| Hotline: 0983.970.780

Cơ chế đặc thù của Thường Tín

Thứ Năm 09/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Thường Tín là một trong những huyện của TP Hà Nội đã thành công trong xây dựng NTM nhờ có những chính sách và cơ chế linh hoạt.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy về “phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, huyện Thường Tín đã có sự đổi mới toàn diện về mọi mặt.

Đời sống người dân Thường Tín từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2014 đạt 22 triệu đồng/người/năm; đã xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,46%...

Trước khi xây dựng NTM, trên địa bàn huyện chỉ có 1 xã đạt cao nhất 6 tiêu chí, đến nay Thường Tín đã có 6 xã là Nhị Khê, Hồng Vân, Liên Phương, Duyên Thái, Vạn Điểm, Hà Hồi đã đạt chuẩn NTM.

Huyện đang phấn đấu thêm 5 xã về đích NTM vào cuối năm nay. Các xã này hiện đã đạt và cơ bản đạt 16 -18 tiêu chí và đang triển khai hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Trong các tiêu chí NTM thì tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng và cần nhiều kinh phí nhất. Trong những năm qua, huyện đã được thành phố quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới, nâng cấp, cải tạo song vẫn chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu đặt ra của tiêu chí giao thông.

Tuy nhiên, về Thường Tín hôm nay, người ta sẽ thấy một diện mạo NTM thật khang trang, đặc biệt, giao thông nông thôn cũng như giao thông nội đồng đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, làm mới rất thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân.

Có được kết quả trên, bên cạnh việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện làm nòng cốt hướng dẫn người dân thực hiện, huyện Thường Tín đã chủ động xây dựng cho mình một hướng đi riêng, có cách làm phù hợp với địa phương mình.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, của thành phố cho áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định 498 ngày 21/3/1013 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thường Tín đã xây dựng và ban hành Đề án 02 về cơ chế xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, theo đó huyện hỗ trợ 100% nguyên vật liệu còn người dân tự đứng ra tổ chức thực hiện.

Xây dựng NTM không có mẫu số chung cho mọi địa phương, mỗi địa phương cần có phương pháp, bước đi và cách làm riêng. Đánh giá về Đề án 02 của huyện Thường Tín, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Đây là cách làm hay, khoa học, mang lại hiệu quả tích cực.

Đề án dựa trên Quyết định 16 của UBND TP. Hà Nội về chính sách khuyến khích SXNN và xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện đã ứng trước kinh phí hỗ trợ để giải quyết kịp thời nguồn vốn phục vụ xây dựng đường giao thông nông thôn, vừa đảm bảo tiến độ xây dựng NTM vừa huy động được nguồn lực từ nhân dân.

Đề án 02 đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân.

Kết quả, đến nay với sự đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của huyện Thường Tín và hơn 40 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân (chưa kể ngày công lao động), toàn huyện đã kiên cố hóa được thêm 56,21 km đường giao thông nông thôn và 7,2 km đường trục chính nội đồng, xây dựng 22 km rãnh thoát nước.

Cho nên dù là tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư nhưng đến nay các xã trên địa bàn huyện Thường Tín đã đạt hoặc cơ bản đạt tiêu chí về giao thông nông thôn.

Đối với 5 xã đăng ký đạt chuẩn năm nay là Khánh Hà, Văn Bình, Thống Nhất, Vân Tảo, Minh Cường huyện đã hỗ trợ 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường học và 500 triệu đồng cho mỗi nhà văn hóa để các xã hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.

Việc xây dựng các cơ chế đặc thù đã góp phần thúc đẩy tốc độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thường Tín.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Văn Bình, cho biết triển khai Đề án 02 của huyện, xã đã xây dựng được 15 công trình giao thông nông thôn. Kinh phí thực hiện tính đến hết tháng 3/2015 hơn 26 tỷ đồng trong đó thành phố hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng và huyện hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách bổ sung của huyện, các tiêu chí cần nhiều kinh phí như giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, đến nay xã đã đạt và cơ bản đạt, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là nhà văn hóa và môi trường, xã sẽ tập trung hoàn thiện nốt để đảm bảo tiến độ về đích NTM vào cuối năm nay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.