| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên thời 'hoa trắng thôi cài trên áo tím'

Thứ Bảy 04/11/2023 , 07:30 (GMT+7)

‘Chuyện tình khó quên’ trên Nông nghiệp Radio tối nay 4/11 hé lộ mối duyên của soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà với nguyên mẫu ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’.

Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Chuyện tình khó quên của soạn giả cải lương Kiên Giang – Hà Huy Hà bắt đầu từ những ngày ông còn là cậu trai với tên thật Trương Khương Trinh rời quê nhà An Biên, Kiên Giang lên trọ học ở Cần Thơ. Tại trường Tư thục Nam Hưng, Trương Khương Ninh gặp gỡ nữ sinh Nguyễn Thị Nhiều quê Sóc Trăng, rồi đem lòng cảm mến.

Gia đình Nguyễn Thị Nhiều theo đạo Thiên Chúa, nên cô vẫn giữ nếp đi nhà thờ vào cuối tuần. Trương Khương Trinh nhiều lần lẽo đẽo bám theo bóng dáng Nguyễn Thị Nhiều mặc áo tím cài hoa trắng thong thả bước về phía giáo đường ngân vang tiếng chuông mà hồi hộp, mà si mê.

Nữ sinh Nguyễn Thị Nhiều cũng có xao xuyến trước chàng trai miệt thứ Trương Khương Trinh chịu khó học hành và nhiều tài lẻ. Thế nhưng, họ chưa kịp thề non hẹn biển thì kháng chiến bùng nổ. Trương Khương Trinh xếp bút nghiên theo cách mạng.

Chuyện tình khó quên ấy ngỡ đã chấm dứt, vì Trương Khương Trinh những ngày ở Quân khu 9 đã cưới vợ và sinh con. Gần như không còn mấy ai nhắc tên thật Trương Khương Trinh, mà chỉ biết hai bút danh Kiên Giang và Hà Huy Hà.

 Năm 1955, rời khỏi bưng biền, Kiên Giang – Hà Huy Hà bất ngờ khi người xưa tìm gặp ông. Vẫn dung nhan kiều diễm, Nguyễn Thị Nhiều đến chào cố nhân một tiếng, để đi lấy chồng. Kiên Giang – Hà Huy Hà thổ lộ: “Thật xót xa khi suốt tháng ngày loạn lạc, cô ấy vẫn chờ vẫn đợi tôi âm thầm, mà tôi không hề biết. Tiễn cô ấy về Sóc Trăng chọn ngày vu quy, tôi cứ day dứt mãi. Hai năm sau, ngày 14/11/1957, khi đang trên đường công tác ở Bến Tre, gặp một đám cưới trong xóm đạo, tôi liền cảm tác viết được bài thơ “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” với mong muốn trả nợ một ân tình khôn nguôi”.

Soạn giả của những vở cải lương nổi tiếng bậc nhất trên sân khấu Sài Gòn.

Soạn giả của những vở cải lương nổi tiếng bậc nhất trên sân khấu Sài Gòn.

Bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được ghi rõ “Tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo”. Vừa công bố, bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” lập tức nổi tiếng trong giới mộ điệu: “Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xóa không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường/ Mười năm trước em còn đi học/ Áo tím điểm tô đời nữ sinh/ Hoa trắng cài duyên trên áo tím/ Em là cô gái tuổi băng trinh…/ Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ/ Hai bóng cùng đi một lối về”.

Công chúng càng tin “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” là kết quả một chuyện tình khó quên nhiều nước mắt, khi nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Sau đó, nhạc sĩ Anh Bằng lại dựa vào bài thơ “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” để viết thành ca khúc “Chuyện tình hoa trắng” thật lâm ly.

Hai bài hát “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” và “Chuyện tình hoa trắng” cùng tồn tại, dù được khai thác ở hai góc độ khác nhau.

Bài hát “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” dịch chuyển theo hướng lưu luyến: “Từ khi giặc tràn qua xóm đạo/ Anh làm chiến sĩ giữ quê hương/ Giữ màu áo tôi thương/ Giữ màu tím tôi mơ/ Giữ hàng tre, cây đa xiêu đầu làng/ Pháo hồng đưa chuyến đò sang sông/ Áo tím ngày xưa đi lấy chồng/ Chuông đổ ngân vang hồn vĩnh biệt/ Đưa em về bến đục hay trong/ Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa/ Núi xanh, sông biếc còn rơi lệ/ Hoa trắng nay thành hoa cố nhân”.

Còn bài hát “Chuyện tình hoa trắng” lại mang đầy day dứt: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Mà cài trên nắp áo quan tài/ Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Nỗi buồn ôi kỷ niệm ban đầu/ Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Chiều nay áo tím bơ vơ/ Thương cành hoa trắng trên mồ người xưa”.

Bản nhạc 'Hoa trắng thôi cài trên áo tím' đã quen thuộc với công chúng hơn 60 năm.

Bản nhạc "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" đã quen thuộc với công chúng hơn 60 năm.

Dựa trên văn bản lưu hành hoặc theo trí nhớ của người yêu thơ, thì bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” có hai đoạn kết khác nhau. Đoạn kết thứ nhất: “Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Từ nay tóc rũ khăn sô/ Em cài hoa tím trên mồ người xưa”, còn đoạn kết thứ hai: “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ở trên trời/ Trong lòng con, giữa màu hoa trắng/ Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!”.

Soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà xác nhận, chính ông sửa lại đoạn kết thứ nhất thành đoạn kết thứ hai. Lý do được ông giải thích: “Khi có con đầu lòng, cô Nhiều đặt tên cho đưa trẻ là tên ghép lại của tôi và cô ấy. Chồng cô cũng biết quan hệ giữa chúng tôi thuở xưa, nên rất ghen tức. Để giữ gìn hạnh phúc cho cô Nhiều, tôi đổi bốn câu kết bài thơ, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng”. 

Năm 1998, bà Nguyễn Thị Nhiều – nguyên mẫu trữ tình của bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” qua đời. Lúc hấp hối, bà Nguyễn Thị Nhiều dặn dò con cháu: “Báo tin cho ông Trương Khương Trinh nhé!”. Thế nhưng, Kiên Giang – Hà Huy Hà vốn có máu giang hồ này đây mai đó, chẳng ai biết ông đang dừng chân ở đâu mà kiếm tìm. Mãi gần một năm sau, soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà mới về Cần Thơ thắp cho “cô gái có đạo” năm nào một nén nhang tiếc nuối!

Ngày 31/10/2014, soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà qua đời ở tuổi 85. Bây giờ, mộ phần của soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà nằm lặng lẽ trong Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương, nhưng ông để lại nhiều vở cải lương nổi tiếng như “Người đẹp bán tơ”, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Sơn nữ Phà Ca”, “Con đò Thủ Thiêm”, “Người vợ không bao giờ cưới”… và một duyên nợ “hoa trắng thôi cài trên áo tím” xao xuyến nhân gian.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 4/11, giới thiệu câu chuyện “Soạn giả cải lương cài hoa trắng lên áo tím”.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.