Chuyện tình khó quên giữa nhạc sĩ Giao Tiên và người vợ Hoàng Xuân bắt đầu từ năm 1967. Ngày cưới nhau, nhạc sĩ Giao Tiên đã viết ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non” tha thiết: “Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối/ Anh sẽ đưa em, đưa em đi tìm một giấc mơ đời/ Còn ai đợi chờ nữa không em/ Còn ai giận hờn nữa không em/ Thôi hãy theo anh, men lối ăn năn/ Ta thoát cơn mê cùng dắt nhau về”.
Ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non” đánh dấu chuyện tình khó quên đưa đến duyên nợ trăm năm, được nhạc sĩ Giao Tiên giải thích: “Lúc sáng tác ca khúc này tôi tự ví bản thân như một chú ngựa trên thảo nguyên rộng lớn đang đi tìm người bạn đời. Tôi giải phóng tâm hồn mình trước những quan niệm, hình ảnh cũ và thả hồn vào một thế giới trừu tượng khác để âm nhạc được bay bổng, mới lạ hơn. Thật sự ca khúc này có ca từ rất dễ hát, phù hợp với mọi hoàn cảnh nên may mắn được đông đảo khán giả yêu thích”.
Khác hẳn với ngôn từ phiêu lãng của chồng, bà Hoàng Xuân nói về định mệnh gắn kết hai người đơn giản: “Tôi gặp ông xã lúc 19 tuổi. Khi ấy, anh nhìn thư sinh, hiền lành lắm! Lúc gặp nhau, ông xã chưa phải nhạc sĩ gì, mà chỉ là người thích sáng tác, thích hát thôi. Có nhiều bài thấy chồng sáng tác về người yêu cũ, lúc đầu tôi cũng ghen hỏi này hỏi kia nhưng về sau tôi hiểu chồng mình nên không hỏi nữa, để anh tập trung sáng tác. Mỗi đêm, anh hay đốt đèn dầu để mà ngồi sáng tác. Thời điểm đó, tôi gánh vác hết việc nhà để ông xã có thời gian viết nhạc!”.
Bà Hoàng Xuân không chỉ sinh cho nhạc sĩ Giao Tiên cả thảy 5 đứa con, mà còn theo ông bôn ba qua nhiều mảnh đất mưu sinh. 10 năm phát nương phát rẫy ở Bù Đăng – Bình Phước chẳng nên cơm cháo gì. 5 năm lên Đà Lạt – Lâm Đồng nấu đường, nấu rượu rồi trồng rau, trồng củ cũng khó khăn chồng chất. Năm 1989, nhạc sĩ Giao Tiên đưa cả nhà xuống Cam Ranh – Khánh Hòa với mơ ước đổi đời bằng nghề nuôi tôm. Cũng làm đìa, cũng chọn giống, cũng chăm sóc ngày đêm nhưng thất bại liên tục.
Nợ nần tứ tung, nhạc sĩ Giao Tiên trắng tay đập vỡ cây đàn, ôm mặt khóc. Bà Hoàng Xuân đã động viên chồng đứng lên theo tinh thần “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Bà Hoàng Xuân gói bánh chưng, nấu bánh chưng rồi vợ đi bỏ mối, chồng đi bán dạo.
Ân nghĩa phu thê lúc cam go nhất, được nhạc sĩ Giao Tiên tường thuật sơ lược như sau: “Lúc tôi sụp đổ thì vợ tôi vẫn không nản chí, vẫn khích lệ tôi và nói có làm sẽ có ăn. Bà ấy liền nấu bánh chưng để bán, nuôi cả gia đình. Mỗi buổi chiều bà ấy đi chợ mua nguyên liệu về gói bánh. Còn tôi ngồi canh nồi bánh từ 19h đến khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau vớt ra để nguội, rồi hai vợ chồng chia nhau phân phối. Mỗi lần nhìn vợ, tôi lại nghĩ, nếu tôi không lấy được người vợ đảm đang, khéo léo thì không có tôi như ngày hôm nay.
Tôi thương vợ nhiều điểm lắm. Trên đời này không có ai khiến tôi cảm thấy ưng ý đến như vậy. Phụ nữ có xinh xắn, tốt đẹp mấy cũng chỉ đến như vợ tôi thôi. Bà ấy khéo léo từ việc gia đình đến chuyện giao tiếp với bà con, lối xóm. Sống với nhau, dù đói khổ thế nào, vợ tôi cũng gói ghém, dành một số tiền nhỏ nhoi nhất để tôi yên tâm sáng tác âm nhạc. Bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi, vợ tôi tiếp đãi chu đáo, khiến tôi thấy rất hãnh diện và phấn khởi”.
Mang ơn người vợ tảo tần, nhạc sĩ Giao Tiên viết hai ca khúc tặng riêng bà Hoàng Xuân. Thứ nhất là bài “Nàng Xuân chung tình”. Thứ hai là bài “Chiếc bánh chưng xanh”.
Với ca khúc “Nàng Xuân chung tình”, cái tên riêng của bà Hoàng Xuân đi vào lời hát cũng đắm đuối như mùa xuân: “Nàng Xuân em từ đâu tới. Dẫu sao em vẫn tươi mới. Trần gian con đường quen lối. Mỗi năm tin Xuân lại sang. Lỡ mươi năm sau không còn anh. Với Xuân ai người chung tình?”.
Với ca khúc “Chiếc bánh chưng xanh”, sự vất vả và sự hy sinh của bà Hoàng Xuân thực sự mang lại hạnh phúc cho cả gia đình: “Chỉ có cái bánh chưng xanh, mẹ tôi ngày đêm canh cánh/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, mẹ tôi dựng nên tổ ấm/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, suốt đời mẹ tôi gánh gồng/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, đời cha bình yên mưa nắng/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, bài ca ru mãi tình gần/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, đời con rồng mây vươn cánh/ Ôi cái bánh chưng xanh của mẹ tôi/ Bao nhiêu vốn, bao nhiêu lời mỗi ngày/ Mẹ khổ công mấy mươi năm miệt mài/ Mẹ hy sinh tuổi xuân không mơ mộng/ Cầm lấy cái bánh chưng xanh, mà mơ trời cao xanh thắm”.
Nhạc sĩ Giao Tiên tên thật Dương Trung, sinh năm 1941 tại Bình Định. Cuộc đời nhạc sĩ Giao Tiên nhiều lận đận, nhiều gieo neo nhưng ông vẫn viết được hơn 700 bản tình ca, trong đó có những ca khúc rất quen thuộc với công chúng như “Cô Thắm về làng”, “Thương nhớ người yêu”, “Hào hoa”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”, “Hỏi vợ ngoại thành”...
Ở tuổi 82, nhạc sĩ Giao Tiên vẫn còn đam mê sáng tác. Sau chuỗi ngày lận đận, ông cùng người vợ Hoàng Xuân đã gắn bó hơn nửa thế kỷ, tiếp tục đàn hát những khúc ca yêu đời.
Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 11/11, chia sẻ câu chuyện “Nhạc sĩ Giao Tiên đắm say vó ngựa trên đồi cỏ non” để giúp giới mộ điệu hiểu thêm tâm tư “buổi chiều vừa gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy, em hỡi em có hiểu có hay”.