| Hotline: 0983.970.780

Chuyện trồng rau, nuôi gà ngoài Trường Sa

Thứ Tư 22/06/2011 , 13:44 (GMT+7)

Mặc dù tình hình biển Đông đang “nóng” hừng hực, nhưng những người lính trên quần đảo Trường Sa vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, và còn thành công trong cả tăng gia sản xuất.

Mặc dù tình hình biển Đông đang “nóng” hừng hực, nhưng những người lính trên quần đảo Trường Sa vẫn kiên định lập trường, làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, họ còn thành công trong việc “chế ngự” sự khắc nghiệt của thời tiết để hình thành những vườn rau vươn mình xanh mướt, những đàn gia cầm không ngừng sinh sôi, nảy nở!

Ăn ngủ cùng rau

Trong bữa cơm chiều trên đảo Trường Sa lớn, ngoài các loại cá, thịt đặt kín bàn, chúng tôi được “chiêu đãi” những đĩa rau muống luộc to, đặt trang trọng giữa bàn. Trước bữa ăn, Thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa lớn xúc động nói: “Chúng tôi mời các anh ăn món rau trồng trên đảo vì hai lý do: Thứ nhất, vì rau là món thực phẩm quí nhất trên đảo. Hai là chúng tôi muốn gửi về đất liền một thông điệp: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân dân trên đảo vẫn không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ đất nước giao phó mà còn lạc quan làm tốt công tác hậu cần, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống hàng ngày”.

“Có rau xanh là giàu”. Đó là câu khẳng định vui của Đảo trưởng Nguyễn Hữu Lục. “Giàu” không phải có nhiều tiền mà “giàu” vì có rau xanh. Ngoài cá, thịt, bữa ăn hàng ngày của quân dân trên đảo thường xuyên có rau xanh. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm đảo Trường Sa lớn sản xuất hàng chục tấn rau xanh các loại.

 Anh Lục kể: “Vài năm trước, rau là hàng xa xỉ trên đảo, hầu hết được mang từ đất liền ra, có khi cả tuần mới được ăn một bữa rau xanh. Do thời thiết trên đảo khắc nghiệt, từ tháng 6 – 12 hàng năm thường có gió mạnh cấp 6, sóng biển tung cao, gió cuốn vào khiến cả đảo chìm trong bụi biển. Nếu không được che chắn kỹ, rau trong vườn cố định sẽ bị “tắm” nước mặn, sém lá và chết rất nhanh. Còn những “vườn rau di động” trồng trong các thùng nhựa, gỗ, một cơn lốc bất ngờ ập đến cũng có thể cuốn phăng xuống biển trong giây lát".

"Có thể nói, anh em trên đảo chúng tôi gần như “ăn ngủ” cùng rau, tìm ra nhiều sáng kiến để bảo vệ vườn rau như trồng thêm nhiều cây xanh, xây “nhà” che nắng, che gió và che nước biển cho vườn rau cố định. Còn những “vườn” rau trồng trong các thùng gỗ, nhựa thì dễ hơn, mỗi khi có gió mạnh, nắng gắt là anh em khiêng “vườn” chạy”, Đảo trưởng Lục cho biết.

Còn Trung tá, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đinh Trọng Thắm thì cho hay: “Ở trên đảo, rau xanh quí như vàng và được “bảo vệ” nghiêm ngặt. Mặc dù không sử dụng thuốc trừ sâu nhưng không loại sâu bọ nào có cơ hội “nhấm nháp” những lá rau, bởi ngoài giờ huấn luyện hay rảnh rỗi là anh em có mặt ở vườn rau để vạch lá bắt sâu, vun xới, xong việc rồi thì ngồi… ngắm rau. Đang ngủ mà nghe mưa hay gió mạnh là anh em bật dậy, lao ra vườn rau để cứu “rau” trước. Cuối năm rồi, do sơ suất mà một trận gió bất ngờ ào tới, mấy khay rau mầm vừa nhú đặt trên lan can bị gió cuốn phăng xuống biển. Tụi tôi thảng thốt và chỉ biết đứng ngó trân trân. Một cậu lính trẻ bật khóc tu tu như trẻ con làm chúng tôi vừa buồn cười vừa xót xa, tiếc mấy khay “vàng” vừa bị biển cướp mất”.

Những trang trại đầu con sóng

Nhìn đàn gà, vịt gần 1.000 con trên đảo Trường Sa lớn, con nào cũng mập ú, tôi hỏi chiến sĩ Nguyễn Đình Di: “Gà vịt nhiều quá, chắc anh em tiết kiệm?”, Di đáp ngay “Tụi em ăn hoài chứ gì, tại nuôi đẻ được nên nhiều đó anh”. Di cho biết trên đảo đã có lò ấp trứng gà vịt từ 2 năm nay. Công trình này do Thiếu úy Phùng Văn Nghiên, cán bộ chính trị nghiên cứu ra. Thiếu úy Nghiên nổi tiếng trên đảo bởi “kinh nghiệm chăn nuôi đầy mình".

Đảo trưởng Nguyễn Hữu Lục kể: “Cũng như trồng rau, việc nuôi gà vịt ở đảo rất khó khăn. Do thời tiết khắc nghiệt khiến đàn gà vịt mới mang từ đất liền ra chết sạch. Chăm gà vịt như chăm con, vậy mà thời gian đầu cũng chết 80%. Sau mỗi lần thất bại chúng tôi lại rút ra một ít kinh nghiệm. Cuối cùng, một số gia cầm cũng thích nghi được với môi trường và tồn tại. Đến nay chúng tôi không chỉ chủ động được con giống mà còn hỗ trợ các đảo khác nữa”.

Sau chuyến thăm và làm việc của đoàn cán bộ khoa học và quản lý Bộ NN-PTNT tại quần đảo Trường Sa (từ ngày 6 - 17/5/2011) trở về, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã có ý kiến chỉ đạo Viện KHKTNN Miền Nam lập dự án Phát triển cây trồng vật nuôi cho quần đảo Trường Sa. Trong đó tập trung vào việc phát triển mô hình trồng rau phù hợp với các đảo; Gây giống các loại cây ăn trái như chuối, đu đủ, dừa, xoài trên đảo; Đưa bò giống ra Song Tử Tây; Phát triển heo rừng lai tại Trường Sa Lớn; Phát triển vịt sinh thái ở tất cả các đảo…

Tôi gặp Thiếu úy Nghiên giữa lúc anh đang  xăng xái tiếp đón đoàn công tác. Đưa tay quệt dòng mồ hôi nhễ nhại, anh cười hiền khi nghe tôi đề nghị anh kể về “nghề” tay trái của mình: “Ban đầu tôi cũng như mọi người, mù tịt về chăn nuôi. Nhưng hoàn cảnh sống ở đây nếu mình không năng động, chịu khó tìm tòi thì rất khó khăn. Làm riết rồi có kinh nghiệm thôi. Bây giờ ở trên đảo không chỉ có quân nhân sống, làm việc và sinh hoạt theo điều lệnh mà đàn heo, đàn gia cầm cũng phải theo “điều lệnh” nữa đấy”.

Anh cười rồi vẫy tôi theo anh. Đến khu vực chuồng gà, anh Nghiên rút chiếc đũa cài trên vách chuồng gà gõ liên tục vào khay uống nước của gà, tức thì đàn gà, vịt từ mọi ngả ào về, tung bụi mịt mù. “Thực ra huấn luyện chúng rất dễ, chỉ cần mỗi lần cho chúng ăn, mình phát ra tín hiệu, một thời gian là chúng quen. Chỉ cần một số quen tín hiệu là đủ, chúng sẽ theo nhau về. Do điều kiện nuôi tự nhiên và có lẽ cũng do môi trường sống nên thịt gà, vịt ở đảo ngon hơn ở đất liền. Bây giờ có thể coi gia cầm ở Trường Sa là một giống riêng, thuần chủng với tên gọi riêng là gà Trường Sa, vịt Trường Sa được rồi, giống như ở đất liền có tên gà Đồng Tháp, gà Tam Hoàng chẳng hạn”- Nghiên kể.

Theo Đảo trưởng Nguyễn Hữu Lục thì số lượng gia súc, gia cầm trên đảo mỗi năm đều tăng hơn năm trước khoảng 30%. Hiện đảo đang có 2 cặp heo giống, trong đó có 1 cặp là heo rừng lai. Đến nay đảo đã tự cung tự cấp con giống gia cầm, trong một tương lai không xa, đảo sẽ chủ động trong việc sản xuất heo giống và có thể cả bò nữa. Khi đó, quân dân trên đảo không chỉ được nghe tiếng gà gáy báo thức mỗi buổi bình minh lên mà còn được nghe tiếng bê con réo mẹ, tiếng bò rống nữa.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm