| Hotline: 0983.970.780

'Chuyện tình khó quên' của một nhà báo nổi tiếng chống tiêu cực

Thứ Bảy 17/06/2023 , 09:06 (GMT+7)

‘Chuyện tình khó quên’ lúc 20h tối nay 17/6 trên Nông Nghiệp Radio kể lại lương duyên của nhà báo Xích Điểu nổi tiếng chống tiêu cực một thời trong làng báo Việt Nam.

Nhà báo Xích Điểu nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm đẩy lùi cái xấu và cái ác.

Nhà báo Xích Điểu nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm đẩy lùi cái xấu và cái ác.

“Chuyện tình khó quên” của Nông Nghiệp Radio hòa vào không khí kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 bằng câu chuyện “Nhà báo Xích Điểu chống tiêu cực bỗng gặp lương duyên”. “Chuyện tình khó quên” giúp giới báo chí và giới mộ điệu cùng chia sẻ tinh thần can trường và trái tim yêu thương của nhân vật lừng lẫy bậc nhất trong làng báo nước nhà.

Xuất hiện trong “Chuyện tình khó quên”, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương thổ lộ sự trân trọng: “Anh Xích Điểu là thế hệ tiền bối mà tôi tình cờ gặp gỡ anh những năm cuối đời. Anh Xích Điểu ở gần nhà chị ruột của tôi tại quận 5, TP.HCM nên tôi được biết chuyện tình cực kỳ xúc động giữa anh và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung. Chị ruột của tôi nói rằng, chưa từng thấy người vợ trẻ nào chăm sóc người chồng già một cách ân cần và chu đáo như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung với nhà báo Xích Điểu”.

Nhà báo Xích Điểu tên thật Nguyễn Văn Tước, sinh ra và lớn lên tại Đông Anh- Hà Nội. Năm 1931, lúc 21 tuổi, ông bước vào nghề cầm bút với nhiều bút danh như Minh Tước, Trần Minh Tước, Thương Biền…

Sau một thời gian làm báo tranh đấu ở Sài Gòn, năm 1939, ông bị chính quyền đô hộ Pháp bắt giam ở Nhà tù Sơn La. Bút danh Xích Điểu ra đời trong bối cảnh ấy, khi ông cùng với những bạn tù như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tô Hiệu… làm tờ báo Suối Reo của những người cộng sản giữa sự đọa đày xiềng xích.

Sau Cách mạng Tháng 8, nhà báo Xích Điểu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính ở tỉnh Lạng Sơn, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Sau năm 1954, ông giữ nhiều chức vụ trong ngành báo chí như Giám đốc Sở Báo chí Trung ương, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo VIệt Nam.

Sau năm 1975, nhà báo Xích Điểu chuyển vào sinh sống tại TP.HCM và tiếp tục sự nghiệp cầm bút chống tiêu cực. Ví dụ, ông có bài thơ châm biếm “Chống tiêu cực làng ta” viết năm 1986: “Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to// Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen”.

Nhà báo Xích Điểu cũng là một trong những người lên tiếng sớm nhất về tệ nạn tha hóa trong đội ngũ cán bộ. Bài thơ châm biếm “Nhắm thẳng ô dù mà chích” được ông viết năm 1988, như sau: "Hãy nhắm thẳng ô dù mà chích/ Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ/ Bởi nay tiêu cực dường như/ Giặc ngoài xâm lấn phá hư lòng người/ Vốn gia trưởng lại ngồi cao thế/ Thích bao che mấy kẻ cận thần/ Để rồi ban phước, tri ân/ Một lời phán gọn, chẳng cần đúng sai/ Một chữ ngoáy hơn bài chiếu chỉ/ Dưới gườm trên triệt để tuân theo…/ Ô dù đâu phải mền chống rét/ Dân chủ thầm mà bít công khai/ Giờ đây bút nhọn đã mài/ Bao che hãy toạc dưới trời nắng Xuân".

Nhà báo Xích Điểu (1910-2003) qua nét vẽ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Nhà báo Xích Điểu (1910-2003) qua nét vẽ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Vốn là con gái một gia đình Nam bộ có truyền thống cách mạng, bà Nguyễn Ngọc Dung từng học ở trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng, rồi sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Không chấp nhận những khuất tất ở đơn vị mình đang công tác, bà Nguyễn Ngọc Dung đã đề nghị nhà báo Xích Điểu hỗ trợ. 

Dĩ nhiên, với bản lĩnh của nhà báo Xích Điểu, ông không thể không vung bút vào phường gian ác. Lúc ấy, nhà báo Xích Điểu đã nghỉ hưu, còn nữ tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung ở ngưỡng bốn mươi xuân thì. Khi trận thư hùng giữa cao thượng và đê hèn kết thúc, thì tình cảm của họ cũng không thể cách rời.

Ngày 26/7/2003, nhà báo Xích Điểu qua đời ở tuổi 93, để lại cho nhân gian nhiều tác phẩm đáng lưu ý như tập thơ châm biếm “Cướp mới, cướp cũ”, tiểu thuyết trào phúng “Ba xoay diễn nghĩa”, các tập tiểu phẩm “Trắng đen”, “Sau mặt nạ nhân vị”, “Người hay vật”, “Cái đuôi chó”, “Chủ nghĩa lưu manh hiện đại”…

Sau khi vĩnh biệt người chồng đáng kính, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung đã viết lại những ngày căng thẳng và xao xuyến của họ, thành trường ca “Nghĩa tình già chống tiêu cực”.

Nhà báo Xích Điểu đã xa vắng 20 năm, nhưng chuyện tình khó quên của ông vẫn còn nguyên trong những hồi ức tốt đẹp của người vợ nhỏ hơn 20 tuổi – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung, qua những câu thơ đằm thắm: “Em yêu thơ trữ tình/ Dịu hiền như lòng mẹ…/ Em yêu thơ châm biếm/ Sắc nhọn như gươm dao…/ Em yêu anh tấm lòng/ Bất khuất và kiên trung/ Luôn vì dân vì Đảng…/ Em yêu anh, yêu anh/ Dành cho anh tất cả/ Tình yêu buổi hoàng hôn/ Yêu anh, em kiêu hãnh/ Yêu anh ngẩng cao đầu”.

“Chuyện tình khó quên” với “Nhà báo Xích Điểu chống tiêu cực bỗng gặp lương duyên” được Nông Nghiệp Radio giới thiệu lúc 20h tối nay 17/5. Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” do báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, với sự đồng hành của Nhà sách trên mạng Vinabook.com.

Xem thêm
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn

Thông tin Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn đã được bạn bè của anh chia sẻ trong thời gian gần đây, khoảng hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới.

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

HLV Alexandre Polking hoàn tất mọi thủ tục gia nhập CLB Công an Hà Nội

HLV Alexandre Polking đã có mặt tại Việt Nam, chỉ còn chờ thời điểm thích hợp ký hợp đồng và ra mắt nhà ĐKVĐ V-League Công an Hà Nội (CAHN), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần sau.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.