| Hotline: 0983.970.780

Có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm khai thác khoáng sản trên sông Hồng

Thứ Hai 22/08/2016 , 08:54 (GMT+7)

Không chỉ riêng các DN được cấp mỏ, hàng loạt tổ chức kinh doanh bến bãi ven sông Hồng cũng có những vi phạm nghiêm trọng...

Đặc biệt, đối với thực trạng này, chính quyền một số địa phương có những dấu hiệu tiếp tay cho DN.

Sau khi Báo NNVN có hàng loạt bài viết phản ánh tình trạng các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân các địa phương, UBND tỉnh này đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện 19 đơn vị tổ chức kiểm tra và phát hiện thêm hàng loạt sai phạm vô cùng nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi...

 

Sai phạm nhan nhản

Trước đó, theo điều tra của NNVN, trong khoảng thời gian gần đây, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép tràn lan cho các DN khai thác cát trên sông Hồng đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại các địa phương có điểm mỏ khai thác cát. Thậm chí ở một số xã, người dân tập trung đánh đuổi hoạt động khai thác cát sỏi của các DN, khiếu nại, tố cáo liên tục đến các cơ quan chức năng.

Cụ thể, trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc dài khoảng 30km, tiếp giáp với huyện Ba Vì, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Từ năm 2010 đến hết tháng 4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp tổng số 11 giấy phép cho 10 đơn vị với tổng diện tích cấp phép hơn 288,8ha và trữ lượng cấp hơn 9.641.908m3 cát. Cá biệt có những xã như Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường) có tới 4 DN được cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Hồng gồm: Cty TNHH Hữu Bích, Cty MTV Sáng Sơn, Cty Cổ phần TMS Khoáng sản và vật liệu xây dựng, Cty Cổ phần KeVin.

Sau khi Báo NNVN phản ánh liên tục về hiện trạng các DN khai thác cát "tra tấn" đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra trong nhiều tháng trời trước khi ra văn bản kết luận. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng loạt tổ chức, cá nhân đã có những vi phạm nghiêm trọng qui định của pháp luật và bức xúc của nhân dân hoàn toàn có cơ sở.

Đặc biệt là những DN được cấp mỏ, hầu như DN nào cũng có những vi phạm nhất định khi tổ chức kiểm tra. Phổ biến nhất là việc các DN chưa ký hợp đồng thuê đất theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác.

Điển hình là Cty CP Đầu tư VCI được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép khai thác cát trên sông Hồng tại điểm mỏ có diện tích 22,572ha thuộc xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường). Khi tiến hành kiểm tra, Cty này chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất theo nội dung Quyết định số 2944/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hay như Cty CP Xây dựng Phong Châu đóng tại thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường được cấp diện tích khai thác 45ha đồng thời ký hợp đồng thuê 17.147m2 đất nông nghiệp của UBND xã Vĩnh Thịnh.

Trong quá trình khai thác, Cty Phong Châu thường xuyên khai thác ngoài phạm vi mỏ được cấp phép, xây dựng nhà, san lấp mặt bằng làm bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên đất nông nghiệp... Hàng loạt hành vi vi phạm Luật Đất đai và cũng không ký hợp đồng thuê đất theo quyết định cấp Giấy phép khai thác.

Thậm chí, vin vào giấy phép của tỉnh, Cty TNHH MTV Sáng Sơn khai thác cát rầm rộ đến mức ngoạm vào cả Trạm thủy văn Sơn Tây. Ông Nguyễn Siêu Hậu, Trạm trưởng phải làm công văn "cầu cứ" khắp các cơ quan chức năng vì hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyên môn đo đạc của trạm.

Theo tài liệu điều tra, Cty Sáng Sơn được cấp 18,04ha và thuê 743m2 đất nông nghiệp của bà Trần Thị Oanh để khai thác và xây dựng. Sau khi được cấp phép, DN này đã tổ chức xây dựng lán, nhà bảo vệ trên diện tích đất nông nghiệp, vi phạm Luật Đất đai. Hoạt động khai thác cát rầm rộ, kể cả khai thác ngoài mốc chỉ giới được cấp phép.

12-02-15_nh-sh2
Ảnh: Hoàng Anh

 

Trong khi đó, NNVN từng phản ánh, Cty CP Kevin có trụ sở tại đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) được cấp phép 20ha với công suất khai thác 250.000 m3/năm. Ngoài diện tích mỏ được cấp phép, DN này còn thuê thêm 2.000m3 đất nông nghiệp của các hộ dân địa phương để xây dựng văn phòng làm việc, nhà điều hành.

Hoạt động này đã cố tình vi phạm hàng loạt quy định Luật Đất đai, Luật Khoáng sản và các Thông tư của Bộ TN-MT. Rõ ràng nhất là việc Cty Kevin không đăng ký ngày bắt đầu khai thác và tổ chức thông báo với UBND các cấp, xây dựng nhà, lán trại, văn phòng làm việc trên diện tích 2.000m2 đất nông nghiệp, không báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ…

 

Chính quyền có dấu hiệu tiếp tay

Không chỉ riêng các DN được cấp mỏ, hàng loạt tổ chức kinh doanh bến bãi ven sông Hồng cũng có những vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với thực trạng này, chính quyền một số địa phương có những dấu hiệu tiếp tay cho DN.

12-02-15_nh-sh3
Ảnh: Hoàng Anh

 

Tại xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường), rất nhiều tổ chức, cá nhân đã được địa phương này cho thuê đất nông nghiệp để xây dựng, kinh doanh bến bãi và ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Điển hình là Cty TNHH Xây dựng thương mại Phú Thịnh xây dựng nhà, san lấp mặt bằng làm bến bãi kinh doanh cát sỏi trên diện tích 2.217,8m2 đất nông nghiệp thuê thầu của UBND xã Cao Đại đã vi phạm Luật Đất đai 2013, tập kết vật liệu vào vị trí hành lang đê, kè vi phạm Luật Đê điều…

Chính UBND xã Cao Đại và một số địa phương lân cận đã lạm quyền, cho hàng loạt DN khác như Cty TNHH Nhật Hà Anh, DNTN Anh Minh, Cty TNHH Tổng hợp Thương mại Vĩnh Thịnh thuê đất, tổ chức sản xuất kinh doanh vi phạm hàng loạt về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, Luật Khoáng sản…

Hậu quả của thực trạng vi phạm một cách tràn lan hết sức nhức nhối. Kết quả kiểm tra chỉ rõ những hoạt động vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến đoạn đê bối từ bến đò Vĩnh Thịnh đến UBND xã Vĩnh Ninh. Gây hiện tượng nứt nhà của 44 hộ dân ở thôn Kim Xa, xã Vĩnh Ninh, 3 công trình đền, chùa, đình ở xã Vĩnh Thịnh…

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Khước - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, thực trạng các DN được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép có những vi phạm trong quá trình khai thác, kinh doanh, vận chuyển.

Theo ông Khước, với thực trạng này, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang tổ chức rà soát, nếu các DN tiếp tục cố tình vi phạm sẽ rút giấy phép. “Chúng tôi cũng muốn đóng cửa, muốn dẹp hết cho yên chuyện, nhưng mà khó lắm”, ông Khước nói.

Sau khi xem xét báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo giải quyết, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi tuyến sông Hồng trên địa bàn tỉnh.

Văn bản có 10 nội dung yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương xác định hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và lập biên bản vi phạm, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Công bố kết quả kiểm tra cho nhân dân được biết và giám sát. Trường hợp DN nào không thực hiện phải kiên quyết xử lý, thu hồi giấy phép và đóng cửa mỏ theo qui định…

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.