Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, đang thu hút sự quan tâm của người dân TP.HCM nói riêng và người dân cả nước nói chung.
TP.HCM là một đô thị có mật độ dân cư đông đúc, nên trở thành một đầu mối lưu thông thực phẩm lớn của cả nước. Từ ngày 5/6/2017, TP.HCM đã thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Bây giờ, chuyển mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sang mô hình Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, liệu có cần thiết chăng?
Thực tế, nhân sự của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM có hơn 400 người, chủ yếu tiếp nhận từ Sở Y tế TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM và Sở NN-PTNT TP.HCM. Nếu ra đời Sở An toàn thực phẩm TP.HCM với 6 phòng nghiệp vụ và một đơn vị trực thuộc, thì cũng chỉ mang tính thay đổi tên gọi, hầu như không làm tăng thêm biên chế.
Theo đề án, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng trong thời gian thí điểm đã làm được hai việc quan trọng. Thứ nhất là tỉ lệ thực phẩm sạch tăng lên. Thứ hai là việc lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát chất lượng nhiều hơn và tỉ lệ mẫu đạt chất lượng tốt nhiều hơn trước. Nhưng nếu lấy hai yếu tố ấy để khẳng định thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là nhu cầu cấp bách, thì hơi mơ hồ về lý lẽ.
Bởi vì, nhiều địa phương khác cũng đã và đang tiến hành những công việc tương tự một cách thuận lợi trong các bản báo cáo thành tích hàng năm. Sau khi TP.HCM áp dụng “cơ chế đặc thù” thì những tỉnh khác cũng lần lượt xuất hiện Sở An toàn thực phẩm chăng?
Thị trường thực phẩm liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Tăng cường quản lý thực phẩm phải tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Hiện tại, ngoài Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản của Bộ NN-PTNT, thì thị trường thực phẩm còn được quản lý bởi một số cơ quan khác như Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường của Tổng Cục quản lý thị trường, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Tổng cục Đo lường chất lượng...
Câu hỏi đặt ra là có sự vướng mắc hay sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trên hay không? Liệu đội ngũ cán bộ chuyên trách đã làm tròn bổn phận và làm hết vai trò của họ cho sự ổn định và sự phát triển của thị trường thực phẩm chưa?
An toàn thực phẩm phải được quản lý chặt chẽ ở nơi sản xuất. Còn quản lý an toàn thực phẩm ở nơi tiêu thụ sẽ giống như một cuộc đuổi bắt gian nan và mệt mỏi. Muốn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thì cách tốt nhất vẫn là giám sát thường xuyên và xử phạt cương quyết đối với các trường hợp vi phạm, để từng bước nâng cao ý thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm của tất cả mọi người.