| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Thứ Ba 10/12/2024 , 17:58 (GMT+7)

Ngày 10/12, tại TP Hạ Long đã diễn ra Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần IX năm 2024.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần IX năm 2024. Ảnh: Thanh Phương.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần IX năm 2024. Ảnh: Thanh Phương.

Năm nay có 29 sản phẩm thuộc các địa phương là TP Đông Triều, TP Cẩm Phả, TP Hạ Long, huyện Bình Liêu, huyện Vân Đồng và huyện Hải Hà tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiềm năng 4-5 sao.

Theo đó có 5 sản phẩm đánh giá lại, 3 sản phẩm nâng hạng lên 5 sao tiềm năng và 21 sản phẩm mới. Đối với các sản phẩm có tiềm năng 5 sao, Hội đồng sẽ tư vấn, hướng dẫn đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương xem xét, đánh giá và công nhận 5 sao.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Ảnh: Thanh Phương.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Ảnh: Thanh Phương.

Bộ tiêu chí là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm 3 phần: Phần A (Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng gồm Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); phần B (Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị gồm Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm); phần C (Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm gồm Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế).

Năm nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tiếp tục đưa công nghệ số vào đánh giá, chấm điểm sản phẩm. Điều này sẽ giúp công tác đánh giá được diễn ra nhanh chóng, chính xác và minh bạch.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP xem xét, chấm điểm các sản phẩm. Ảnh: Thanh Phương.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP xem xét, chấm điểm các sản phẩm. Ảnh: Thanh Phương.

Năm 2024 là năm thứ 9 tỉnh Quảng Ninh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để tiếp tục xây dựng Chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng của tỉnh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm truyền thống địa phương.

Thông qua đó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Đồng thời hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Theo định hướng đến năm 2025, cùng với phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.