| Hotline: 0983.970.780

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thứ Tư 11/12/2024 , 10:46 (GMT+7)

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.

Đoàn Thanh niên huyện Thanh Trì giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Xuyến.

Đoàn Thanh niên huyện Thanh Trì giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Xuyến.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Điều này phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Xác định được ý nghĩa đó nên thời gian qua huyện Thanh Trì đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP. Cùng với đó là hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng hợp tác sản xuất. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản nói chung và sản phẩm làng nghề nói riêng, Thanh Trì đẩy mạnh phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Thủ đô mới đây Đoàn Thanh niên huyện Thanh Trì đã mang những sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tới trưng bày, giới thiệu tạo nên sức hấp dẫn lớn với khách.

Cụ thể họ đã trưng bày những sản phẩm đặc sản đã được đánh giá, chấm điểm OCOP như bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà), nón lá Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng), rượu cúc làng Ngâu (xã Tam Hiệp), rượu lúa đòng đòng và các loại trà thảo mộc (xã Tả Thanh Oai), miến, bánh đa (xã Hữu Hoà), bưởi Hoàng (xã Đông Mỹ)…

Nghệ sĩ Xuân Bắc tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Xuyến.

Nghệ sĩ Xuân Bắc tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Xuyến.

Ở xã Duyên Hà hiện có khoảng trên 250 hộ làm bánh chưng trong đó có trên 110 hộ sản xuất mang tính hàng hóa, thường xuyên, liên tục. Để cải thiện về năng suất, chất lượng, ngoài những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh làm thủ công thì dân làng còn cải tiến thay vì luộc bánh bằng củi thì dùng nồi điện 3 pha hay nồi hơi, vừa tiết kiệm lại vừa thân thiện với môi trường.

Để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, nhiều hộ dân đã đầu tư máy hút chân không để đóng gói nên được nhiều khách hàng đánh giá cao về độ tiện dụng, tìm đến đặt mua. Làng bánh chưng Tranh Khúc hiện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống, đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và có sản phẩm của 1 hộ sản xuất được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 hộ sản xuất có sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao.

Cũng tương tự như thế, dựa trên nền tảng truyền thống kết hợp với máy móc, công nghệ hiện đại là sản phẩm rượu hoa cúc làng Ngâu đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu được thành lập năm 2019 với 20 thành viên cùng chung nhiệt huyết kế nghiệp nghề của tổ tiên trong bối cảnh xã hội hiện đại nên họ đã áp dụng những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những quy định khắt khe của ngành đồ uống theo pháp luật phải thực hiện.

Các thành viên đã đầu tư mới dây chuyền chưng cất rượu khép kín để chất lượng được ổn định. Tuy áp dụng những công nghệ hiện đại nhưng cái hồn cốt của rượu Ngâu vẫn được giữ là men với 36 vị thuốc Bắc, là gạo nếp cái hoa vàng, là những bông hoa cúc giống cổ được trồng đảm bảo hoàn toàn sạch.

Các thành viên của HTX cùng tuân thủ quy trình chưng cất rượu nhiều lần rồi hạ thổ trong vòng một năm để khử các chất độc hại cũng như làm cho các loại hương từ các nguyên liệu trở nên hài hòa với nhau. Rượu làng Ngâu khi uống có mùi thơm của nếp cái hoa vàng, mùi nồng nàn của vị thuốc Bắc và mùi hương quyến rũ của hoa cúc, càng uống lại càng cảm thấy nhẹ nhàng, sâu lắng, không bị các phản ứng như nhức đầu, đau đầu, hậu vị để lại rất sâu trong khoang miệng. Đó chính là một ví dụ điển hình về cách làm đồ uống tinh tế của người Hà Nội vậy.

Tự hào sản phẩm OCOP của Thanh Trì. Ảnh: Phương Xuyến.

Tự hào sản phẩm OCOP của Thanh Trì. Ảnh: Phương Xuyến.

Không chỉ sản xuất đơn thuần mà sản xuất hiện nay hướng đến một nền kinh tế tích hợp đa giá trị.Hà Nội đã công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã cho 10 đơn vị trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Hà thuộc huyện Thanh Trì được công nhận là mô hình 3 sao.

Đây là nơi thành phố đã triển khai hỗ trợ các mô hình được công nhận thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao năng lực, kết nối sản phẩm OCOP trên địa bàn, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm; hình thành các tour, chương trình du lịch liên kết với các Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; lồng ghép quảng bá các Trung tâm này tại các văn phòng công ty du lịch và đại lý lữ hành trong và ngoài nước.

Đây cũng là nơi mà huyện Thanh Trì quan tâm, đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn những chính sách hỗ trợ cho sản phẩm OCOP được bay cao, bay xa hơn nữa.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.