Khai rất sung sướng và khoe với đồng nghiệp Nguyễn Vỹ về cái duyên kỳ ngộ sắp có được. Bella Nhung hẹn nhà văn Lan Khai vào 8 giờ tối thứ bảy ở hồ Trúc Bạch đoạn gần chùa Trấn Quốc.

Nhà văn Nguyễn Vỹ trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” đã viết về sự trêu ghẹo của bà Hà Thị Minh Kim đối với chồng, như sau: “Dưới ánh điện lờ mờ, chàng đã phân biệt màu sáo bordeaux và tay nàng đang cầm quyển “Hột mận” như đã dặn kỹ trong thư. Chàng đi nhè nhẹ đến gần… Tuy chàng chưa thấy mặt, nhưng dưới ánh đèn lờ mờ, bóng nàng uyển chuyển thướt tha tuyệt đẹp. Chàng đến sát bên cạnh, nghĩ rằng nàng mắc cỡ, nên chàng đánh bạo đặt bàn tay dịu dàng trên vai nàng, và giọng nói run run cảm động: “Em Bella Nhung?”.

Nàng quay lại. Lan Khai hoảng hốt, biến sắc mặt ngay, bỗng giận dữ hét lên: “Mợ đứng chờ ai đây?”. Nàng, chính là… vợ Lan Khai, mỉm cười ngạo nghễ: “Thưa ông, em chờ ông Lan Khai, tác giả “Hột mận” ạ!”. “Mợ đánh lừa tôi hả?”, Lan Khai giận run cả người lên, nghẹn miệng nói không được nữa. Chàng bỏ vợ đấy, đi thật nhanh ra đường Quán Thánh gọi xe về nhà. Chị Lan Khai mỉm cười đắc chí, đủng đỉnh theo sau”.

“Chuyện tình khó quên” với “Nhà văn Lan Khai mực mài nước mắt cùng vợ hiền” được Nông Nghiệp Radio giới thiệu lúc 20h tối nay 24/6.

Xem thêm
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn

Thông tin Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn đã được bạn bè của anh chia sẻ trong thời gian gần đây, khoảng hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới.

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

20 đội tranh giải bóng đá nam công nhân tỉnh Bình Dương

Giải khởi tranh ngày 19/5, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, nhằm hưởng ứng Tháng Công nhân và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Dương lần thứ VIII.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.