| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Thanh Tùng

Thứ Bảy 19/10/2024 , 06:30 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Thanh Tùng tạo cảm hứng sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, được hé lộ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 19/10.

Nhạc sĩ Thanh Tùng (1948-2016) qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Nhạc sĩ Thanh Tùng (1948-2016) qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Chuyện tình khó quên trở thành chất liệu để nhạc sĩ Thanh Tùng viết nên những ca khúc quen thuộc với công chúng như “Ngôi sao cô đơn”, “Tình không biên giới”, “Mưa ngâu”, “Phố biển”, “Lời tỏ tình mùa xuân” hoặc “Trái tim không ngủ yên”. Những người đẹp có ý nghĩa cực kỳ then chốt trong các ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng, như ông tâm sự: “Con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng hào hoa và đào hoa. Thế nhưng, người phụ nữ duy nhất mà ông tôn thờ là vợ mình- bà Phạm Thị Minh. Họ gặp nhau khi Thanh Tùng 20 tuổi và Phạm Thị Minh vừa tròn 18 tuổi. Sau 3 năm hẹn hò, “chuyện tình khó quên” của họ được đánh dấu bằng đám cưới tổ chức vào năm 1971 tại Hà Nội, và ba người con lần lượt được đặt tên là Nguyễn Thanh Bách, Nguyễn Thanh Thông và Nguyễn Thị Bạch Dương.

Sau khi cùng chồng chuyển vào định cư ở đô thị phương Nam, bà Phạm Thị Minh có một thời gian ngắn làm việc cho Đài Truyền hình TP.HCM rồi xin ra khỏi biên chế để hoạt động kinh doanh. Khả năng buôn bán khéo léo của bà Phạm Thị Minh đã giúp nhạc sĩ Thanh Tùng có được cơ ngơi ổn định mà yên tâm theo đuổi nghệ thuật. Căn biệt thự đầu tiên của họ trên đường Cây Điệp, quận 1, TP.HCM chính là không gian mơ mộng xuất hiện trong ca khúc “Hoa tím ngoài sân” mà nhạc sĩ Thanh Tùng miêu tả: “Một ngày tình cờ/ Trên đường phố tôi có bàn chân em/ Mặt trời thì hồng/ Còn trên cây khế có nhiều tiếng chim”.

Có được người vợ tháo vát và rất chiều chuộng chồng con, nhạc sĩ Thanh Tùng thỏa chí tang bồng với bạn bè, với giai điệu. Thế nhưng, khi hạnh phúc đang nở rộ, thì bà Phạm Thị Minh mắc bạo bệnh và qua đời vào năm 1990, khi mới 40 tuổi.

Bà Phạm Thị Minh (1950-1990).

Bà Phạm Thị Minh (1950-1990).

Lúc vợ còn sống, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ viết một ca khúc duy nhất tặng hiền thê là bài hát “Em và tôi”. Vì vậy, giai đoạn đầu tiên không còn bà Phạm Thị Minh bên cạnh, nhạc sĩ Thanh Tùng không thể nào che giấu được sự hụt hẫng mỗi lần nhớ về con phố Nghi Tàm mà họ từng hẹn hò thuở thanh xuân ở Hà Nội. Nỗi tiếc thương ấy được ông gửi vào ca khúc “Lối cũ ta về” bâng khuâng “Lối cũ ta về, sỏi nghiêng gót giày, chiều nghiêng mắt nắng, buồn chợt tóc mây/ Lối cũ ta về, dừng chân trước thềm, chờ nghe trong gió mùi hương ngọc lan”.

Phải thừa nhận nhạc sĩ Thanh Tùng ăn nói rất có duyên. Trong sự hoạt ngôn của ông luôn pha trộn sự hài hước và sự trìu mến. Giữa đám đông, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn biết cách pha trò, như ông tự thú: “Tôi rất thích cười. Không có gì sướng bằng cười cho đã đời. Cách tốt nhất là nghe chuyện tiếu lâm, nghe càng nhiều càng tốt, biết càng nhiều. Rảnh rỗi họp mặt nhau nghe rồi kể, kể rồi nghe, rồi cười. Hơn mười thang thuốc bổ đó”.

Tuy nhiên, khác với bề ngoài quảng giao, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn đối diện với sự trống vắng trong ngôi nhà của mình. Hình ảnh hiền thê Phạm Thị Minh là một “chuyện tình khó quên" chưa bao giờ rời xa tâm trí nhạc sĩ Thanh Tùng. Kỷ niệm 10 năm vĩnh viễn mất đi người vợ tào khang, nhạc sĩ Thanh Tùng đã sáng tác ca khúc “Một mình” đầy day dứt: “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, Thanh Tùng theo cha mẹ tập kết ra Bắc và trưởng thành trên mảnh đất Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông, Thanh Tùng được cử đi học khóa chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng – Triều Tiên, rồi về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1971 đến năm 1975. Non sông thống nhất, Thanh Tùng chuyển vào TP.HCM sinh sống và bắt đầu sáng tác ca khúc.

Nhạc sĩ Thanh Tùng lúc du học tại Triều Tiên.

Nhạc sĩ Thanh Tùng lúc du học tại Triều Tiên.

Bài hát đầu tiên “Cây sầu riêng trổ bông” được nhạc sĩ Thanh Tùng viết cho vở cải lương cùng tên, đã nhanh chóng thoát khỏi tấm màn nhung sân khấu để vang lên trên môi khán giả âm nhạc, như ông bày tỏ: “Ca khúc đó có tính cách tình huống cho vở cải lương, nói về sự chia ly của một đôi vợ chồng, mà người ta đã phấn đấu vượt qua gian khổ như thế nào để mà sum họp lại với nhau và cảm thấy hạnh phúc. Thế nhưng, bài hát đầu tiên tôi viết để nói lên tiếng nói công khai của mình, mà xác lập hình ảnh của tôi là bài hát “Hát với chú ve con”, viết năm 1982. Tôi nghĩ “Hát với chú ve con” là “tuyên ngôn” của dòng nhạc pop trữ tình của Việt Nam”.

Thập niên 80 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Thanh Tùng rất đắt show dàn dựng các tiết mục biểu diễn cho những đoàn văn công địa phương. Đặc biệt, nhạc sĩ Thanh Tùng gắn bó sâu sắc với Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng ở Nha Trang quê hương mình. Tại đây, nhạc sĩ Thanh Tùng đã sáng tác hàng loạt ca khúc làm nên tên tuổi ông.

Ca khúc Thanh Tùng nhanh chóng lan tỏa vào đời sống cộng đồng, theo đúng cách ông quan niệm: “Tôi luôn thấy rõ ảnh hưởng của các ca khúc tới quần chúng nên khi viết, tôi rất kỹ lưỡng cả về ngôn từ lẫn giai điệu, tức là luôn cố gắng không làm băng hoại tình cảm lành mạnh của con người. Tuy nhiên, mặt khác, tôi rất phóng túng khi thể hiện tình cảm của mình. Tình cảm của tôi nó có thật trong lòng tôi, nó mang lại nhiều sự tốt đẹp cho đời tôi, cho nên nó không có gì xấu và không thể xấu được”.

Bước sang thế kỷ 21, nhạc sĩ Thanh Tùng bị bệnh tiểu đường. Ông ít lui tới đám đông và giảm dần các phi vụ thương mại. Sau lần đột quỵ đầu tiên vào năm 2006, nhạc sĩ Thanh Tùng đã phải di chuyển bằng xe lăn và phát âm khá khó nhọc. Mỗi chiều nhạc sĩ Thanh Tùng từ nhà riêng ở Bình Thạnh ra ngồi tư lự ở một quán nhỏ bên sông Sài Gòn. Dẫu chải chuốt và lịch lãm, nhưng hình ảnh ấy của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn toát ra một vẻ cô đơn không dễ sẻ chia.

Năm 2008, nhạc sĩ Thanh Tùng bị đột quỵ lần thứ hai, và ông chuyển ra Hà Nội sống với con cái. Từ đó, nhạc sĩ Thanh Tùng tách biệt hẳn với giới mộ điệu, và sống lặng lẽ cho đến khi vẫy tay giã biệt dương gian vào ngày 15/3/2016.

Ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Thanh Tùng có tên gọi “Hoa cúc vàng” được viết những ngày ông nằm trên giường bệnh, bùi ngùi thương nhớ người vợ quá cố Phạm Thị Minh: “Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về/ Khi anh tuổi đôi mươi em mới lên mười tám/ Trong tim em ngập nắng mang theo đóa cúc vàng/ Em tặng mùa thu sang mùa thu bông hoa thiên đường”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” xin giới thiệu câu chuyện “Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn hát với duyên nợ mong manh” lúc 20h ngày 19/10 trên Nông nghiệp Radio.

Xem thêm
Hòa Minzy, Bùi Trường Linh 'đốt cháy' IJC Festival

Tối 14/10, ca sĩ Hòa Minzy và ca sĩ Bùi Trường Linh (buitruonglinh) mang đến những giây phút thăng hoa cảm xúc cho tân sinh viên tại đêm đại nhạc hội IJC Festival 2024.

Chưa sa thải ông Erik Ten Hag

Các ông chủ của Man.United chưa có quyết định cuối cùng về vị trí HLV trưởng của HLV Eri Ten Hag dù họp bàn nhiều giờ liền.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất